Nghi ngờ hẹp ống sống cần làm những phương pháp chẩn đoán nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Bích Ngọc - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có 06 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Chẩn đoán hẹp ống sống giúp xác định tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị chính xác, hiệu quả. Bên cạnh kiểm tra những dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ cũng sẽ có chỉ định chẩn đoán hình ảnh cụ thể cho từng đối tượng bệnh nhân.

1. Hẹp ống sống là gì?

Hẹp ống sống là một bệnh lý không nhiều người biết, nhưng ngày càng xuất hiện phổ biến. Ống sống là khoang rỗng của các đốt sống, chứa tủy sống và các rễ thần kinh. Bệnh hẹp đốt sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp, gây chèn ép lên các rễ thần kinh và tủy sống.

Nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp ống sống có thể là do:

  • Bẩm sinh: Nhiều người sinh ra đã có một phần ống sống nhỏ hơn bình thường, bị khuyết tật cột sống bẩm sinh.
  • Tuổi tác: Hầu hết người bị hẹp ống sống đều trên 50 tuổi, có thể xảy ra ở cả nam và nữ qua thời gian dài sinh hoạt, vận động.
  • Bệnh lý về xương: Ví dụ như bệnh Paget, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ và xương (gặp ở người trẻ).
  • Tiền sử chấn thương: Từng bị chấn thương hoặc có khối u trong cột sống
  • Thoát vị đĩa đệm: Khiến các khối đĩa đệm bị lệch, bắt đầu khô và phình to ra...

Bệnh có thể xảy ra từng vùng - ở dưới lưng (hẹp ống sống thắt lưng) hoặc cổ (hẹp ống sống cổ), hoặc toàn bộ ống sống. Hẹp ống sống thường không quá nguy hiểm, nhưng cũng có trường hợp cần phẫu thuật để giảm áp lực lên tủy sống hoặc các dây thần kinh, giảm bớt ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh.

2. Chẩn đoán hẹp ống sống qua triệu chứng

Các triệu chứng tiềm tàng của hẹp ống sống sẽ khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Đau lan: Đau lan tỏa từ cột sống đến cánh tay hoặc chân. Mức độ có thể từ âm ỉ đến cảm giác nóng rát.
  • Đau cục bộ ở cột sống: Đôi khi cảm nhận được cơn đau ở tại vùng cổ hoặc thắt lưng.
  • Dấu hiệu rễ thần kinh do bị chèn ép: Ngứa ran, tê hoặc yếu cánh tay / chân.
  • Dấu hiệu tủy sống do chèn ép: Ngứa ran, tê, yếu cánh tay và / hoặc chân, kèm theo khó kiểm soát cơ bàng quang hoặc ruột.
  • Hội chứng đuôi ngựa (do chèn ép vùng rễ thần kinh cuối tủy sống): Mất cảm giác vùng ngồi yên ngựa, đại tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ,... cần được can thiệp y tế ngay để tránh tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
đau cột sống dưới
Đau lan tỏa từ cột sống đến cánh tay hoặc chân là triệu chứng tiềm tàng của hẹp ống sống

3. Các xét nghiệm chẩn đoán hẹp ống sống

3.1. Chụp X quang

Đây là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán hẹp ống sống thông qua cấu trúc xương cột sống. Trên phim chụp X-quang sẽ hiển thị rõ hình ảnh ống sống bị hẹp nếu có. Thông thường, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp với 2 tư thế: đứng thẳng đối diện và đứng nghiêng.

3.2. Chụp CT

Còn gọi là chụp cắt lớp vi tính, CT Scanner giúp chẩn đoán hẹp ống sống bằng cách kết hợp đồng thời nhiều phim X-quang lại với nhau. Hình dạng và kích thước của ống sống sẽ hiển thị rõ trên phim chụp. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ nhìn rõ được những thành phần bên trong, cũng như cấu trúc xung quanh và chi tiết giải phẫu xương khi chụp CT cho bệnh nhân.

3.3. Chụp cộng hưởng từ MRI

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông qua năng lượng từ kết hợp với công nghệ máy tính. Chụp cộng hưởng từ MRI có khả năng hiển thị chính xác hình ảnh của rễ dây thần kinh, tủy sống và các vùng xung quanh. Qua đó, bác sĩ dễ dàng nhìn thấy được tình trạng phì đại, có khối u hoặc thoái hóa nếu có.

3.4. Tủy đồ

Phương pháp tủy đồ được tiến hành sau khi tiêm thuốc cản quang vào khoang dịch não tủy, giúp nhìn rõ hình dạng của tủy sống và các dây thần kinh. Thông qua X-quang hoặc chụp CT, cũng hiển thị tất cả chèn ép tới khu vực này nếu có. Ngoài ra, phương pháp đo vận tốc dẫn truyền thần kinh cũng có thể được dùng để xác định tình trạng chèn ép thần kinh có gây tê hay châm chích ở chân không.

Tất cả phương pháp chẩn đoán hẹp ống sống được áp dụng nhằm kiểm tra ảnh hưởng của ống sống, nhất là tác động đến các rễ dây thần kinh và tủy sống. Trong nhiều trường hợp, hẹp ống sống sẽ gây chèn ép các dây thần kinh khác nhau và ngược lại, chèn ép dây thần kinh cũng có thể gây ra các triệu chứng hẹp ống sống. Vì vậy một số phương pháp chẩn đoán hẹp ống sống sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện ở tư thế thẳng đứng để dễ dàng đánh giá ảnh hưởng của lực ép dọc tới cột sống.

Chụp cộng hưởng từ mang lại chất lượng hình ảnh tốt, độ tương phản cao
Chụp cộng hưởng từ MRI có khả năng hiển thị chính xác hình ảnh của rễ dây thần kinh, tủy sống và các vùng xung quanh

4. Phòng ngừa bệnh hẹp ống sống

Có thể phòng ngừa hẹp ống sống bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt và lối sống. Ngay cả khi đã mắc bệnh thì cũng có thể kiểm soát và giảm triệu chứng bằng cách:

  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 - 2 lần để sớm phát hiện bệnh và có lợi cho quá trình điều trị. Người đã bị hẹp ống sống nên tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi sát diễn biến của bệnh.
  • Tuân thủ lối sống lành mạnh, ngủ nghỉ đúng giờ và tránh căng thẳng, hạn chế thoái hóa xương sớm.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều rau xanh và chất dinh dưỡng có lợi cho xương khớp. Tránh những thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn nhiều dầu và muối làm phá hủy xương khớp.
  • Giữ cân nặng hợp lý để giảm bớt áp lực lên khung xương.
  • Loại bỏ những thói quen xấu có hại cho xương khớp, như hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, nghiện bia rượu...
  • Vận động và tập luyện thường xuyên để giúp xương khớp linh hoạt, dẻo dai. Đây là cách phòng ngừa hầu hết bệnh xương khớp nói riêng và tốt cho sức khỏe nói chung.

Tóm lại, bác sĩ sẽ chẩn đoán hẹp ống sống dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng. Ngoài xét nghiệm máu và nước tiểu để chẩn đoán phân biệt, bệnh nhân thường được chỉ định chụp X-quang cột sống hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) và CT scanner cột sống nếu cần hình ảnh rõ hơn. Phương pháp đo vận tốc dẫn truyền thần kinh và tủy đồ cũng có thể được dùng khi cần thiết.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang tiếp tục trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: PET/CT, SPECT/CT, MRI..., xét nghiệm huyết tủy đồ, mô bệnh học, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen, xét nghiệm sinh học phân tử, cũng như có đầy đủ các loại thuốc điều trị các bệnh lý. Theo đó, quy trình thăm khám, chẩn đoán chính xác bệnh đều được thực hiện bởi các bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm.

Sau khi có chẩn đoán chính xác bệnh, giai đoạn, người bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Quá trình điều trị luôn được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch, chuyên khoa tim mạch, Tế bào gốc và công nghệ gen; khoa Phục hồi chức năng, khoa tâm lý, khoa Dinh dưỡng... để đem lại hiệu quả cũng như sự thoải mái cao nhất cho người bệnh.

Đặc biệt, hiện nay để nâng cao chất lượng dịch vụ, Vinmec còn triển khai nhiều gói Khám sức khỏe tổng quát có thể sớm phát hiện các bệnh lý để có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

737 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan