Hướng dẫn theo dõi huyết áp động mạch

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thanh An - Bác sĩ Can thiệp tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Theo dõi huyết áp động mạch là thao tác cần thiết trong điều dưỡng và chăm sóc bệnh nhân. Dựa vào kết quả đo huyết áp động mạch để phán đoán tình hình sức khoẻ trước và sau điều trị.

1. Tìm hiểu chung về huyết áp động mạch

1.1 Định nghĩa huyết áp động mạch

Huyết áp động mạch là áp lực của máu tác dụng lên các thành động mạch, được tạo thành bởi những yếu tố sau:

  • Lưu lượng máu trong động mạch
  • Sức co bóp của trái tim
  • Sức cản ngoại vi.

Huyết áp tâm thu: Áp lực của máu trong động mạch ở mức cao nhất khi tim co bóp, do vậy người ta còn gọi là huyết áp tối đa. Huyết áp tâm thu ghi ở vị trí tử số.

Huyết áp tâm trương: Áp lực của máu ở vị trí thấp nhất khi tim đang trong kỳ tâm trương, người ta còn gọi là huyết áp tối thiểu, giá trị huyết áp tâm trương ghi ở mẫu số.

1.2 Những yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

  • Tuổi tác: Huyết áp của con người có xu hướng tăng lên khi họ dần già đi, trẻ em sẽ có số đo huyết áp thấp, tăng dần ở người lớn và cao nhất ở người già.
  • Giới tính: Ở cùng một độ tuổi, nam giới sẽ có giá trị huyết áp cao hơn nữ giới.
  • Vận động: Vận động và tập luyện có thể làm tăng huyết áp nhất thời
  • Tâm lý: Khi con người ở trạng thái lo lắng, sợ hãi hoặc phấn khích có thể tăng huyết áp.
  • Sử dụng thuốc: Sử dụng thuốc co mạch làm tăng huyết áp; dùng thuốc giãn mạch làm hạ huyết áp; dùng thuốc ngủ cũng làm hạ huyết áp.
Trẻ mắc tay chân miệng độ 2 thường được điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có ảnh hưởng đến huyết áp như thuốc ngủ, thuốc co mạch,...

1.3 Một số bệnh lý về huyết áp

1.3.1 Huyết áp thấp

  • Áp lực máu lên động mạch thấp hơn bình thường, giá trị huyết áp tâm thu < 90 mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg.
  • Một số người có giá trị huyết áp thấp thường xuyên nhưng không có dấu hiệu của bệnh lý.
  • Huyết áp thấp kèm theo các biểu hiện của choáng như vã mồ hôi, tay chân lạnh, nhịp tim nhanh,... cần điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Huyết áp thấp có thể gặp ở một số bệnh nhân: nhiễm khuẩn cấp tính, chảy máu, mất nước.

1.3.2 Huyết áp kẹt

Huyết áp kẹt khi giá trị huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương chênh lệch dưới 20 mmHg. Khi gặp tính trạng này cần thông báo ngay cho bác sĩ để điều trị kịp thời.

2. Dụng cụ đo huyết áp động mạch

2.1 Một số loại máy đo huyết áp:

  • Máy đo huyết áp thuỷ ngân: Độ chính xác cao, cồng kềnh.
  • Máy đo huyết áp đồng hồ: Sử dụng thuận tiện nhưng cần hiệu chỉnh độ chính xác định kỳ với máy đo huyết áp thủy ngân, người đo cần được huấn luyện cách sử dụng.
  • Máy đo huyết áp điện tử: Sử dụng thuận tiện, không cần sử dụng ống nghe, kết quả đo sẽ được hiển thị trên màn hình, thao tác đơn giản.

2.2. Các thành phần của máy đo huyết áp đồng hồ

2.2.1 Băng quấn:

Một dải băng cuộn vải có túi hơi cao su bên trong, được nối với hai ống cao su, một ống được nối với bóng cao su để bơm khí vào túi hơi, một ống nối với áp lực kế đồng hồ. Đầu của bóng cao su sẽ có van để xả khí và bơm khí.

2.3.2 Ống nghe tim phổi

Đặt vào vị trí động mạch cánh tay cùng bên băng quấn, người đo sẽ nghe trong quá trình xả hơi để ghi kết quả huyết áp động mạch.

Cách chọn kích thước băng quấn

Đây là vấn đề hết sức quan trọng, nếu chọn kích thước băng quấn không thích hợp có thể làm sai số kết quả đo đến 10 – 50 mmHg ở bệnh nhân béo phì. Kích thước của băng quấn phụ thuộc vào chu vi của chi dùng để đo huyết áp (chu vi vòng cánh tay). Chiều dài băng quấn nên bằng 80% và bề rộng băng quấn nên bằng ít nhất 40% chu vi vòng cánh tay.

Kích thước băng quấn tương ứng với chu vi vòng cánh tay như sau:

  • Chu vi vòng cánh tay 22 - 26 cm, băng quấn "small adult", 12 x 22 cm
  • Chu vi vòng cánh tay 27 to 34 cm, băng quấn "adult", 16 x 30 cm
  • Chu vi vòng cánh tay 35 to 44 cm, băng quấn "large adult", 16 x 36 cm
  • Chu vi vòng cánh tay 45 to 52 cm, băng quấn "adult thigh", 16 x 42 cm

3. Cách đo huyết áp động mạch

3.1 Nguyên lý đo huyết áp động mạch

Nguyên lý đo huyết áp động mạch là vùng cánh tay được quấn lại bởi một băng quấn cao su, áp lực nén của băng quấn này sẽ đè ép vào động mạch cánh tay và gây mất mạch tạm thời, sau đó băng quấn được xả hơi để giảm áp lực từ từ, mạch sẽ có trở lại. Trong quá trình này, người đo huyết áp ghi lại những thay đổi của động mạch.

  • Điểm huyết áp tâm thu là (điểm bắt đầu nghe/ hoặc cảm nhân có tiếng thổi/ mạch trở lại) trong khi sức ép của băng cao su giảm dần.
  • Điểm huyết áp tâm trương là (điểm khi nghe/ hoặc cảm nhận mất tiếng thổi/ hoặc mạch) khi không còn sức ép của băng cao su.

3.2 Cần lưu ý gì khi đo huyết áp động mạch

  • Bệnh nhân trước khi thực hiện đo huyết áp động mạch cần nghỉ ngơi 15 phút.
  • Kiểm tra máy đo huyết áp động mạch, các chi tiết như van, bơm cao su, áp lực kế đồng hồ, dải băng cuốn. Trong quá trình đo cần sử dụng một máy đo duy nhất.
  • Vị trí đo huyết áp động mạch thường ở cánh tay, có một số trường hợp khác sẽ đo theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu muốn đo huyết áp ở vị trí nào thì cần tìm động mạch ở đó trước.
  • Trong quá trình bơm không được dừng lại giữa chừng làm sai kết quả.
  • Quá trình xả hơi phải xả liên tục đến khi cột thuỷ ngân hoặc kim chỉ hạ về điểm 0.
  • Trong quá trình đo nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu gì bất thường về huyết áp thì cần thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa.

Đối với các người bệnh cần theo dõi huyết áp tại nhà, chúng tôi khuyến cáo sử dụng máy đo huyết áp điện tử, vì dễ sử dụng, có nhiều thông số, và có thể theo dõi các giá trị theo thời gian. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người bên cần tuân thủ một số nguyên tắc đo cơ bản, và chú ý mang máy đi hiệu chỉnh ở các trung tâm thiết bị y tế định kỳ 06 tháng đến 01 năm để đảm bảo kết quản đo chính xác.

Cách đo huyết áp tay
Bệnh nhân trước khi thực hiện đo huyết áp động mạch cần nghỉ ngơi 15 phút

3.3 Ghi kết quả sau khi đo huyết áp

Hai cách đo huyết áp động mạch:

  • Ghi theo phân số (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương)
  • Ghi theo biểu đồ, phương thức này được sử dụng với những bệnh nhân cần chăm sóc thường xuyên như gây mê, sốc, chảy máu, sau phẫu thuật,...

Không nên đo huyết áp động mạch nhiều lần ở cùng một vị trí vì sẽ cho kết quả không chính xác. Trong một số trường hợp cần đo ở cả hai cánh tay để so sánh kết quả, hoặc so sánh kết quả ở đùi với cánh tay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan