Phân độ Hill trên nội soi tiêu hóa và mối liên quan với bệnh lý viêm thực quản trào ngược

Bài viết được viết bởi ThS, BS. Mai Viễn Phương, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (BTNDD-TQ) là 1 gánh nặng kinh tế lớn khi làm giảm rõ rệt chất lượng sống và năng suất lao động của người bệnh và đang có xu hướng gia tăng ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Viêm trào ngược dạ dày-thực quản (VTNDD-TQ) tại Việt Nam trong những năm gần đây đã lên đến 15,4% ở bệnh nhân (BN) có triệu chứng tiêu hóa trên, cao hơn tần suất loét dạ dày (8,2%) và loét tá tràng (6,7%) (10). Phân độ nếp van dạ dày-thực quản (NVDD-TQ) theo Hill đã được chứng minh là công cụ đơn giản và hữu ích giúp dự đoán trào ngược dạ dày-thực quản, tốt hơn cả áp lực cơ vòng thực quản dưới.

Dạ dày thực quản nằm ở đâu trong cơ thể?

Dạ dày là phần phình to nhất của ống tiêu hóa, phía trên nối với thực quản, phía dưới nối với tá tràng. Về cấu trúc, dạ dày có bốn phần chính: tâm vị, đáy vị, thân vị và môn vị. Tâm vị là điểm nối thực quản với dạ dày, thức ăn từ thực quản đi qua tâm vị để vào dạ dày không có van đóng kín mà chỉ có nếp niêm mạc, gọi là nếp van thực quản dạ dày. Đáy vị hình vòm, nằm ở phía dưới cơ hoành, bên trên và bên trái so với tâm vị. Bên dưới đáy vị là thân và là phần chính của dạ dày. Môn vị hình chiếc phễu giúp nổi dạ dày và tá tràng. Cơ thắt môn vị (một loại cơ trơn) nằm ở phía cuối của chỗ nối giữa dạ dày với tá tràng.

Giải phẫu học của dạ dày.
Hình 1: Giải phẫu học của dạ dày

Nếp van thực quản – dạ dày nằm ở đâu?

Nếp van thực quản – dạ dày nằm ở chỗ nối giữa thực quản và dạ dày.

Trong quá trình nội soi tiêu hóa, khi đưa quan sát các phần của dạ dày ở tư thế máy thẳng, bác sĩ nội soi sẽ quặt ngược dây soi để khảo sát các vùng của đáy vị, tâm vị dạ dày, khi đó, sẽ quan sát được hình ảnh các nếp niêm mạc hội tụ tại chỗ nối thực quản – dạ dày, đó là nếp van thực quản – dạ dày.

Hình ảnh nếp gấp van thực quản – dạ dày bình thường: lỗ tâm vị ôm chặt ống soi
Hình 2: Hình ảnh nếp gấp van thực quản – dạ dày bình thường: lỗ tâm vị ôm chặt ống so

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là gì?

Viêm thực quản là tình trạng viêm lớp niêm mạc lót bên trong lòng thực quản, đoạn ống tiêu hóa nối từ họng đến dạ dày có chức năng đưa thức ăn vào cơ thể. Bệnh có thể do trào ngược axit, nhiễm trùng, phản ứng phụ của một số sản phẩm thuốc hoặc dị ứng thực phẩm khiến cho người bệnh khó nuốt, đau tức phần ngực.

Cơ chế bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dịch axit trong dạ dày thường xuyên chảy ngược vào ống thông giữa miệng và dạ dày được gọi là thực quản. Dung dịch axit này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản của người bệnh.

Mối liên quan giữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và chỗ nối dạ dày thực quản

Barrett thực quản là một trong những biến chứng của trào ngược dạ dày
Hình ảnh Barrett thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một rối loạn phổ biến với tỷ lệ khoảng 10 - 20% ở thế giới phương Tây. Các biểu hiện lâm sàng của GERD (tức là ợ chua và trào ngược axit) là do trào ngược dịch tiêu hóa trong dạ dày vào thực quản. Lý thuyết hiện tại về cơ chế bệnh sinh của GERD là đa yếu tố liên quan đến cơ vòng thực quản dưới (LES), cơ hoành, sự trung hòa axit thực quản, tiết axit dạ dày, làm rỗng dạ dày và áp lực trong ổ bụng. Định nghĩa Montreal về bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nói rằng GERD xuất hiện khi sự trào ngược của các chất trong dạ dày vào lòng thực quản gây ra các triệu chứng và / hoặc biến chứng. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm viêm thực quản và Barrett thực quản. Trong thực quản Barrett, biểu mô vảy bình thường của thực quản đoạn xa được thay thế bằng biểu mô trụ, làm phát triển biểu mô thực quản dạng cột ở thực quản. Định nghĩa về thực quản Barrett luôn gây tranh cãi và không tồn tại tiêu chí được chấp nhận thống nhất. Định nghĩa phổ biến nhất của Barrett thực quản yêu cầu chuyển sản ruột được xác minh về mặt mô học tại chỗ nối dạ dày-thực quản.

Chỗ nối dạ dày-thực quản (GEJ) là khu vực giải phẫu nơi thực quản đoạn xa nối với dạ dày đoạn gần. Trong điều kiện bình thường, nó nằm ở vị trí ngang với khe hoành. Tuy nhiên, vị trí của GEJ không cố định và di chuyển vài cm trong quá trình nuốt và hít thở. Trong quá trình nuốt, cơ trơn dọc của thực quản co lại làm ngắn thực quản, dẫn đến một thoát vị sinh lý. GEJ sau đó được quay trở lại vị trí ban đầu của nó bằng các cấu trúc hỗ trợ đàn hồi, đặc biệt là bởi màng thực quản - hoành. Khi GEJ cùng với cơ vòng thực quản dưới (LES) và tâm vị dạ dày bị dịch chuyển kéo dài lên trên vào khoang lồng ngực qua cơ hoành, khi đó, tình tràng thoát vị khe hoành sẽ xuất hiện. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thoát vị khe hoành làm giảm áp lực LES và chức năng cơ vòng của cơ hoành. Sự hiện diện và chiều dài trục của khối thoát vị gián đoạn cũng được chứng minh là tương quan với mức độ nghiêm trọng của GERD.

Cơ thắt dưới thực quản, góc His, màng thực quản – hoành đóng vai trò quan trong trong bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản
Hình 3: Cơ thắt dưới thực quản, góc His, màng thực quản – hoành đóng vai trò quan trong trong bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản

Phân độ Hill đánh giá bất thường của nếp van dạ dày-thực quản (NVDD-TQ)

Đặc điểm của nếp van dạ dày-thực quản (NVDD-TQ) theo phân loại Hill được ghi nhận là có liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (BTNDD-TQ). Tại Việt Nam, tỉ lệ BTNDD-TQ có xu hướng ngày càng phổ biến nhưng hiện vẫn còn rất ít các nghiên cứu về NVDD-TQ

Đặc điểm của NVDD-TQ theo phân độ Hill được đánh giá như hình 1. (A) Độ I: nếp gấp rõ, lỗ tâm vị ôm chặt ống soi. (B) Độ II: nếp gấp còn rõ nhưng không bằng độ I, lỗ tâm vị mở ra đóng vào nhanh theo hô hấp. (C) Độ III: nếp gấp không rõ và lỗ tâm vị không ôm chặt ống soi. (D) Độ IV: không còn nếp gấp, vùng nối dạ dày thực quản mở và có thể thấy được biểu mô thực quản ở tư thế quặt ngược ống soi ở dạ dày.

Hình 4: Phân độ của NVDD-TQ theo phân độ Hill được đánh giá như hình 1.
Hình 4: Phân độ của NVDD-TQ theo phân độ Hill được đánh giá như hình 1.

(A) Độ I: nếp gấp rõ, lỗ tâm vị ôm chặt ống soi. (B) Độ II: nếp gấp còn rõ nhưng không bằng độ I, lỗ tâm vị mở ra đóng vào nhanh theo hô hấp. (C) Độ III: nếp gấp không rõ và lỗ tâm vị không ôm chặt ống soi. (D) Độ IV: không còn nếp gấp, vùng nối dạ dày thực quản mở và có thể thấy được biểu mô thực quản ở tư thế quặt ngược ống soi ở dạ dày.

Bất thường về nếp van dạ dày-thực quản có phổ biến?

Do tần suất BTNDD-TQ ở Châu Á có xu hướng ngày càng tăng. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ của bệnh ở Châu Á. Các yếu tố nguy cơ được biết đến bao gồm: lớn tuổi, nam giới, hút thuốc lá, béo phì. Tình trạng bất thường của NVDD-TQ cũng được đề cập đến trong một số nghiên cứu và cho thấy bất thường NVDD-TQ là một yếu tố độc lập có liên quan đến BTNDD-TQ. Có rất ít các số liệu của Châu Á về tần suất của bất thường NVDD-TQ. Iwamoto và cộng sự ghi nhận tần suất bất thường NVDD-TQ ở Nhật là 13,5% với tần suất BTNDD-TQ là 27% ở các BN được nội soi tiêu hóa trên. Trong một nghiên cứu khác tại Đài Loan, Lin và cộng sự ghi nhận tần suất bất thường NVDD-TQ là 27,3% với tần suất BNTDD-TQ là 41,3% ở người khỏe mạnh được nội soi dạ dày tầm soát bệnh. Theo nghiên cứu của một vài tác giả ở Việt Nam, cho thấy tần suất bất thường nếp van là: 36,2% với đa số là nếp van độ III, rất ít trường hợp ở độ IV. Cũng tương tự như các nghiên cứu trước đây trên các dân số khác, các tác giả cũng ghi nhận bất thường NVDD-TQ là một yếu tố nguy cơ độc lập của BTNDD-TQ. Kết quả này góp phần lý giải vì sao tần suất BTNDD-TQ có xu hướng cao hơn ở các dân số có tần suất bất thường NVDD-TQ nhiều hơn. Một nghiên cứu gần đây so sánh giữa hai nhóm bệnh nhân người Nga gốc da trắng và người Hàn Quốc cũng cho thấy bất thường NVDD-TQ cũng là một yếu tố nguy cơ độc lập của VTNDD-TQ bất kể chủng tộc. Theo nhiều nghiên cứu , bất thường nếp van thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới, thường gặp hơn ở tuổi <40 so với tuổi trên 40. Nghiên cứu của Contractor và Iwamoto lại cho thấy tỷ lệ bất thường nếp van gia tăng theo tuổi trong khi một số nghiên cứu khác lại chưa ghi nhận có mối liên quan giữa tuổi và bất thường nếp van. Mối liên quan này vẫn chưa có cơ sở lý giải thỏa đáng nên vẫn cần được nghiên cứu thêm trong tương lai.

Có mối liên quan giữa bất thường nếp van dạ dày thực quản và béo phì?

Nhiều nghiên cứu của các tác giả chưa ghi nhận mối liên quan giữa bất thường nếp van và tình trạng béo phì, béo bụng, hút thuốc lá hay uống rượu bia.


Vai trò của nội soi thực quản dạ dày trong đánh giá bất thường nếp van dạ dày – thực quản.

Nội soi thực quản, dạ dày tá tràng - Esophagogastroduodenoscopy (EGD) là phương pháp đánh giá tiêu chuẩn để kiểm tra đường tiêu hóa trên. Khả năng của hàng rào chống trào ngược cơ học có thể được đánh giá nội soi theo hai cách; một cách là đo chiều dài trục của bất kỳ khối thoát vị khe hoành nào hiện diện (giữa khe thoát vị và khớp nối dạ dày thực quản). Do động học sinh lý ở khu vực này, có thể khó đo chiều dài của khối thoát vị khe hoành, ngay cả trong điều kiện lý tưởng. Không rõ độ dài mà thoát vị khe hoành khi nào sẽ trở nên có ý nghĩa lâm sàng, tức là có ý nghĩa bệnh lý, và vì GEJ không cố định, hầu hết các nhà nội soi sử dụng độ dài 2 cm ngưỡng chẩn đoán giữa bình thường và bất thường. Một cách khác để đánh giá GEJ là phân loại nếp van dạ dày thực quản (GEFV) sử dụng phân loại Hill . Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa thang điểm Hill và tần suất GERD. Phân độ Hill ở mức cao cũng liên quan đến áp lực cơ vòng thực quản dưới thấp, tăng tần suất thoát vị khe hoành và có khả năng dự đoán đáp ứng kém với điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton. Phân loại Hill đã được chứng minh là phù hợp, hữu ích và cung cấp thông tin hữu ích khi đánh giá bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lý GERD. Viêm thực quản có thể được xác định bằng nội soi và phân loại theo phân loại Los Angeles (LA).

Hình 5: Một trường hợp bệnh nhân có viêm thực quản trào ngược không đáp ứng điều trị với thuốc kháng tiết axit, có nếp van thực quản – dạ dày được phân độ Hill 4.
Hình 5: Một trường hợp bệnh nhân có viêm thực quản trào ngược không đáp ứng điều trị với thuốc kháng tiết axit, có nếp van thực quản – dạ dày được phân độ Hill 4.

Ngoài các yếu tố nguy cơ đã biết của viêm thực quản trào ngược như thừa cân hoặc béo phì, hút thuốc, rượu bia, ăn các thực phẩm chiên, cay, ăn ngay trước khi ngủ... thì bất thường nếp van thực quản – dạ dày cũng được ghi nhận là 1 yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh lý này. Đồng thời, bất thường nếp van cũng giúp tiêu đoán đáp ứng điều trị của bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thực quản – dạ dày, đại tràng trực tràng... Cùng với đó, tại Bệnh viện Vinmec, việc thực hiện chẩn đoán thông qua nội soi đại tràng với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương bất thường niêm mạc ở giai đoạn sớm. Bệnh viện Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Khách hàng quan tâm tới dịch vụ chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa tại Vinmec và cần được tư vấn, hỗ trợ vui lòng đặt lịch khám trực tuyến tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline của Vinmec để được tư vấn chi tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan