Nguồn gốc và triệu chứng của bệnh do MERS CoV

Hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của virus MERS CoV xuất phát từ đâu, nhưng có thể là lạc đà. Các triệu chứng MERS điển hình bao gồm sốt, ho và khó thở. Cũng có trường hợp biểu hiện viêm phổi, tiêu chảy hoặc không có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào.

1. Tổng quan về bệnh do MERS CoV

Virus corona là một họ virus lớn, có thể gây ra các bệnh từ cảm lạnh thông thường đến Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tương tự, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) cũng gây ra bởi một chủng coronavirus, lần đầu tiên được xác định ở Ả Rập Saudi năm 2012. Khoảng 35% bệnh nhân bị nhiễm MERS CoV virus được xác nhận đã tử vong.

Các triệu chứng bệnh do MERS CoV điển hình bao gồm SỐT, HO và KHÓ THỞ. Bên cạnh đó, tình trạng viêm phổi là khá phổ biến, nhưng không phải trường hợp bệnh nhân nào cũng mắc phải. Các triệu chứng tiêu hóa (ví dụ: tiêu chảy) cũng đã được ghi nhận. Thậm chí một số trường hợp nhiễm MERS-CoV còn được xác nhận còn không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào, nhưng vẫn dương tính với MERS CoV virus khi làm xét nghiệm.

Virus corona
Virus corona - MERS CoV


Mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm virus MERS CoV ở người được cho là do lây lan bởi người khác trong các cơ sở y tế. Nhưng bằng chứng khoa học cho thấy lạc đà là vật chủ chính của MERS-CoV và cũng là nguồn lây nhiễm MERS từ động vật sang người. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về con đường lây truyền chính xác.

Thông thường virus không dễ dàng truyền từ người sang người trừ khi có tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như trong môi trường chăm sóc sức khỏe không cách ly. Các cơ sở y tế đã báo cáo bùng phát dịch bệnh nằm tại một số quốc gia, kể cả những bệnh viện lớn ở Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Hàn Quốc.

2. Triệu chứng bệnh do MERS CoV

Phổ lâm sàng của bệnh do MERS CoV dao động từ không có triệu chứng hoặc chỉ có vấn đề về hô hấp nhẹ, đến bệnh hô hấp cấp tính nặng, và cuối cùng là tử vong.

  • Một biểu hiện điển hình của bệnh MERS-CoV là sốt, ho và khó thở.
  • Viêm phổi là một tình trạng phổ biến, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng gặp phải.
  • Các triệu chứng tiêu hóa, ví dụ như tiêu chảy, cũng đã được báo cáo.
  • Bệnh nặng có thể gây suy hô hấp khiến bệnh nhân cần phải thở máy và được hỗ trợ trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Nhiều khả năng virus sẽ gây bệnh nặng hơn cho người già, người có hệ miễn dịch yếu và những người mắc các bệnh mãn tính như: thận, ung thư, phổi và tiểu đường.

Khoảng 35% bệnh nhân mắc bệnh do MERS CoV đã tử vong, nhưng con số người chết thực sự có thể chưa được thống kê đầy đủ. Nguyên nhân là vì các trường hợp MERS nhẹ thường không được nhận biết trong giai đoạn đầu, cho đến khi dịch bệnh bùng phát và được chú ý.

Ho kéo dài
Bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt và khó thở

3. Nguồn gốc virus MERS CoV

MERS-CoV là một loại virus gây bệnh truyền từ động vật sang người. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người bị mắc bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lạc đà nhiễm virus. MERS CoV virus đã được phát hiện trong những con lạc đà một bướu tại vài quốc gia ở Trung Đông, Châu Phi và Nam Á.

Nguồn gốc của virus đến nay vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng theo phân tích từ các bộ gen virus khác nhau, các nhà khoa học tin rằng chúng có thể bắt nguồn gốc từ loài dơi và được truyền cho lạc đà từ ngàn xưa.

Kể từ năm 2012, 27 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc MERS bao gồm: Algeria, Áo, Bahrain, Trung Quốc, Ai Cập, Pháp, Đức, Hy Lạp, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ý, Jordan, Kuwait, Lebanon, Malaysia, Hà Lan, Oman, Philippines, Qatar , Hàn Quốc, Vương quốc Ả Rập Saudi, Thái Lan, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Yemen.

Trong đó khoảng 80% trường hợp bệnh nhân đến từ Ả Rập Saudi. Nhiều khả năng người bị nhiễm bệnh tại đó đã tiếp xúc không cách ly với lạc đà mang virus hoặc các bệnh nhân khác trong bệnh viện. Các ca nhiễm bệnh được xác định bên ngoài Trung Đông thường là những người đã đi du lịch đến đó và di chuyển sang các khu vực khác. Rất hiếm có trường hợp dịch xảy ra tại những vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Đông.

lạc đà nhiễm virus
MERS CoV virus được tìm thấy trong cơ thể lạc đà

4. Con đường lây nhiễm

4.1. Lây truyền từ động vật sang người

Con đường lây truyền từ động vật sang người chưa được hiểu rõ, nhưng nhiều khả năng lạc đà chính là vật chủ của virus MERS CoV, đồng thời là nguồn lây nhiễm từ động vật sang người. Các chủng MERS-CoV tương đồng với các chủng đã được phân lập từ những chú lạc đà ở một số quốc gia, bao gồm Ai Cập, Ô-man, Qatar và Ả-rập Xê-út.

4.2. Lây truyền từ người sang người

Virus không dễ dàng truyền từ người sang người trừ khi có tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như khi chăm sóc không cách ly cho người bị nhiễm bệnh. Đã xuất hiện nhiều trường hợp lây truyền từ người sang người tại các cơ sở y tế, đặc biệt là khi biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh không đầy đủ và phù hợp. Cho đến nay, con đường lây truyền virus từ người sang người đã được giới hạn và chỉ xác định giữa các thành viên trong gia đình, bệnh nhân và nhân viên y tế. Mặc dù phần lớn các trường hợp bệnh do MERS CoV đã xuất hiện trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, cho đến nay vẫn chưa ghi nhận sự lây truyền từ người sang người nào khác trên toàn thế giới.

bệnh do MERS CoV
Các đường lây truyền MERS CoV

5. Phòng ngừa và điều trị

Hiện tại không có vắc-xin phòng ngừa hoặc biện pháp điều trị cụ thể, tuy nhiên cách đối phó với MERS CoV virus vẫn đang được nghiên cứu phát triển. Trong thời gian này, đội ngũ bác sĩ sẽ dùng hình thức điều trị hỗ trợ và dựa trên tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

Để phòng ngừa virus MERS CoV, tất cả mọi người khi đến thăm trang trại, chợ, chuồng nuôi nhốt hoặc những nơi khác có động vật, nhất là lạc đà, nên thực hiện biện pháp vệ sinh chung, bao gồm:

Việc tiêu thụ sữa và thịt động vật sống hoặc chưa nấu chín cũng đem đến nguy cơ nhiễm trùng cao từ nhiều loại sinh vật. Các sản phẩm từ động vật cần được chế biến bằng cách nấu chín hoặc thanh trùng để đảm bảo an toàn. Ngoài ra cũng nên cẩn thận trong quá trình xử lý để tránh lây nhiễm chéo với thực phẩm chưa nấu chín. Thịt và sữa lạc đà là những sản phẩm bổ dưỡng, vẫn có thể tiếp tục tiêu thụ sau khi đã thanh trùng, nấu chín hoặc áp dụng những phương pháp xử lý nhiệt khác.

Những người mắc bệnh tiểu đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính và suy giảm miễn dịch được coi là có nguy cơ cao mắc bệnh nặng do nhiễm virus MERS CoV. Những đối tượng này nên đặc biệt tránh tiếp xúc với lạc đà, uống sữa hoặc nước tiểu lạc đà, hay ăn thịt chưa được nấu chín đúng cách.

rửa tay 2
Rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với động vật

Nhìn chung, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng là rất quan trọng để hạn chế sự lây lan của virus MERS CoV. Các cơ sở chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ hoặc được xác nhận bị nhiễm MERS‐CoV nên thực hiện cách ly để giảm nguy cơ truyền virus sang bệnh nhân khác, cũng như nhân viên y tế hoặc khách đến thăm. Cán bộ y bác sĩ cần được giáo dục và đào tạo về cách phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng hiệu quả, đồng thời thường xuyên cập nhật kỹ năng và diễn biến tình hình dịch bệnh.

Nguồn: Who.int; Bphc.org

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan