Nhiễm nấm Candida ở miệng, cổ họng và thực quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nhiễm nấm Candida là một trong những vấn đề về sức khỏe đáng lo ngại. Căn bệnh này thường gây ra nhiễm trùng chủ yếu ở miệng, cổ họng và thực quản. Mặc dù chúng không xuất hiện phổ biến ở những người trường thành khỏe mạnh, nhưng lại dễ gây tổn thương nhất cho những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là người nhiễm HIV/AIDS.

Theo thống kê, có khoảng một phần ba số bệnh nhân nhiễm HIV tiến triển đã bị nhiễm nấm Candida ở miệng và cổ họng.

1. Nhiễm nấm Candida là gì?

Nhiễm nấm Candida là một căn bệnh nhiễm trùng, gây ra bởi loại nấm men có tên là Candida. Loại nấm này thường sinh sống ở trên da và bên trong cơ thể, nhất là những nơi như miệng, cổ họng, ruột và âm đạo. Mặt khác, khi nấm Candida xâm nhập và cơ thể có thể không gây ra bất kỳ vấn đề về sức khỏe nào cho người bệnh. Thậm chí, chúng có thể nhân lên ngoài tầm kiểm soát và gây ra nhiễm trùng nếu môi trường mà loại nấm này sinh sống thay đổi theo chiều hướng khuyến khích sự phát triển của Candida.

Nhiễm nấm Candida ở miệng và cổ họng được gọi là tưa miệng hoặc bệnh nấm miệng. Khi bị nhiễm nấm Candida ở âm đạo sẽ được gọi là viêm âm đạo do nấm. Đối với nhiễm nấm Candida ở thực quản (ống nối cổ họng với dạ dày) thường được gọi là bệnh nấm thực quản hoặc viêm thực quản do nấm Candida. Đây cũng là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở những người bị mắc HIV/AIDS.

2. Triệu chứng của nhiễm nấm Candida

Khó nuốt
Trong trường hợp bạn nhiễm nấm Candida ở thực quản, khó nuốt là dấu hiệu dẽ nhận biết

Tùy thuộc vào từng khu vực bị nhiễm nấm Candida mà mỗi bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Cụ thể, khi bị nhiễm nấm ở miệng và cổ họng, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng điển hình sau đây:

  • Xuất hiện các mảng trắng ở phần má trong, vòm miệng, lưỡi và cổ họng.
  • Gây ra các mảng da đỏ, ngứa và đau rát
  • Mất vị giác khi ăn
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục (nhiễm nấm ở âm đạo)
  • Khó khăn khi nuốt (nhiễm nấm ở thực quản)
  • Nứt nẻ và đỏ ửng ở khóe miệng, đôi khi bị chảy máu nhẹ.
  • Khi nấm Candida xâm nhập vào trong máu có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, sốcsuy đa tạng.

Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê phía trên, tốt nhất bạn nên đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

3. Nguyên nhân gây nhiễm nấm Candida

Nấm Candida thường sinh sống ở miệng, cổ họng và đường tiêu hóa. Thực tế chúng luôn tồn tại bên trong cơ thể con người và không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Nó chỉ phát triển mạnh mẽ khi có sự tác động của một số yếu tố, chẳng hạn như hệ thống miễn dịch suy yếu, do kháng sinh ảnh hưởng đến sự cân bằng tự nhiên của các vi khuẩn trong cơ thể, hoặc sử dụng thuốc điều trị ung thư, thuốc corticosteroid.

Ngoài ra, một số loại thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida ở âm đạo. Bên cạnh đó, yếu tố về thời tiết như nắng nóng, hoặc ý thức vệ sinh cá nhân kém, mặc đồ bó sát, trật trội cũng thuộc nhóm các nguyên nhân gây ra căn bệnh nhiễm trùng này.

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng nhiễm nấm Candida, bao gồm:

  • Bệnh béo phì: Loại nấm này thường xuất hiện ở những vùng da cọ xát hoặc tiếp xúc gần với nhau. Đây cũng là lý do vì sao những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ cao bị nhiễm nấm men bởi có nhiều vùng da bị gấp nếp. Ngoài ra, tình trạng béo phì cũng khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi hơn, tạo môi trường ẩm ướt thuận lợi cho các loại nấm sinh sôi và phát triển.
  • Mang thai: Phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ thường có mức estrogen cao hơn bình thường. Điều này cũng làm tăng khả năng nhiễm nấm Candida ở phụ nữ.
Mang thai nhưng không tăng cân, tăng cân ít: Nguyên nhân là gì?
Phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ thường có mức estrogen cao hơn bình thường, làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida

4. Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm nấm Candida

Các bác sĩ có thể chẩn đoán được nhiễm nấm Candida ở miệng hoặc cổ họng chỉ thông qua cách quan sát và kiểm tra các biểu hiện của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện chẩn đoán bằng cách lấy một mẫu nhỏ từ miệng hoặc cổ họng của bệnh nhân, sau đó đem đến phòng thí nghiệm để kiểm tra dưới kính hiển vi.

Một trong những phương pháp chẩn đoán nhiễm nấm Candida phổ biến nhất ở thực quản là xét nghiệm nội soi. Phương pháp này giúp kiểm tra đường tiêu hóa thông qua thiết bị nội soi chuyên dụng. Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống nấm mà không cần thực hiện xét nghiệm nội soi nhằm đánh giá khách quan hơn các triệu chứng của bệnh nhân.

5. Điều trị nhiễm nấm Candida

Tùy thuộc vào từng vị trí bị nhiễm nấm Candida mà bệnh nhân có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể là:

Nhiễm nấm ở miệng, cổ họng hoặc thực quản: Thường được điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm, bao gồm miconazole, clotrimazole và nystatin. Những loại thuốc chống nấm được sử dụng để điều trị cho các trường hợp nhiễm trùng từ mức độ nhẹ cho đến trung bình ở miệng và cổ họng thường dưới dạng thuốc ngậm hoặc uống trong vòng từ 7-14 ngày. Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng nặng, phương pháp điều trị phổ biến nhất là thuốc kháng nấm fluconazole đường uống. Các loại thuốc chống nấm kê theo toa khác cũng có thể được sử dụng cho những bệnh nhân không thể dùng fluconazole, hoặc những người gặp phải các vấn đề về sức khỏe khác sau khi sử dụng fluconazole.

Nhiễm nấm Candida ở da: Một số loại kem bôi hoặc thuốc chống nấm sẽ là những lựa chọn hiệu quả đối với căn bệnh này. Hơn nữa, những vùng da bị nhiễm nấm cần được bảo vệ và chăm sóc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ, luôn giữ chúng khô thoáng, sạch sẽ và tránh để nứt nẻ.

Viêm âm đạo do nấm Candida: Các loại thuốc chống nấm dạng viên nén, thuốc mỡ, kem bôi hoặc thuốc đạn thường được chỉ định sử dụng trực tiếp vào âm đạo. Những loại thuốc này bao gồm clotrimazole, butoconazole, tioconazole, nystatin và miconazole.

Nhiễm nấm Candida vào trong máu: Khi đó việc điều trị thường được bắt đầu với các loại thuốc chống nấm đường tiêm tĩnh mạch, ví dụ như fluconazole hoặc voriconazole. Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán có số lượng bạch cầu thấp sẽ cần phải chuyển sang loại thuốc chống nấm tiêm tĩnh mạch khác, chẳng hạn như micafungin và caspofungin.

6. Phòng ngừa nhiễm nấm Candida

Trẻ mắc tay chân miệng độ 2 thường được điều trị bằng thuốc
Để phòng ngừa nhiễm nấm Candida, bạn không nên lạm dụng các loại thuốc kháng viêm hoặc giảm đau trong một thời gian dài

Dưới đây là một số phương pháp giúp làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm nấm Candida, bao gồm:

  • Không được tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, trừ khi được bác sĩ cho phép.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, luôn giữ cho da sạch sẽ và không bị nứt nẻ.
  • Không lạm dụng các loại thuốc kháng viêm hoặc thuốc giảm đau trong một thời gian dài
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu, đặc biệt là những người mắc bệnh đái tháo đường
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia
  • Những người bị mắc bệnh hen dùng thuốc hít có chứa corticoid cần súc miệng sau khi sử dụng
  • Thường xuyên rửa tay với nước rửa tay
  • Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: www.cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

119.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan