Làm thế nào khi bị bí tiểu sau mổ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.

Đa số bệnh nhân sau mổ thường gặp chứng bí tiểu, nước tiểu không thoát ra được gây căng tức bụng và khó chịu cho người bệnh. Nếu không được can thiệp, bí tiểu sau phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

1. Bí tiểu sau phẫu thuật là gì?

Bí tiểu là tình trạng rối loạn đường tiểu, bệnh nhân cảm giác buồn tiểu nhưng không thể đi tiểu được, khi thăm khám thấy cầu bàng quang tuy nhiên nước tiểu không thoát được ra ngoài.

Bí tiểu là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân sau mổ, đặc biệt là bệnh nhân mổ trĩ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bí tiểu sau mổ, tuy nhiên đa số trường hợp bí tiểu sau mổ là do bệnh nhân bị hạn chế vận động. Ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn chức năng bàng quang hay những bệnh lý ở thận sẽ có nguy cơ cao hơn.

Phẫu thuật
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bí tiểu sau phẫu thuật

2. Điều trị chứng bí tiểu sau phẫu thuật

Để tránh tình trạng bí tiểu sau phẫu thuật thì trước hết khuyến khích bệnh nhân sau phẫu thuật sớm vận động, đi lại để tránh tình trạng nằm quá lâu. Ngoài ra, bệnh nhân cần uống nhiều nước để thận đào thải nước tiểu theo cơ chế tự nhiên.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc bệnh suy tim sung huyết, các bệnh lý gây phù thì không được dung nạp nhiều chất lỏng. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng những phương pháp điều trị chứng bí tiểu.

Cùng với đó, để cải thiện tình trạng bí tiểu, bí đái, bệnh nhân cần bổ sung các loại thực phẩm giúp lợi tiểu bao gồm:

  • Các loại rau: Củ cải, bắp cải, dưa chuột, cần tây, cà rốt, cà chua... là những thực phẩm chứa nhiều nước giúp tăng lượng nước cần thiết để đi tiểu.
  • Một số loại hoa quả: Các loại dưa như dưa hấu, dưa gang,... Các loại quả có múi như cam, chanh, quýt,...
  • Trà và cafe: Người bệnh có thể được khuyên uống coca, cà phê và trà xanh vì đây là những loại đồ uống giúp lợi tiểu rất tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý khi uống quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

Trong những trường hợp cần thiết, khi điều trị chứng bí tiểu, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc lợi tiểu bao gồm:

  • Thuốc chẹn thụ thể alpha là một nhóm thuốc dùng để điều trị các vấn đề về đường tiểu. Chúng có tác dụng giãn các cơ ở bàng quang và giảm các yếu tố cản trở dòng nước tiểu. Các loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị các vấn đề xảy ra trong thời gian dài liên quan đến tình trạng bí tiểu, đặc biệt là bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
  • Thuốc ức chế 5-alpha-reductase.
  • Thuốc ức chế 5-alpha-reductase giúp thu nhỏ kích thước tuyến tiền liệt, do đó chỉ được kê toa cho nam giới. Thuốc này có thể mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mới có hiệu quả, tùy vào thời gian thu nhỏ tuyến tiền liệt có tác dụng.

Cuối cùng, bệnh nhân có thể sẽ phải can thiệp đặt sonde tiểu để dẫn nước tiểu ra ngoài nếu tình trạng bí tiểu không được cải thiện. Sau đó, bệnh nhân phải tập tiểu qua sonde để tình trạng đi tiểu hoạt động trở lại bình thường. Khi bệnh nhân tự tiểu được, lúc này bác sĩ sẽ có chỉ định rút thông tiểu.

Đặt sonde tiểu lưu
Đặt sonde điều trị bí tiểu sau phẫu thuật để dẫn nước tiểu ra ngoài

3. Phòng ngừa bí tiểu sau mổ

Bí tiểu sau phẫu thuật là một biến chứng được đánh giá thấp và chủ yếu là có thể phòng tránh được. Những phương pháp phòng ngừa bí tiểu sau mổ bao gồm:

  • Vận động sớm sau mổ
  • Tập những bài tập cơ bụng, và sàn khung chậu. Khi đó cơ bụng căng sẽ ép lên bàng quang
  • Xoa bụng để kích thích bàng quang
  • Đi tiểu khi cảm thấy thôi thúc: Khi có cảm giác muốn đi tiểu cần đi tiểu ngay, không nên nhịn tiểu
  • Vệ sinh đường tiết niệu thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Cần vệ sinh đúng cách: Lau từ trước ra sau, rửa khu vực giữa âm đạo và trực tràng hàng ngày và đi tiểu ngay sau khi quan hệ.
  • Cần điều trị kịp thời những bất thường và các rối loạn đường tiểu, các yếu tố hoặc bệnh lý có thể dẫn đến bí tiểu.

Bí tiểu là tình trạng rối loạn đường tiểu, mà người bệnh có cảm giác buồn tiểu nhưng không thể tiểu được. Bí tiểu sau phẫu thuật là một biến chứng có thể phòng ngừa được.

Do đó, người bệnh sau khi phẫu thuật cần lưu ý vận động và chế độ ăn phù hợp để ngăn ngừa chứng bí tiểu. Khi có cảm giác căng tức bụng và không tiểu được cần báo ngay với bác sĩ để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

66.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan