Quy trình đặt nội khí quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ánh Hiền - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quang Hùng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đặt nội khí quản là một kỹ thuật gây mê khó và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến cao. Vì thế việc thực hiện quy trình đặt nội khí quản cần được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định tại các cơ sở y tế đạt chuẩn.

1. Gây mê có đặt nội khí quản là gì?

Gây mê nội khí quản là kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt ống nội khí quản với mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, dưới tác dụng của thuốc mê bệnh nhân sẽ mất cảm giác và ý thức tạm thời, song bệnh nhân vẫn có thể tự thở hoặc thở bằng máy qua ống nội khí quản. Theo đó, việc gây mê có đặt ống nội khí quản có một số lợi ích sau đây:

  • Giúp duy trì thông khí đường hô hấp trên cho bệnh nhân.
  • Giúp việc hút khí phế quản dễ dàng.
  • Giúp bác sĩ dễ dàng hô hấp hỗ trợ hoặc chỉ huy.

Ngoài ra, việc đặt nội khí quản còn đảm bảo hô hấp trong suốt quá trình gây mê toàn thân ở các tư thế khác nhau, ở các giai đoạn nguy kịch và hồi sức sau phẫu thuật.

2. Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp gây mê có đặt ống nội khí quản

dấu hiệu ung thư thanh quản
Chống chỉ định với phương pháp gây mê nội khí quản khi bệnh nhân bị ung thư thanh quản

Dựa vào tiền sử của người mắc bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định và chống chỉ định các đối tượng sử dụng kỹ thuật gây mê nội khí quản.

Phương pháp gây mê nội khí quản được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Các trường hợp phẫu thuật tạng sâu, các ca phẫu thuật lớn, có nhu cầu mềm cơ.
  • Các trường hợp bệnh nhân có sốc, đa chấn thương.
  • Phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật sọ não.
  • Phẫu thuật trên bệnh nhân có dạ dày đầy.
  • Trường hợp kiểm soát hô hấp bằng mặt nạ gặp khó khăn.
  • Các phẫu thuật có tư thế không bình thường như trong phẫu thuật hàm mặt, đầu cổ, tư thế nghiêng hoặc nằm sấp.
  • Các trường hợp cần duy trì mê bằng thuốc mê đường hô hấp để tự thở ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Phương pháp gây mê nội khí quản chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp sau:

  • Cơ sở y tế không có đủ phương tiện hồi sức.
  • Không có người có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện.

Phương pháp gây mê nội khí quản chống chỉ định tương đối trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị viêm cấp tính đường hô hấp trên.
  • Bệnh nhân bị lao thanh quản nặng.
  • Bệnh nhân bị ung thư thanh quản.

3. Quy trình đặt nội khí quản

kỹ thuật đặt nội khí quản
Kỹ thuật đặt nội khí quản cấp cứu

Để đạt kết quả điều trị cao cần phải tuân thủ đầy đủ các bước trong kỹ thuật gây mê đặt nội khí quản. Trước tiên cần chuẩn bị:

  • Chuẩn bị ống nghe, máy hút, kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp cho bệnh nhân.
  • Chuẩn bị các thuốc khởi mê.
  • Cho bệnh nhân thở oxy 100%, ít nhất 3 phút.

Bước 1: Khởi mê:

  • Đa phần bắt đầu bằng Fentanyl
  • Thuốc gây ngủ như Thiopental, Propofol, Etomidate, Ketamin.
  • Thuốc giãn cơ như: Norcuron, Succinylcholine, Pavulon, Arduan Tracrium. Chỉ được tiêm thuốc giãn cơ khi việc hô hấp bằng mặt nạ đã có hiệu lực.
  • Về liều lượng của các thuốc được sử dụng theo liều thuốc mê đường tĩnh mạch.

Bước 2: Gây tê tại chỗ

Gây tê tại chỗ được thực hiện bằng việc sử dụng Xylocain 5% phun sau khi đưa được đèn soi thanh quản tới nắp thanh môn của bệnh nhân.

  • Phun vào thanh môn từ 4 - 7 lần.
  • Phun vào thanh âm từ 4 - 7 lần.
  • Phun vào khí quản từ 4 - 7 lần.

Ba vị trí này phun tối đa không quá 25 lần.

Bước 3: Thực hiện kỹ thuật đặt nội khí quản

  1. Đặt nội khí quản qua miệng
  • Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, sao cho khi nhìn vào miệng thì hầu và thanh quản cùng nằm trên một trục thẳng. Tư thế hay được sử dụng là từ thế Jackson biến đổi: đầu gối cao hơn so với vai từ 8 - 10cm.
  • Người thực hiện cầm đèn soi thanh quản bên tay trái, còn tay phải mở miệng bệnh nhân. Cần phải mở rộng miệng bệnh nhân nhằm tránh gây thương tổn môi dưới, tránh sự cản trở của răng, của lưỡi khi đưa đèn vào.
  • Đèn được đưa vào phía môi bên phải, sau đó đẩy dần xuống dưới theo lưỡi, theo đường giữa và gạt lưỡi sang bên trái, cho đến khi mũi đèn đến vị trí mép gập lưỡi - nắp thanh quản.
  • Đưa đèn lên cao và nhẹ nhàng tiến về phía trước cho tới khi nhìn thấy lỗ thanh môn.
  • Tiếp theo dùng tay phải hoặc người phụ sẽ ấn hoặc đẩy nhẹ sụn giáp sang bên để có thể nhìn thấy thanh môn. Sau đó đưa ống nội khí quản vào góc mép môi bên phải rồi đưa vào lỗ thanh môn.
  • Sau khi bóng của ống nội khí quản vượt qua dây thanh âm khoảng 2 cm thì dừng lại.
  • Sử dụng bơm tiêm 10ml để bơm bóng, lượng khí đưa vào sao cho vừa đủ để không bị rò rỉ lúc làm hô hấp.
  • Sau đó đèn soi thanh quan sẽ được đưa ra ngoài một cách nhẹ nhàng.
  • Giữ cho ống nội khí quản sát mép bằng cách kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ.
  • Tiến hành hô hấp bằng tay và kiểm tra vị trí của ống nội khí quản xem đã vào đúng vị trí hay chưa bằng cách nghe hai phế trường và hai hõm nách. Nếu nghe thấy rõ tiếng hít vào thở ra và nghe tiếng rì rào phế nang hai bên phổi đồng đều là ống đã được đặt đúng vị trí.
  • Sau khi đã xác định ống được đặt đúng vị trí mới tiến hành cố định bằng băng dính hoặc dải vải.
  • Cuối cùng đặt canuyn vào miệng để tránh bệnh nhân cắn ống.
  1. Đặt nội khí quản qua mũi
  • Ống thông thường được đưa vào qua lỗ mũi bên phải, mép vát của ống hướng vào vách ngăn mũi.
  • Ống được luôn theo đường thẳng góc với mặt phẳng khuôn mặt.
  • Vừa xoay nhẹ vừa đẩy ống vào để làm giảm bớt nguy cơ chấn thương xoắn mũi.
  • Phối hợp gây tê tại chỗ co mạch giúp làm tăng đường kính lỗ mũi và giảm nguy cơ chảy máu.
  • Sau khi đưa ống thông vào được 15 - 16cm, sử dụng đèn soi thanh quản như kỹ thuật đưa đèn vào ở kỹ thuật đặt ống thông đường miệng ở trên.

Bước 4: Duy trì mê:

  • Tùy theo từng trường hợp bệnh nhân mà có thể để tự thở hoặc thở chỉ huy.
  • Với trường hợp tự thở với thuốc mê bốc hơi, thuốc mê được sử dụng và điều khiển qua bình chuyên biệt.
  • Với trường hợp hô hấp bằng máy hoặc bóp tay: duy trì mê bằng thuốc mê đường hô hấp, phối hợp thuốc mê, thuốc giãn cơ, fentanyl bằng cách tiêm cách quãng hoặc duy trì qua bơm tiêm điện.
  • Trước khi kết thúc kết thúc phẫu thuật, cần giảm liều thuốc mê.
  • Trường hợp sử dụng thuốc mê đường hô hấp cần dừng thuốc lúc kết thúc cuộc phẫu thuật, mở van hết cỡ, tăng thông khí, bóp bóng dự trữ để xả thuốc mê trong vòng mê.
  • Trong suốt quá trình cần theo dõi các thông số sau: Mạch, huyết áp, SaCO2, EtCO2 (khí CO2 trong hơi thở ra).

Bước 5: Rút ống nội khí quản sau khi gây mê nội khí quản

Tiêu chuẩn rút ống nội khí quản sau khi gây mê nội khí quản:

● Bệnh nhân tỉnh, có thể làm theo y lệnh: há mồm, thè lưỡi, mở mắt, nắm tay chặt, nhấc đầu cao và giữ được trong 5 giây.

● Bệnh nhân có thể tự thở sâu, đều, không cần phải nhắc, tần số thở >14 lần/phút, thể tích khí lưu thông 8ml/kg cân nặng.

● Mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định.

● SaO2 : 98 – 100%.

● Độ phục hồi giãn cơ ≥ 90%

Nếu bệnh nhân không có đầy đủ các tiêu chuẩn trên, bác sĩ cần phải đánh giá lại tình trạng người bệnh, tác dụng của thuốc giãn cơ, tác dụng ức chế hô hấp của Fentanyl để sử dụng các thuốc giải giãn cơ hay dùng Naloxon.

Kỹ thuật rút ống nội khí quản:

  • Hút sạch họng, miệng bằng ống hút vô khuẩn số 1.
  • Hút ống thông dạ dày nếu có.
  • Tháo bóng ống nội khí quản.
  • Đưa ống hút vô khuẩn 2 vào ống nội khí quản, vừa hút vừa rút ống.

4. Một số tai biến có thể gặp khi gây mê nội khí quản

  • Các tai biến gặp trong quá trình đặt ống nội khí quản:
  • Thất bại không đặt được ống.
  • Đặt nhầm ống vào dạ dày.
  • Chấn thương khi đặt ống nội khí quản: rách môi, gãy răng, khàn tiếng...
  • Mạch nhanh, tăng huyết áp trong khi đặt ống nội khí quản.
  • Tai biến gập ống, tụt ống, ống nội khí quản bị đẩy sâu làm loại trừ một bên phổi.
  • Tai biến do thuốc giãn cơ, thuốc mê.

Gây mê nội khí quản là một kỹ thuật khó, cần được thực hiện bởi các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, đồng thời cơ sở y tế phải có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để đạt được hiệu quả cao nhất và phòng tránh các tai biến có thể xảy ra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có phương pháp gây mê nội khí quản trong quá trình phẫu thuật do đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm thực hiện, với hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại.

Tốt nghiệp chương trình đào tạo Bác sĩ Nội trú, Bác sĩ Trần Thị Ánh Hiền đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Pháp Việt trước khi về làm việc tại Đơn nguyên Gây mê Giảm đau – Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Thạc sĩ. Bác sĩ Tạ Quang Hùng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Hiện tại, đang là bác sĩ Gây mê hồi sức, khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để được tư vấn chi tiết về kỹ thuật gây mê nội khí quản tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan