Người bị trầm cảm thì nên làm gì?

Trầm cảm là chứng bệnh liên quan tới rối loạn tâm lý mà bất kỳ ai cũng có nguy cơ gặp phải. Trầm cảm khiến bệnh nhân có những suy nghĩ, hành động mang chiều hướng tiêu cực. Vậy trầm cảm thì nên làm gì? Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh trầm cảm.

1. Dấu hiệu của trầm cảm

Thực tế, không phải bệnh nhân trầm cảm nào cũng có những biểu hiện giống nhau. Khi bạn hoặc người thân bạn mắc chứng trầm cảm thì họ thường có những triệu chứng như:

  • Thường xuyên buồn phiền, than khóc một mình;
  • Bi quan hơn trước một rắc rối nào đó, không có hy vọng về tương lai;
  • Dễ cáu kỉnh, không muốn giao tiếp, chia sẻ với những người xung quanh;
  • Bơ phờ, thiếu năng lượng sống;
  • Ít quan tâm tới vẻ ngoài của bản thân, bỏ bê thói quen vệ sinh cá nhân;
  • Ít quan tâm tới các hoạt động xã hội hoặc sở thích của bản thân;
  • Khó tập trung;
  • Ăn nhiều hơn hoặc ăn ít hơn bình thường;
  • Thường nhắc tới cái chết hoặc tự tử.

2. Người bị trầm cảm thì nên làm gì để điều trị?

Trầm cảm phải làm sao? Đây là câu hỏi được nhiều bệnh nhân trầm cảm đặt ra. Để trị trầm cảm stress, bạn cần kiên trì trong một quá trình lâu dài. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn cảm thấy tâm trạng khá hơn hoặc ít nhất là giúp bệnh trầm cảm không tiến triển hơn nữa:

2.1 Hồi tưởng về quá khứ

Mỗi khi chán nản hay tuyệt vọng, chúng ta hãy nghĩ về quá khứ. Bạn hãy thử mở cuốn album ảnh ra, nhớ lại những kỷ niệm ấm áp, niềm vui bên gia đình, bè bạn,... Điều này sẽ giúp bạn trở nên khá hơn bởi giữa những lúc tưởng chừng như vô cùng khó khăn thì niềm vui vẫn tồn tại đâu đó xung quanh bạn.

2.2 Nghĩ thoáng hơn

Việc đi qua những cung bậc cảm xúc là cách tốt để nhắc nhở bản thân bạn rằng nỗi đau không kéo dài vô tận. Có thể bạn thức dậy với tâm trạng lo lắng tột cùng nhưng đến buổi trưa bạn sẽ gác lại cảm xúc đó. Đến buổi tối, thậm chí bạn sẽ có những tràng cười sảng khoái khi xem phim hài. Vì vậy, bạn hãy nghĩ rằng sự căng thẳng, chán chường của bạn chỉ là một cơn đau sẽ đến và sẽ đi. Lúc này, bạn chỉ cần hít thở sâu để vượt qua, tin tưởng áp lực sẽ mau chóng qua đi.

2.3 Chấp nhận việc bạn không thể kiểm soát mọi thứ

Hầu hết những nỗi đau khổ mà bạn đang có thường xuất phát từ niềm khao khát về việc phải kiểm soát mọi thứ một cách chắc chắn. Ví dụ, bạn luôn muốn biết trầm cảm nên làm gì, khi nào sẽ thuyên giảm, loại thuốc nào hữu hiệu, khi nào bạn có thể ngủ ngon không lo lắng điều gì,... Chỉ khi bạn chấp nhận việc ngừng kiểm soát mọi thứ thì bạn mới có thể giảm bớt sự mệt mỏi của bản thân.

2.4 Đặt mục tiêu cho tương lai

Trầm cảm thì nên làm gì? Nếu quá lo lắng, hoang mang hoặc mệt mỏi, bạn hãy nghĩ tới người thân để có nghị lực vượt qua. Như một chiến sĩ trên chiến trường, bạn phải đi tới cuối và hoàn thành nhiệm vụ của mình, sống hết mình vì một điều quý giá nào đấy. Điều này sẽ tiếp thêm cho bạn sức mạnh để mạnh mẽ vượt qua cơn trầm cảm.

2.5 Tận hưởng hiện tại

Nếu chúng ta có thể sống trọn vẹn với hiện tại, chỉ tập trung vào những thứ trước mắt thì chúng ta có thể loại bỏ được vô vàn nỗi sợ hãi bởi chúng đều xuất phát từ quá khứ hoặc tương lai mơ hồ.

Bên cạnh đó, bạn hãy làm mới lại các mối quan hệ, ra ngoài và gặp gỡ mọi người, đi uống cà phê với bạn bè hoặc duy trì những sở thích cá nhân như trồng hoa, may vá,... Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, bớt sầu bi, ảo não,...

2.6 Tập luyện nhiều hơn

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng những bài tập thể dục nhịp điệu trong khoảng 30 phút ít nhất 5 ngày/tuần có hiệu quả đáng kể trong việc làm thuyên giảm tình trạng trầm cảm. Theo nghiên cứu, việc vận động giúp não bộ tiết ra các hormone chống trầm cảm như Serotonin, Endorphins,... Vì vậy, bạn nên bắt đầu tập luyện một cách chậm rãi, nhẹ nhàng, không nên cố sức. Có nhiều bài tập cho bạn lựa chọn như: Đi bộ nhanh, tập aerobic, tập yoga, bơi lội, thiền,...

2.7 Những điều nên tránh

Bên cạnh câu hỏi người bị trầm cảm thì nên làm gì, chúng ta cũng cần chú ý tới những điều cần tránh. Đó là:

  • Tránh uống rượu bia, lạm dụng chất cồn,... vì sẽ khiến tình trạng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn;
  • Không quyết định điều gì đột ngột trong khoảng thời gian bị suy sụp tinh thần, ví dụ như nghỉ việc hoặc ly hôn, trừ khi sự việc không cứu vãn được nữa. Tất nhiên là một công việc nhàm chán hoặc một mối quan hệ đổ vỡ sẽ khiến bạn thêm chán chường nhưng đôi khi đó chỉ là do bạn tự nghiêm trọng hóa các vấn đề lên thôi.

3. Người xung quanh nên chăm sóc người bị trầm cảm như thế nào?

Người thân bị trầm cảm thì nên làm gì? Sau đây là một số gợi ý dành cho người có bạn bè, người thân bị trầm cảm:

3.1 Những điều nên làm

  • Lắng nghe họ: Hãy để bệnh nhân biết được rằng họ không hề cô đơn. để giúp người bị trầm cảm, bạn nên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách chia sẻ sự quan tâm của bạn dành cho họ. Hãy nhớ rằng người bệnh có thể muốn nói về những điều họ đang cảm thấy nhưng họ không muốn nhận được lời khuyên. Vì vậy, bạn hãy lắng nghe một cách tích cực để hiểu về những gì họ đang trải qua, xác thực tình trạng của họ, thể hiện sự đồng cảm vừa đủ;
  • Khuyến khích họ tìm kiếm sự trợ giúp: Bạn hãy khuyến khích người bị trầm cảm gặp gỡ các chuyên gia trị liệu tâm lý và hỗ trợ họ chốt lịch hẹn để cải thiện tình hình;
  • Khuyến khích bệnh nhân theo đuổi phác đồ điều trị: Vào một ngày tồi tệ, có thể người bệnh không muốn ra khỏi nhà. Nếu họ muốn hủy bỏ cuộc hẹn trị liệu, bạn hãy khuyến khích họ bằng cách đưa ra những lời nhận xét tích cực. Khi người bệnh muốn ngưng dùng thuốc trị trầm cảm vì khó chịu với các tác dụng phụ, bạn hãy khuyến khích họ trao đổi với bác sĩ để chuyển sang loại thuốc phù hợp;
  • Tìm hiểu về bệnh trầm cảm: Khi người thân bị trầm cảm thì nên làm gì, đó là chúng ta cần phải tìm hiểu về tình trạng này. Bạn hãy tìm hiểu về các thuật ngữ, biểu hiện và những điều liên quan tới căn bệnh này để sẻ chia, chăm sóc người bệnh đúng cách hơn;
  • Chủ động giúp đỡ người bệnh trong những công việc hằng ngày: Với bệnh nhân trầm cảm, những công việc hằng ngày như giặt giũ, mua sắm, chăm sóc con nhỏ,... có thể khiến họ bị quá tải. Lúc này, bạn hãy đề nghị giúp đỡ họ để san sẻ bớt công việc của họ;
  • Kiên nhẫn giúp đỡ người bị trầm cảm: Bệnh trầm cảm có thể điều trị nhưng cần phải kiên trì. Người bệnh thường sẽ phải thử nhiều loại thuốc hoặc nhiều cách chữa bệnh khác nhau trước khi tìm ra lựa chọn phù hợp nhất. Ngay cả khi quá trình điều trị thành công, bệnh cũng không biến mất hoàn toàn mà có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Do đó, người thân nên động viên bệnh nhân trầm cảm kiên trì, không nản chí trong việc điều trị bệnh.

3.2 Những điều nên tránh

Phần trên là những lời khuyên cho câu hỏi người thân bị trầm cảm thì nên làm gì? Phần này sẽ là những điều mà người chăm sóc cho người thân bị trầm cảm cần tránh:

  • Không để bản thân cuốn vào điều tiêu cực: Khi trò chuyện với bệnh nhân trầm cảm, có thể bạn sẽ bị lây lan cảm xúc tiêu cực. Do đó, có nhiều lúc bạn cần nghỉ ngơi, dành thời gian chăm sóc tâm lý bản thân và nên nhờ tới sự trợ giúp nếu cần;
  • Đừng cố gắng thay đổi bệnh nhân: Trầm cảm là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần và cần được điều trị chuyên nghiệp. Nếu bạn chưa bao giờ bị trầm cảm, bạn sẽ khó có thể hiểu được tình trạng này là như thế nào. Tuy nhiên, bệnh có thể cải thiện theo thời gian nếu được điều trị đúng phương pháp. Điều tốt nhất bạn cần làm là chấp nhận tình trạng của bệnh nhân để họ sống đúng với cảm xúc của mình và nhẹ nhàng hóa giải bệnh trầm cảm bằng cách điều trị phù hợp;
  • Đừng đưa ra lời khuyên: Mặc dù thay đổi lối sống sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh trầm cảm nhưng thật khó để áp dụng những thay đổi này với bệnh nhân trầm cảm. Do đó, khi giúp đỡ người bị trầm cảm, bạn đừng nên cố đưa ra lời khuyên cho họ vì đôi khi người bệnh không muốn nhận lời khuyên trong lúc này. Thay vào đó, bạn có thể rủ họ cùng đi dạo, cùng nấu ăn,...;
  • Đừng so sánh bệnh nhân với người khác: Nếu tâm sự với người bị trầm cảm, bạn đừng so sánh bệnh nhân với bất kỳ ai khác. Điều này có thể khiến người bệnh chán chường hơn. Thay vào đó, bạn hãy chia sẻ nỗi đau, sự buồn bã của họ;
  • Đừng quá khắt khe trong việc sử dụng thuốc của bệnh nhân: Thuốc hữu ích trong việc cải thiện triệu chứng trầm cảm nhưng nó không phải là phương pháp điều trị duy nhất. Có những người bệnh không thể chịu được tác dụng phụ của thuốc và thích điều trị bằng các liệu pháp thay thế khác. Lúc này, bạn không nên can thiệp vào quyết định của bệnh nhân mà chỉ nên định hướng người đó làm theo chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin giúp giải đáp cho câu hỏi người bị trầm cảm thì nên làm gì để điều trị bệnh và hạn chế diễn tiến của bệnh. Khi gặp phải trầm cảm, bên cạnh các biện pháp điều trị thì người bệnh nên cố gắng xây dựng một chế độ sinh hoạt phù hợp, không cô lập bản thân, tìm cách thư giãn tâm lý, kiểm soát căng thẳng và tăng cường vận động thể chất, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi khoa học,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan