Phân loại chẩn đoán và điều trị mày đay phù mạch

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Hải Yến, Chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phù mạch là một phản ứng mạch máu của mô da, dưới da sâu hoặc mô niêm mạc, dưới niêm mạc làm tăng tính thấm cục bộ của mạch máu, kết quả là sưng phù mô. Phù mạch di truyền (HAE) là bệnh hiếm và là vấn đề sức khỏe nặng trên toàn thế giới, ảnh hưởng cho cả bệnh nhân và gia đình. Vậy căn bệnh này được phân loại và chẩn đoán như thế nào?

1. Mày đay phù mạch là bệnh gì?

Đặc trưng của mày đay là các sẩn phù (ban đỏ), phù mạch hoặc cả hai.

Sẩn phù ở bệnh nhân mày đay có 3 đặc điểm:

  • Phù trung tâm với nhiều kích cỡ khác nhau, hầu hết xung quanh có ban đỏ.
  • Ngứa hoặc đôi khi cảm giác nóng bừng.
  • Biến mất tự nhiên, sau khi biến mất da trở lại bình thường, thường từ 30 phút- 24h.

Phù mạch ở bệnh nhân mày đay đặc trưng bởi:

  • Ban đỏ đột ngột, ranh giới rõ hoặc sưng phù da có màu của lớp hạ bì và mô dưới da hoặc niêm mạc
  • Đôi khi đau, hơn là ngứa
  • Mất đi chậm hơn so với sẩn (có thể lên tới 72h)

Cần phân biệt mày đay với các bệnh lý khác cũng có sẩn phù, phù mạch hoặc cả hai như: Hội chứng tự viêm, mày đay viêm mạch, hoặc phù mạch qua trung gian Bradykinin (bao gồm cả phù mạch di truyền).

2. Phân loại mày đay phù mạch

Phân loại mày đay dựa trên thời gian tồn tại của mày đay và những yếu tố gây ra bệnh.

  • Dựa theo thời gian: Mày đay cấp (<6 tuần) và mày đay mạn (>6 tuần)
  • Dựa theo yếu tố gây mày đay: Mày đay mạn tự phát (không rõ yếu tố gây mày đay) và mày đay thứ phát (có yếu tố gây mày đay).

3. Cách tiếp cận chẩn đoán bệnh mày đay phù mạch

3.1. Tiếp cận chẩn đoán mày đay cấp

Mày đay cấp thường không yêu cầu một tiếp cận chẩn đoán, vì nó thường tự giới hạn. Ngoại trừ nghi ngờ mày đay cấp do dị ứng thức ăn type I ở những bệnh nhân nhạy cảm hoặc những yếu tố nghi ngờ khác như NSAID. Trong trường hợp này, xét nghiệm dị ứng cũng như giáo dục bệnh nhân là cần thiết để giúp bệnh nhân tránh tiếp xúc lại với những nguyên nhân liên quan.

3.2. Tiếp cận chẩn đoán mày đay mạn

Việc tiếp cận chẩn đoán mày đay mạn có 3 mục đích chính:

  • Loại trừ chẩn đoán phân biệt. Vì sẩn phù hoặc phù mạch cũng có thể xuất hiện ở một số tình trạng khác. Ở những bệnh nhân chỉ có sẩn phù (không có phù mạch), cần loại trừ mày đay viêm mạch và những rối loạn tự viêm như hội chứng Schnitzler hoặc hội chứng chu kì liên quan đến cryopyrin (CAPS). Ngược lại, ở những bệnh nhân chỉ có phù mạch tái phát (không có sẩn phù) thì cần chẩn đoán phân biệt với phù mạch do ức chế ACE cũng như phù mạch qua trung gian bradykinin hoặc phù mạch liên quan đến những tế bào không phải tế bào mast cần được chẩn đoán phân biệt.
  • Đánh giá hoạt động bệnh, tác động và kiểm soát. Đánh giá hoạt động bệnh cơ bản (UAS7, AAS), điểm kiểm soát bệnh (UCT) và chất lượng cuộc sống (CU-Q2oL, AE-QoL) không thể thiếu trong quyết định hướng dẫn điều trị.
  • Xác định yếu tố khởi phát đợt cấp hoặc chỉ ra bất kì nguyên nhân cơ bản nào. Khai thác tiền sử là cần thiết với mày đay, vì những tác nhân kích hoạt đợt cấp rất đa dạng. Quá trình chẩn đoán nguyên nhân ở bệnh nhân có bệnh không được kiểm soát và kéo dài cần được xác định một cách cẩn thận.
Sơ đồ tiếp cận chẩn đoán mày đay mạn
Sơ đồ tiếp cận chẩn đoán mày đay mạn

4. Lưu ý khi chẩn đoán mày đay

4.1 Cần khai thác kỹ lương tiền sử của bệnh nhân

  • Thời gian khởi phát bệnh
  • Hình dạng, kích cỡ, tấn suất/thời gian và sự phân bố sẩn phù
  • Phù mạch liên quan
  • Những triệu chứng liên quan như: Đau xương, khớp, sốt, đau quặn bụng
  • Tiền sử cá nhân, gia đình về sẩn phù và phù mạch
  • Xem xét các tác nhân vật lý hoặc gắng sức
  • Xảy ra liên quan với thời điểm trong ngày, cuối tuần, chu kì kinh, ngày lễ và du lịch nước ngoài.
  • Xảy ra liên quan với thức ăn hoặc thuốc (ví dụ NSAID, ức chế ACE)
  • Xảy ra liên quan với nhiễm khuẩn, stress
  • Bệnh dị ứng gần đây hoặc trước đây, bệnh nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn hoặc nội khoa, những vấn đề về dạ dày ruột hoặc những rối loạn khác.
  • Tiền sử nghề nghiệp và xã hội, hoạt động giải trí
  • Liệu pháp đã dùng trước đây và đáp ứng với liệu pháp bao gồm liều và thời gian dùng
  • Quá trình/kết quả chẩn đoán trước đây.

4.2. Cần đánh giá sự kiểm soát hoạt động mày đay mạn

UAS7 là hệ thống tính điểm đơn giản và có giá trị trong đánh giá mày đay mạn. UAS7 dựa trên đánh giá của bệnh nhân về những triệu chứng và dấu hiệu mày đay bao gồm sẩn phù và ngứa. UAS7, tổng điểm của 7 ngày liên tiếp được sử dụng trong thực hành lâm sàng thường quy để xác định hoạt động bệnh và đáp ứng với điều trị ở bệnh nhân CSU.

Đánh giá sự kiểm soát hoạt động mày đay mạn
Đánh giá sự kiểm soát hoạt động mày đay mạn tính

5. Quản lý mày đay

5.1. Mày đay cấp

  • Điều trị triệu chứng: Corticoid ngắn ngày và kháng histamin
  • Hướng dẫn tránh dị nguyên (thức ăn, thuốc) nghi ngờ

5.2. Mày đay mạn

Tiếp cận liệu pháp trong điều trị mày đay mạn bao gồm:

  • Xác định và giới hạn những nguyên nhân
  • Tránh yếu tố kích thích
  • Tạo dung nạp
  • Và/hoặc sử dụng thuốc để ngăn chặn sự bài tiết những hóa chất trung gian tế bào mast và hoặc những tác động của những hóa chất tế bào mast

Sơ đồ tiếp cận điều trị

Sơ đồ: Tiếp cận điều trị mày đay mạn tự phát
Sơ đồ tiếp cận điều trị

Tài liệu tham khảo

  1. The EAACI/GA2LEN/EDF/WAO guideline for the definition, classification, diagnosis and management of urticaria, Allergy 2018

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

939 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan