Siêu âm có biết bị suy thận không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Vân Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hiện nay, số lượng các ca bệnh suy thận ngày càng tăng cao. Để phát hiện các bệnh lý ở thận, siêu âm là một phương pháp chẩn đoán được áp dụng rộng rãi. Vậy siêu âm có biết suy thận không?

1. Tổng quan các khái niệm suy thận, siêu âm thận

1.1 Suy thận là gì?

2 quả thận của người khỏe mạnh bình thường có khoảng 1 triệu đơn vị thận. Một người có thể mất tới 50% số đơn vị thận nhưng vẫn sống bình thường. Tuy nhiên, nếu mất trên 50% số lượng đơn vị thận, thận mất bù, thì tình trạng suy thận sẽ khởi phát. Suy thận gồm suy thận cấp tínhsuy thận mãn tính.

  • Suy thận cấp tính: Có thể nhận biết thông qua tình trạng lượng nước tiểu thải ra trong ngày ít hay nhiều. Nếu bệnh nhân không có nước tiểu hoặc nước tiểu trong vòng 24 giờ dưới 100ml thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo người bệnh bị suy thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các dấu hiệu khác như phù mặt, sưng mi mắt, sưng mặt do ứ nước trong cơ thể;
  • Suy thận mãn tính: Triệu chứng khá kín đáo, hầu như bệnh nhân chỉ bị mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu. Nếu không chú ý thì người bệnh sẽ bỏ qua các triệu chứng này, không đi khám sớm. Về sau, có thể người bệnh bị ói mửa, sưng phù chân tay, cao huyết áp, ngứa ngáy toàn thân, tiểu ra máu hoặc nước tiểu có protein (khi xét nghiệm),...
Suy thận sau ghép thận
Suy thận gồm suy thận cấp tính và suy thận mãn tính

1.2 Siêu âm thận là gì?

Siêu âm thận là kỹ thuật sử dụng sóng âm nhằm tạo ra hình ảnh về kích thước, cấu trúc hoặc các dấu hiệu bệnh lý của thận. Đây là kỹ thuật có giá trị cao trong chẩn đoán các bệnh lý khu trú ở thận như sỏi thận, nang thận, áp xe thận, thận ứ nước hoặc suy thận. Phương pháp siêu âm là kỹ thuật không xâm lấn, không gây đau, an toàn cho bệnh nhân và có độ chính xác cao.

Đặc điểm cho thấy siêu âm thận khỏe mạnh bình thường: Thận có hình hạt đậu, rốn thận nằm ở phía bên trong, kích thước 2 thận thường không giống nhau, có chiều dài khoảng 9 - 12cm, rộng khoảng 4 - 6cm và dày khoảng 3 - 4cm, đường bờ đều, nhu mô thận trái có hình tam giác (vì bên trái có lách đè vào). Khi siêu âm sẽ không quan sát được niệu quản ở người khỏe mạnh. Nếu thấy được niệu quản thì thường là do các bệnh lý dị dạng của niệu quản hoặc niệu quản bị giãn to. Siêu âm cũng thấy rõ động, tĩnh mạch thận.

2. Phương pháp siêu âm có biết được suy thận không?

Thực tế, siêu âm cho kết quả khá mơ hồ trong các bệnh lý thận lan tỏa như viêm cầu thận cấp tính, viêm cầu thận mãn tính, hội chứng thận hư và nhiễm tinh bột thận. Tuy nhiên, khi các bệnh tiến triển tới giai đoạn suy thận, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kích thước thận thì siêu âm lại cho kết quả rõ ràng. Vì khi đó, kích thước thận nhỏ hơn so với bình thường.

Vì vậy, có thể thấy trong lâm sàng siêu âm có thể biết được suy thận. Tuy nhiên, cần siêu âm nhiều lần để có chẩn đoán chính xác, giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

siêu âm thận
Siêu âm có thể phát hiện và chẩn đoán được suy thận

3. Siêu âm đánh giá suy thận như thế nào?

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong đánh giá bệnh suy thận cấp tính hoặc mãn tính, đôi khi được bổ sung bằng siêu âm Doppler. Thực tế thì phần lớn các trường hợp suy thận đều không rõ nguyên nhân nên siêu âm có thể giúp xác định một phần các nguyên nhân gây suy thận, từ đó có phương hướng điều trị thích hợp. Những vấn đề thường dẫn tới suy thận có thể xác định trên siêu âm là:

  • Giãn đài thận gây bít tắc dẫn tới suy thận: Ở bệnh nhân bị giãn đài thận, cần khẳng định chẩn đoán hoặc loại trừ trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn đường niệu.
  • Thận yếu ở giai đoạn cuối: Khi 2 quả thận có chiều dài dưới 6cm được coi là bệnh thận giai đoạn cuối. Lúc này, vỏ thận không đủ độ bền vững để duy trì chức năng vốn có, bệnh nhân bị suy thận nặng. Hình ảnh trên siêu âm cho thấy thân bị teo nhỏ về kích thước, tuỷ thận tăng âm, mất phân biệt tuỷ vỏ.
  • Thận đa nang: Là bệnh thường do di truyền, dễ gây suy thận, cần phải chạy thận nhân tạo để điều trị.

Tuy nhiên, trong trường hợp thận vẫn có kích thước bình thường và không bị giãn đài bể thận thì phương pháp siêu âm là không đủ để khẳng định chẩn đoán mà chỉ có vai trò đưa ra một số gợi ý. Với những bệnh nhân có kích thước các thận bình thường, không bị giãn đài thận thì để chẩn đoán khả năng suy thận một cách chính xác, cần thực hiện thêm phương pháp sinh thiết thận. Sinh thiết được thực hiện tốt dưới hướng dẫn của phương pháp siêu âm.

Xét nghiệm sinh thiết
Có thể thực hiện thêm sinh thiết thận để giúp chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác hơn

Như vậy, với câu hỏi siêu âm có biết bị suy thận không, đáp án là: Có. Tùy trường hợp có thể chỉ cần áp dụng phương pháp siêu âm hoặc cần thực hiện thêm các kỹ thuật khác để khẳng định chẩn đoán. Và bệnh nhân nên tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan