Hở mi mắt: yếu tố nguy cơ và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có 10 năm làm việc trong lĩnh vực nhãn khoa.

Mi mắt đóng vai trò rất quan trọng đối với tính thẩm mỹ và hoạt động chức năng của đôi mắt. Hở mi mắt là tình trạng mắt không được bảo vệ hoàn toàn bởi hoạt động nhắm, mở của mi mắt. Nguy cơ hở mi mắt nếu không được phát hiện và điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của người bệnh.

1. Vai trò của mi mắt

Mi mắt là một phức hợp gồm da, cơ vòng mi, mô dưới da, sụn mi và kết mạc phần sụn mi giúp che kín toàn bộ mặt trước của mắt. Mi mắt có cơ chế nhắm kín giúp bảo vệ nhãn cầu, giác mạc trước những chấn thương cơ học từ ngoài tác động và cung cấp độ ẩm cần thiết đảm bảo chức năng bình thường của mắt.

Ngoài ra mi mắt còn có vai trò:

  • Đảm bảo tính thẩm mỹ cho mắt, góp phần tạo nên một đôi mắt đẹp.
  • Bảo vệ các thành phần bên trong mắt, nhất là giác mạc.
  • Ngăn không cho bụi hoặc dị vật rơi vào mắt.
  • Mi mắt nhắm kín được bảo vệ mắt không bị khô khi ngủ.
  • Khi chớp mí mắt, nước mắt dàn đều ở lòng đen và lòng trắng giúp mắt luôn trơn ướt, nhìn rõ ràng và gạt bỏ bụi, vi khuẩn trong mắt.

2. Hở mi mắt là tình trạng gì?

Hở mi mắt là tình trạng mí mắt không có khả năng khép kín hoàn toàn, kể cả khi bệnh nhân đã chủ động nhắm mắt hoặc vô thức hở mắt khi đang ngủ.

Để nhận biết hở mi mắt, bác sĩ sẽ cần kiểm tra chức năng của dây thần kinh số VII (dây thần kinh mặt) bằng cách yêu cầu bệnh nhân nhắm 2 mắt như đi ngủ hoặc nhắm chặt mắt chủ động. Nếu thấy hình dạng mi mắt bị biến đổi, cơ chế bơm nước mắt bị ảnh hưởng, bề mặt nhãn cầu bị tổn thương thì tức là bệnh nhân đã bị hở mi mắt.

Xem thêm: Liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt) có nguy hiểm không?

Tránh để tay tiếp xúc với mặt, mắt, miệng
Hở mi mắt là tình trạng mí mắt không có khả năng khép kín hoàn toàn

3. Nguyên nhân gây hở mi mắt

Nguyên nhân gây hở mi mắt rất đa dạng và phức tạp, có thể liệt kê ra nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Liệt dây thần kinh mặt, ảnh hưởng hoạt động nhắm mở mắt.
  • Cơ mặt bị tổn thương.
  • Tổn thương vùng mắt hoặc có khối u.
  • Tác động của chấn thương sọ não.
  • Do bệnh lý về mắt như lồi mắt, lõm mắt, sẹo...
  • Do rối loạn giấc ngủ.
  • Biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ (cắt da thừa, lấy mỡ mắt...).

Một vài trường hợp khác hiếm gặp là do nguyên nhân di truyền khi trong nhà có nhiều người cùng mắc tình trạng này. Tùy vào từng trường hợp mà biểu hiện bệnh có thể gây mở mắt to hay nhỏ khi ngủ.

Nếu hở mi mắt không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động chức năng của mắt, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

4. Biến chứng của hở mi mắt

Vì là bộ phận đóng vai trò bảo vệ cho nhãn cầu nên nếu bị ảnh hưởng lâu dài, sẽ gây tác động đến các chức năng cơ bản của mắt. Mắt luôn cần phải được cung cấp nước liên tục để tránh bị mỏi, khô thông qua hoạt động chớp mắt, nhưng hở mi mắt đồng nghĩa với việc không có hiện tượng chớp, khiến mắt lâu dần bị khô, mờ đục hoặc loét giác mạc.

Biến chứng nặng nề nhất của hở mi mắt là gây mắc các bệnh lý giác mạc (viêm loét giác mạc, nhiễm khuẩn giác mạc, nhiễm khuẩn kết mạc), gây ảnh hưởng đến thị lực và có thể dẫn đến mù lòa. Đó là lý do vì sao cần đặc biệt chú ý nếu mắt bị hở mi.

Một số hình ảnh viêm loét giác mạc
Nếu không điều trị kịp thời, lâu dần có thể dẫn đến loét giác mạc

5. Điều trị hở mi mắt

Một trong những nguyên nhân của hở mi mắt là do tê liệt dây thần kinh điều khiển hoạt động nhắm mở, chớp của mí mắt. Trường hợp này có thể điều trị khỏi bằng phương pháp châm cứu, kích thích vào huyệt vị của dây thần kinh này khiến nó hoạt động bình thường trở lại.

Với các trường hợp còn lại thì biện pháp điều trị hở mi mắt mang lại hiệu quả cao là tiến hành bằng phẫu thuật. Tùy vào mức độ hở mi nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Sau khi phẫu thuật xong bác sĩ sẽ hướng dẫn cho người bệnh chế độ chăm sóc mắt phù hợp để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn.

Nếu chưa được điều trị bằng phẫu thuật, một số biện pháp tình thế tạm thời có thể áp dụng đó là:

  • Đeo kính, băng che hoặc khiên chắn mắt để hạn chế các kích thích (bụi, vi khuẩn...) tác động vào mắt.
  • Thường xuyên tra gel, nước muối sinh lý (natri clorua 9%) hoặc nước mắt nhân tạo để tạo một lớp bảo vệ ngoài bề mặt nhãn cầu, làm ẩm mắt và chống bay hơi nước mắt.

Lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa: Khi người bệnh bị hở mi sẽ khiến mắt có nguy cơ cao mắc các bệnh lý nguy hiểm như: loét giác mạc, khô mắt... do đó người bệnh cần đến viện khám và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan