Người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không?

Dưa hấu là loại trái cây thơm ngon, chứa nhiều vitamin và chất khoáng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, loại quả này lại chứa nhiều carbohydrate nên có thể làm tăng đường huyết sau ăn. Vậy người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu được không?

1.Những lợi ích của dưa hấu

Dưa hấu có nguồn gốc từ Tây Phi, là một loại trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Dưa hấu chứa một lượng dồi dào các vitamin A, vitamin C, vitamin B6, kali, magie, sắt, canxi,... Vitamin A giúp mắt khỏe mạnh đồng thời hỗ trợ hoạt động của thận, tim, phổi. Vitamin C trong dưa hấu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa một số bệnh ung thư, tăng sức đề kháng để chống lại triệu chứng của cảm lạnh thông thường. Dưa hấu cũng giàu chất xơ nên rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Dưa hấu chứa hơn 90% là nước, nên ăn một lượng vừa phải dưa hấu không chỉ giúp hạn chế cảm giác thèm ăn ngọt mà còn có thể giúp bạn no lâu hơn. Dưa hấu có thể giúp bạn tuân thủ chế độ ăn kiêng và hỗ trợ quản lý cân nặng.

Người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu được không? Hiện chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiêu thụ dưa hấu và quản lý bệnh tiểu đường. Tuy nhiên có một số bằng chứng cho thấy ăn dưa hấu có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc một số biến chứng của bệnh tiểu đường.

Dưa hấu chứa một lượng vừa phải lycopene, đây là sắc tố tạo nên màu sắc cho trái cây nhưng đồng thời cũng là một chất chống oxy hóa mạnh. Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy lycopene được tìm thấy trong cà chua có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Khoảng 68% những người mắc bệnh tiểu đường từ 65 tuổi trở lên tử vong vì các bệnh tim mạch. Khoảng 16% trong số này tử vong vì đột quỵ. Với lý do này, Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) đã xếp bệnh tiểu đường là một trong những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được của bệnh tim mạch.

Dưa hấu
Bệnh nhân tiểu đường ăn dưa hấu có thể làm giảm nguy cơ mắc một số biến chứng của bệnh tiểu đường

2.Người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không?

Để tìm hiểu “người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không”, bạn cần biết về chỉ số GI và GL.

Chỉ số đường huyết (GI) phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn của các loại thực phẩm. Chỉ số GI gồm 100 điểm, trong đó glucose có GI là 100, nước lọc có GI là 0. Mỗi loại thực phẩm có một giá trị GI nhất định, thực phẩm có GI càng cao thì càng không có lợi cho sức khỏe người bị tiểu đường.

Chỉ số đường tải (GL- glycemic load) là sự kết hợp giữa GI và lượng carbohydrate thực tế trong một khẩu phần ăn. Chỉ số GL được xem là có nhiều ưu điểm hơn chỉ số GI trong đánh giá lượng đường có trong thức ăn và khả năng làm tăng đường huyết sau ăn.

Một số người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết bằng cách tính lượng carbohydrate tiêu thụ. Thực phẩm có GI thấp hoặc trung bình được xem là ít có khả năng làm tăng đường huyết. Những thực phẩm có GI từ 55 trở xuống được coi là thấp. GI từ 55-69 được xem là trung bình, từ 70 trở lên được xem là cao. Trong khi đó, GL dưới 10 là thấp, từ 10-19 là trung bình, từ 19 trở lên được coi là cao.

Dưa hấu thường có chỉ số GI là 72 nhưng chỉ số GL là 2 trên 100 gam khẩu phần. Như vậy GL của dưa hấu thấp và người bệnh tiểu đường có thể ăn dưa hấu với lượng vừa phải, cân bằng với các loại thức ăn khác trong bữa ăn.

3.Người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu như thế nào là hợp lý?

Một số lưu ý sau đây giúp người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu đúng cách, vừa giúp cung cấp các chất dinh dưỡng từ dưa hấu, vừa giúp giảm nguy cơ đường huyết tăng cao đột ngột sau ăn:

  • Sử dụng dưa hấu tươi, ăn nguyên miếng, không ép lấy nước, không thêm đường.
  • Không nên ăn dưa hấu ngay sau bữa ăn, mà nên ăn sau bữa ăn 1-2 giờ để tránh nguy cơ đường huyết tăng cao đột ngột.
  • Người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu với lượng vừa phải, chỉ nên ăn một miếng khoảng 200 gam mỗi lần, không ăn quá 500 gam/ngày.

4.Các loại trái cây phù hợp với người bệnh tiểu đường?

Chế độ ăn cho bệnh tiểu đường
Chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường

Mặc dù ăn dưa hấu có nhiều lợi ích, tuy nhiên khi bị tiểu đường, bạn nên đa dạng chế độ ăn uống với các loại trái cây có chỉ số GI thấp hơn. Theo nguyên tắc chung thì các loại trái cây có hàm lượng carbohydrate thấp hơn sẽ có chỉ số GI thấp hơn, vì vậy bệnh nhân tiểu đường có thể ăn nhiều hơn. Một số loại trái cây tốt cho người tiểu đường ít ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường máu, bao gồm: mận, bưởi, quả đào, quả táo, quả lê, cam, quýt,...

Khi ăn trái cây, người bệnh tiểu đường nên chọn trái cây tươi, không thêm đường khi ăn. Hạn chế dùng nước ép trái cây hoặc sirô trái cây. Nếu sử dụng các loại trái cây đóng hộp thì nên đọc kỹ nhãn để biết lượng đường có trong sản phẩm. Trong trường hợp các loại trái cây đóng hộp ngâm trong siro hoặc đường, hãy nên để rửa sạch, để ráo nước trước khi ăn.

Dưa hấu là loại quả giàu giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên để kiểm soát lượng đường huyết, bạn nên ăn trái cây trực tiếp khi còn tươi, tránh ép nước, thêm đường để chỉ số đường huyết tăng cao đột ngột.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, .medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan