Phải làm gì khi chảy máu chân răng?

Bài viết được viết bởi ThS.BS Lại Đỗ Quyên - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt, Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thỉnh thoảng bạn có thể nhận thấy lợi của bạn bị chảy máu sau khi đánh răng hay sau khi dùng chỉ tơ nha khoa. Đôi khi bạn lại thấy tự nhiên có máu chảy ra từ lợi, bám quanh chân răng. Chảy máu chân răng hay chảy máu lợi là một trong những bệnh lý răng miệng hay gặp phải hàng ngày. Mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng của bạn.

1. Chảy máu chân răng là gì?

Chảy máu chân răng là tình trạng lợi xung quanh chân răng bị chảy máu và là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Tình trạng chảy máu chân răng là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe răng miệng hay thậm chí là sức khỏe toàn thân của bạn đang có vấn đề.

2. Nguyên nhân gây ra chảy máu chân răng

Có một số nguyên nhân gây chảy máu chân răng khá nghiêm trọng nhưng cũng có những nguyên nhân khiến bạn không cần phải lo lắng quá nhiều.

Các nguyên nhân gây ra chảy máu chân răng gồm:

2.1 Nguyên nhân tại chỗ

  • Viêm lợi: là nguyên nhân tại chỗ hay gặp nhất. Thói quen vệ sinh răng miệng ẩu, không dùng chỉ tơ nha khoa làm bề mặt răng không sạch, tồn đọng thức ăn ở các kẽ răng sẽ kích thích lợi gây chảy máu. Mặt khác khi mặt răng không sạch, cao răng bám nhiều và không được lấy đi định kỳ sẽ gây viêm lợi và làm lợi chảy máu. Lợi càng viêm, chảy máu chân răng càng nhiều.
  • Các bệnh lý của răng: khi răng bị sâu, nhất là sâu ở kẽ răng, thức ăn đọng lại ở lỗ sâu gây viêm lợi ở kẽ răng. Những ổ nhiễm trùng ở chân răng làm lợi sưng cũng gây chảy máu lợi. Mặt khác khi răng bị đau hay ê buốt, bạn có xu hướng tránh nhai sang bên răng đau, điều này làm cho cao răng dễ bám hơn gây viêm lợi và lợi chảy máu.
  • Các bệnh lý của vùng quanh răng: viêm lợi để lâu ngày không được chữa trị sẽ gây tổn thương vùng quanh răng hay mô nha chu (viêm nha chu). Khi đó lợi sẽ chảy máu nhiều hơn và kéo dài. Đó là tình trạng khá nghiêm trọng vì nếu có điều trị, vùng quanh răng sẽ không hồi phục lại như cũ được nữa và để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Bệnh lý về răng
Các bệnh lý của vùng quanh răng

  • Răng mọc lệch, khấp khểnh: khi răng mọc lệch, chen chúc sẽ làm cho việc vệ sinh răng miệng khó khăn, thức ăn giắt khó được lấy đi làm lợi dễ viêm và phát sinh chảy máu lợi.
  • Chấn thương lợi: chà sát lên răng gây va đập vào lợi, đánh răng quá mạnh, dùng bàn chải cứng hay dùng chỉ tơ nha khoa quá mạnh,... cũng gây nên chảy máu lợi.

2.2 Nguyên nhân toàn thân

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều đồ cứng gây tổn thương lợi, ăn uống thiếu chất, nhất là thiếu Vitamin C.
  • Thiếu Vitamin K: Vitamin K là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Khi thiếu hụt sẽ gây chảy máu ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể, trong đó có lợi. Nguồn chính trong cơ thể của Vitamin này là do các vi khuẩn có lợi ở đường ruột sản sinh ra. Nếu dùng kháng sinh dài ngày sẽ gây giảm các vi khuẩn có lợi này dẫn tới thiếu hụt Vitamin K tự sinh và gia tăng nguy cơ chảy máu.
  • Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ: hiện tượng thay đổi nội tiết tố (hormone) thường xuất hiện trong các giai đoạn cuộc đời của người phụ nữ như khi dậy thì, khi mang thai hoặc giai đoạn mãn kinh. Những thay đổi này cũng có thể xảy ra trong giai đoạn sử dụng thuốc tránh thai. Việc thay đổi nội tiết tố làm tăng nguy cơ chảy máu lợi và ngày nay được xem là nguyên nhân phổ biến.
  • Dùng thuốc chữa bệnh: đây là nguyên nhân khá phổ biến ở những người mắc bệnh mãn tính phải dùng thuốc thường xuyên. Một số thuốc dùng cho bệnh nhân đau tim hoặc đột quỵ, thuốc chống động kinh, hóa trị liệu ung thư cũng có thể gây ra chảy máu lợi.
  • Bệnh lý về gan: gan là một bộ phận lớn của cơ thể đảm nhận nhiều chức năng quan trọng, trong đó có chức năng làm đông máu. Bởi vậy, bất kỳ loại bệnh nào về gan hoặc mắc chứng nghiện rượu cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa của gan và cuối cùng dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có chảy máu lợi.
Tại sao phải tiêm vitamin K cho bé sau khi sinh?
Thiếu vitamin K có thể gây chảy máu chân răng

Ngày nay, viêm lợi đã được coi là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường (biến chứng nhiễm trùng). Viêm lợi làm cho bệnh tiểu đường khó kiểm soát. Mặt khác tiểu đường lại làm cho viêm lợi trầm trọng hơn, vùng quanh răng nhanh tổn thương hơn và cuối cùng là mất răng hàng loạt.

Một số bệnh gây rối loạn đông máu: bệnh máu khó đông hay bệnh ưa chảy máu do thiếu hụt các yếu tố đông máu, bệnh sốt xuất huyết do giảm tiểu cầu, bệnh Von Willebrand do thiếu hụt hoặc giảm hoạt tính của yếu tố Von Willebrand trong máu... cũng làm lợi dễ chảy máu và lâu cầm máu.

Một số bệnh ung thư: bệnh bạch cầu, đa u tủy có thể gây chảy máu lợi rất trầm trọng.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn có các nguyên nhân khác như: nghiện hút thuốc lá, sang chấn, căng thẳng (stress), xạ trị ung thư, HIV... cũng có thể dẫn đến các bệnh về lợi và gây chảy máu lợi.

Rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu cũng làm lợi dễ chảy máu và lâu cầm máu.

3. Phải làm gì khi chảy máu chân răng?

Có nhiều cách chữa dân gian như súc miệng bằng rượu cau, ngậm nước lá cây lược vàng,... Tuy nhiên những cách đó không loại trừ được nguyên nhân gây ra chảy máu chân răng. Khi thấy lợi bị chảy máu, bạn nên:

  • Lấy cao răng là việc cần phải làm ngay để loại bỏ hết cao răng, mảng bám gây viêm lợi. Tùy vào tình trạng lợi viêm và tình trạng của vùng quanh răng của bạn mà nha sĩ sẽ kê thêm thuốc để điều trị viêm lợi hay phải có những điều trị phức tạp hơn.
  • Chữa ngay các răng sâu, các răng bị nhiễm trùng.
  • Bạn có thể được tư vấn để nhổ răng mọc lệch hay chỉnh răng để khắc phục tình trạng răng mọc lệch, khấp khểnh.

Với nguyên nhân là do bệnh toàn thân, bạn nên đi khám chuyên khoa ngay để được tư vấn và có hướng chữa trị kịp thời.

Sâu răng
Chữa sâu răng cũng giảm được các triệu chứng của chảy máu chân răng

4. Cách phòng tránh chảy máu chân răng

Rất đa dạng. Tuy nhiên, việc chăm sóc răng miệng và để ý đến bản thân là rất quan trọng. Những việc bạn có thể làm hàng ngày là:

  • Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng đúng cách, đánh răng nhẹ nhàng với kem đánh răng có chứa Fluor kết hợp với dùng chỉ tơ nha khoa. Bạn nên chọn loại bàn chải có lông mềm (soft toothbrush) để chải răng và luôn nhớ nên thay bàn chải đánh răng ngay khi lông bàn chải bắt đầu bị ép xuống và xòe ra hai bên. Thời gian cho mỗi lần đánh răng cũng rất quan trọng. Bạn nên dành ra khoảng 3-5 phút cho mỗi lần đánh răng và nên đánh răng 2 lần/ngày.
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối nhạt 3 lần/ngày cũng giúp lợi khỏe mạnh.
  • Chế độ ăn uống nên cân bằng, khoa học, đủ chất. Bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế đồ ăn đồ uống ngọt, dính, có ga. Bổ sung Vitamin C và khoáng chất ngay nếu cần thiết.
  • Hạn chế hoặc không nên hút thuốc lá.
  • Suy nghĩ tích cực, làm việc và sinh hoạt điều độ, tập thể thao thường xuyên để tránh căng thẳng, sang chấn tâm lý.
  • Không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi không có đơn của bác sĩ và hạn chế tối đa dùng thuốc kháng sinh.
  • Bạn nên hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc phải dùng cho bệnh toàn thân của mình và cách để tránh tác dụng phụ đó.
  • Bạn cũng nên thông báo với nha sĩ về tình trạng bệnh bạn đang điều trị và các thuốc bạn đang dùng để nha sĩ có hướng chữa trị phù hợp.
  • Bạn nên lấy cao răng ít nhất 1 lần trong thời gian mang thai.
  • Bạn nên chủ động đặt hẹn khám và lấy cao răng định kỳ 3-6 tháng/lần.
  • Một khi phát hiện thấy lợi chảy máu, bạn không được bỏ qua mà cần đi khám bác sĩ để điều trị ngay và bạn nên tuân thủ phác đồ điều trị của chuyên môn.
Lấy cao răng
Lây cao răng thường xuyên giúp ngăn ngừa chảy máu chân răng

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

158.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan