Sốc phản vệ độ 3 là gì?

Sốc phản vệ là một phản ứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng đối với một hoặc nhiều tác nhân gây kích thích dị ứng. Theo phân loại của Bộ Y tế, sốc phản vệ độ 3 hay sốc phản vệ ở mức độ nguy kịch thường biểu hiện bằng sự nghiêm trọng của triệu chứng cũng như kết cục mà nó mang lại. Hiện nay, việc phát hiện sớm phản vệ độ 3 nhằm đưa ra những hướng xử trí kịp thời, không chỉ còn là nhiệm vụ của những nhân viên y tế mà còn là trách nhiệm của chính bản thân và người nhà bệnh nhân.

1. Triệu chứng sớm của sốc phản vệ

Các dấu hiệu của tình trạng phản vệ thường xuất hiện tức thì hoặc có thể trong vòng 10 - 15 phút sau khi các hệ cơ quan trên cơ thể trong đó có da, đường hô hấp, tim mạch hoặc ống tiêu hóa,... tiếp xúc với những dị nguyên. Trên thực tế, biểu hiện của phản vệ ở nhiều trường hợp bệnh nhân không phải lúc nào cũng tiến triển từ nhẹ đến nặng.

Dấu hiệu sớm ở mức độ nhẹ thường biểu hiện đầu tiên ở da như ban đỏ, ngứa, nổi mề đay,... hay xuất hiện ở nhiều cơ quan khác như chóng mặt, sổ mũi, cảm giác nghẹt mũi, khó thở, đánh trống ngực, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Trong một số trường hợp không xác định có phơi nhiễm dị nguyên hay không, có thể xem xét nguy cơ phản vệ khi xuất hiện tình trạng hạ huyết áp không có nguyên nhân hoặc ≥ 2 dấu hiệu sớm của phản vệ được kể ở trên.

Các triệu chứng có thể tiến triển rất nhanh lên sốc phản vệ nặng trong vài phút, thậm chí là vài giây sau phơi nhiễm, vì thế cần đưa bệnh nhân hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

2. Phản vệ độ 3 là gì?

Bộ Y tế phân phản vệ thành theo 4 cấp độ dựa trên biểu hiện lâm sàng, trong đó, phản vệ độ 3 là phản ứng sốc ở mức độ nguy kịch tại đa cơ quan thể hiện ở các triệu chứng sau:

  • Tuần hoàn: Sốc, huyết áp tụt, mạch thường nhanh, nhỏ khó bắt.
  • Tiếng thở rít ở thanh quản hoắc phù thanh quản.
  • Biểu hiện tím tái, thở nhanh, thở khò khè hoặc rối loạn nhịp thở.
  • Rối loạn tri giác theo dạng kích thích, vật vã, co giật, nặng nhất là hôn mê.
  • Rối loạn cơ tròn biểu hiện là tình trạng đại tiện, tiểu tiện không tự chủ.

Các dấu hiệu của mức độ phản vệ nặng có thể xảy ra đồng thời hoặc đơn độc trong khoảng thời gian rất ngắn sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Ví dụ như, tím tái kèm thở rít, thở khò khè xảy ra mà không có biểu hiện rối loạn tri giác.

3. Phân biệt phản vệ độ 3

Triệu chứng của sốc phản vệ độ 3 cần được phân biệt với các trường hợp sốc khác như sốc giảm thể tích, sốc do phân bố, sốc tim,... Tai biến mạch máu não, các bệnh lý đường hô hấp, nội tiết, bệnh lý ở da, hay các trường hợp ngộ độc.

Ngoài ra, các biểu hiện kể trên có thể bị che dấu hay xuất hiện không rõ ràng ở các bệnh nhân nằm hôn mê, hay liệt toàn thân,... Các trường hợp đặc biệt này cần có phối hợp nhịp nhàng giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế để có thể nhận biết và xử trí sớm.

4. Các nguyên nhân thường gặp

4.1. Thuốc

Sốc phản vệ độ 3 thường xảy ra trên các bệnh nhân sử dụng thuốc với liều lượng lớn, một số trường hợp tự mua thuốc tại các quầy thuốc không có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch quá nhanh, hàm lượng cao hoặc thuốc không được pha loãng trước tiêm cũng là lý do dẫn đến sốc phản vệ nặng.

Một số thuốc thường gây ra dị ứng phản vệ như: Kháng sinh, vắc xin, thuốc gây tê, thuốc cản quang có iod dùng trong chẩn đoán hình ảnh,...

4.2. Nọc côn trùng

Vết đốt, cắn chứa nọc của ong, kiến, nhện, rắn bọ cạp,... thường dẫn đến sốc phản vệ với các triệu chứng sớm ở trên da. Hiếm khi ghi nhận mức độ phản vệ nặng ở bệnh nhân bị côn trùng đốt. Các trường hợp cấp cứu do rắn, nhện hay bọ cạp cắn cần đánh giá đồng thời nguy cơ nhiễm độc và sốc phản vệ.

4.3. Thức ăn

Việc sử dụng thường xuyên, hoặc số lượng lớn các loại thực phẩm cũng là nguồn gốc của dị ứng phản vệ. Đặc biệt là đồ ăn liên quan đến hải sản như tôm, tép, cua, cá ngừ, cá thu,... các loại đậu, các chất phụ gia.

4.4. Nguyên nhân khác

Nếu việc xác định nguyên nhân không được rõ ràng cần xem xét những lý do khác như: Hoạt động thể lực quá mức trong lúc tập thể dục, hay dị ứng latex.

Một số ít trường hợp không có nguyên nhân cụ thể, việc đánh giá nguy cơ sốc phản vệ thường dựa vào triệu chứng lâm sàng.

5. Phòng ngừa sốc phản vệ độ 3

Nếu bạn có tiền sử dị ứng nghiêm trọng hay đã từng bị sốc phản vệ trong quá khứ, điều quan trọng là phải cố gắng ngăn ngừa các đợt tái phát trong tương lai bằng một số biện pháp sau:

  • Xác định các dị ứng có thể mắc phải bằng việc đến khám tại các cơ sở y tế và làm các kiểm tra như: test lẩy da hoặc test dị ứng bằng huyết thanh.
  • Cần tránh các tác nhân dễ gây dị ứng như:
    • Thực phẩm: Kiểm tra nhãn và thành phần thực phẩm trước khi ăn. Hãy cho nhân viên tại các quán ăn biết bạn bị dị ứng với thành phần nào đó trong bữa ăn để đầu bếp loại bỏ chúng.
    • Nọc côn trùng: Di chuyển cẩn thận ra xa khỏi các loài côn trùng, tránh hoảng sợ, vùng vẫy tay chân vào chúng. Sử dụng thuốc chống côn trùng tại khu vực bạn sống đặc biệt vào mùa hè. Tránh tiếp xúc với các bụi cây, bãi cỏ bằng tay và chân trần.
    • Thuốc: Ghi nhớ các loại thuốc gây phản vệ đã từng sử dụng để nhắc nhở và cung cấp cho nhân viên y tế.
  • Các thông tin về tác nhân dị ứng có thể được tổng hợp trong một bảng ghi nhớ nhỏ và bạn nên luôn mang nó bên người bằng cách đeo vòng tay hoặc đeo trên cổ.
  • Mang theo trong người thuốc adrenaline và bơm tiêm để tự xử trí ban đầu trước khi được đưa vào bệnh viện. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ điều trị kê đơn thuốc tiêm adrenaline và hướng dẫn cách sử dụng bơm tiêm, liều lượng nếu có nguy cơ hoặc có tiền sử bị sốc phản vệ.

Nguồn tham khảo: nhs.uk

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan