Phục hồi chức năng tổn thương thần kinh giữa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hường - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay xảy ra trong lúc sinh gây liệt hoặc giảm vận động, cảm giác của các cơ cánh tay. Nguyên nhân do đứt đoạn hoặc giãn một hoặc tất cả các dây thần kinh trụ, quay, giữa từ đám rối thần kinh cánh tay do thủ thuật kéo tay, vai khi lấy thai ra.

1. Tổng quan

Thần kinh giữa xuất phát từ bó ngoài và bó trong của đám rối thần kinh cánh tay, đi xuống cánh tay dọc theo động mạch cánh tay rồi xuống cẳng tay, nằm giữa các cơ gấp chung các ngón nông và gấp chung các ngón sâu. Khi đến cổ tay, thần kinh giữa đi trong ống cổ tay để xuống gan tay và chia ra các nhánh tận ở đó.

Thần kinh giữa chi phối động tác gấp cổ tay và ngón tay, sấp cẳng tay và bàn, gấp, dạng và đối ngón cái. Về cảm giác, ở gan tay nó chi phối cho các ngón 1,2,3 và 1⁄2 ngoài ngón 4, ở mu tay chi phối cho đốt tận cùng của các ngón trên.

Tổn thương thần kinh giữa có thể bị chèn ép ở vùng cổ tay trong hội chứng ống cổ tay. Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý gây chèn ép thần kinh ngoại biên thường gặp nhất. Đối tượng nguy cơ của hội chứng ống cổ tay là những người làm công việc đòi hỏi vận động cổ tay nhiều, cao tuổi, béo phì, đái tháo đường, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp, loãng xương. Nếu phát hiện sớm, hội chứng ống cổ tay đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị bảo tồn. Trong trường hợp điều trị bảo tồn không hiệu quả thì cần phải phẫu thuật. Quá trình tập luyện phục hồi chức năng sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân sớm hồi phục và lấy lại chức năng bàn tay.

Ngoài ra, nhánh gian cốt trước của thần kinh giữa có thể bị chèn ép ở vùng cẳng tay gây ra hội chứng thần kinh gian cốt trước. Thần kinh giữa cũng có thể bị tổn thương ở bất cứ đoạn nào trên đường đi của nó do vết thương gây ra bởi hung khí hay đạn bắn, thường gặp nhất là chấn thương vùng cánh tay, cẳng tay. Tùy theo vị trí và mức độ tổn thương mà lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, bảo tồn hay phẫu thuật. Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thần kinh giữa bị tổn thương phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp điều trị được lựa chọn.

Vật lý trị liệu cổ tay
Hình ảnh điều trị phương pháp vật lý trị liệu

2. Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng

Bệnh nhân than phiền triệu chứng vận động: yếu các cơ do thần kinh giữa chi phối, tùy thuộc vào đoạn nào của thần kinh giữa bị tổn thương. Các bệnh nhân hội chứng ống cổ tay thường yếu và teo cơ ô mô cái, các cơ gấp, đối chiếu ngón cái và bảo tổn chức năng ô mô út. Triệu chứng cảm giác: bệnh nhân than phiền tê bì theo diện chi phối cảm giác da của thần kinh giữa, thường là tê các đầu ngón tay I, II, III và nửa ngoài ngón IV. Trong hội chứng gian cốt trước bệnh nhân thường không có triệu chứng tổn thương cảm giác

Chụp phim Xquang khớp vai
Chụp X quang khớp vai

Chẩn đoán cận lâm sàng

Khảo sát chẩn đoán điện: điện cơ đồ (EMG) và khảo sát dẫn truyền thần kinh giúp xác định thần kinh bị tổn thương, định khu vị trí tổn thương và giúp theo dõi quá trình hồi phục của thần kinh giữa. Thường kết quả khảo sát chẩn đoán điện vẫn bình thường trong giai đoạn sớm của bệnh.

Chụp X quang: Chụp khớp vai thẳng để loại trừ tổn thương xương khớp kèm theo (gãy xương đòn, gãy xương cánh tay, trật khớp vai).

MRI: trong một số trường hợp, MRI giúp phát hiện tình trạng chèn ép thần kinh giữa ở cẳng tay, ống cổ tay.

3. Phục hồi chức năng tổn thương thần kinh giữa

3.1. Phục hồi tổn thương thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay

Nhiều bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn nếu được phát hiện sớm. Mang máng nâng đỡ cổ tay, giữ ở tư thế trung tính, mang khi ngủ và khi thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự vận động cổ tay nhiều. Sử dụng thêm thuốc giảm đau chống viêm đường uống. Khoảng 90% bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay nhẹ đáp ứng với điều trị bảo tồn sau 4-6 tuần điều trị, sau đó duy trì tiếp ít nhất 2 tháng nữa.

Nếu bệnh nhân không hề có đáp ứng khi điều trị bảo tồn với máng nẹp cổ tay thì lựa chọn tiếp theo là tiêm steroid vào ống cổ tay. Thường giảm các triệu chứng sau mũi tiêm thứ nhất, một số trường hợp cho phép tiêm đến 3 mũi, cách nhau 3-6 tuần.

Thay đổi tư thế và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi làm việc để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Phương pháp phục hồi chức năng:

  • Tuần 1: Tập ngay sau mổ, gấp duỗi cổ tay nhẹ nhàng, các ngón gấp duỗi tối đa. Mang nẹp cổ tay hỗ trợ.
  • Tuần 2: Cắt chỉ và chăm sóc sẹo mổ. Bắt đầu tập mạnh cơ và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
  • Tuần 3-4: Tiếp tục tập mạnh cơ. Bệnh nhân được phép thực hiện những hoạt động mạnh hơn và quay trở lại làm việc
thuốc kháng sinh
Thuốc giảm đau giúp chống viêm đường uống cho bênh nhân

3.1. Phục hồi thần kinh giữa bị tổn thương do vết thương vùng cánh tay, cẳng tay

  • Giai đoạn cấp: ngay sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật
    • Bất động chi tổn thương: thời gian tùy thuộc vào tình trạng tổn thương và phương pháp phẫu thuật.
    • Vận động: tần suất và cường độ tập cũng phụ thuộc vào tình trạng tổn thương và phương pháp phẫu thuật.
    • Tư vấn cho bệnh nhân biết cách bảo vệ an toàn cho vùng thương tổn, đặc biệt là sau phẫu thuật nối thần kinh. Tránh gây tổn thương cho vùng chi bị mất cảm giác.
  • Giai đoạn hồi phục: khi có dấu hiệu tái chi phối thần kinh
    • Tái rèn luyện vận động: tập mạnh cơ theo chương trình tăng tiến
    • Giảm tình trạng tăng cảm giác: quá trình tái chi phối thần kinh thường đi kèm với tình trạng tăng cảm giác. Cho bệnh nhân tiếp xúc với nhiều vật làm bằng chất liệu khác nhau để giảm tình trạng trên.
    • Tái rèn luyện cảm giác: giúp bệnh nhân học cách nhận biết đồ vật khi sờ.
  • Giai đoạn mãn tính: quá trình tái chi phối thần kinh đã đạt đỉnh, một số chức năng vận động và cảm giác không còn khả năng phục hồi thêm được nữa.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan