Sỏi bàng quang: Đừng chủ quan

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nguyên nhân gây ra bệnh sỏi bàng quang chủ yếu là do ứ đọng nước tiểu. Ngoài những đặc điểm chung của sỏi ở hệ tiết niệu, sỏi bàng quang còn có những đặc điểm riêng. Sỏi bàng quang thường gặp ở nam giới và có thể điều trị dễ dàng nếu phát hiện sớm.

1. Sỏi bàng quang là gì?

Sỏi bàng quang được hình thành bởi sự tích tụ của các khoáng chất. Sỏi trong bàng quang thường có hình tròn và rất ít khi xù xì góc cạnh.

Sỏi bàng quang đa dạng, có thể là từ sỏi niệu quản, sỏi thận (hoặc cả hai) rơi xuống. Khi sỏi rơi xuống bàng quang, với sỏi nhỏ sẽ có thể được đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên với những viên sỏi lớn, chúng sẽ nằm tại bàng quang và các cặn sỏi có sẵn trong bàng quang sẽ tiếp tục bám vào, từ đó tích tụ lớn dần và gây nên các cơn đau khó chịu.

2. Nguyên nhân gây sỏi bàng quang

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sỏi bàng quang. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây nên bệnh sỏi bàng quang:

  • Sỏi từ hệ tiết niệu (sỏi niệu quản, sỏi thận) rơi xuống.
  • Do ứ đọng nước tiểu trong bàng quang.
  • Sử dụng nhiều canxi, photpho, chất khoáng,... nhưng uống ít nước.
  • Người bệnh sử dụng một loại thuốc trị bệnh nào đó trong thời gian dài gây kết tủa, lắng đọng tạo sỏi.
  • Thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động và thường nhịn tiểu.
  • Chít hẹp niệu đạo hoặc do bàng quang có dị vật, từ đó gây nên ứ đọng nước tiểu, ứ đọng cặn tạo sỏi.
  • Ít ăn rau, lười uống nước khiến nước tiểu không đào thải được các chất cặn ra ngoài.
Lười vận động
Ít vận động, lười uống nước sẽ có nguy cơ mắc bệnh sỏi bàng quang

3. Dấu hiệu nhận biết sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang chỉ khi di chuyển gây đau hoặc tắc nghẽn dòng tiểu thì mới được người bệnh chú ý và đi khám. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh điển hình:

  • Nước tiểu có màu sẫm hoặc có lớp màng bọc
  • Đau bụng dưới, đau vùng hạ vị.
  • Xuất hiện máu trong nước tiểu.
  • Ở nam giới, thường xuất hiện tình trạng đau ở dương vật.
  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt, tiểu buốt.
  • Bị ngắt dòng tiểu khi đang đi tiểu
  • Sốt nhẹ trong trường hợp có nhiễm khuẩn.

4. Biến chứng thường gặp của sỏi bàng quang

Sỏi bàng quan không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm:

Viêm bàng quang

Với trường hợp sỏi nhỏ, chưa gây bít tắc đường tiết niệu, chưa gây viêm bàng quang thì gần như không có biểu hiện rõ ràng. Khi sỏi to sẽ gây viêm bàng quang. Nguyên nhân là do khi co bóp, sỏi cọ xát nhiều lần vào niêm mạc, từ đó làm tổn thương, gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, thậm chí chảy máu.

Nếu không được điều trị sớm, viêm bàng quang sẽ trở thành viêm mãn tính và có thể dẫn đến teo bàng quang, rò bàng quang, ung thư bàng quang.

Viêm thận

Biến chứng rất nguy hiểm của sỏi bàng quang là viêm thận và suy thận. Biến chứng này điều trị khó khăn, ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng người bệnh.

Đau hạ vị

Người bệnh bị đau buốt vùng hạ vị do sỏi to sẽ gây kích thích, chèn ép, bít tắc cổ bàng quang (chỗ nối bàng quang và niệu đạo).

Cơn đau hạ vị có thể lan dần ra tầng sinh môn hoặc phía đầu bộ phận sinh dục ngoài, khiến người bệnh rất khó chịu.

Rò bàng quang

Sỏi bàng quang còn có thể gây ra biến chứng rò bàng quang, rò tầng sinh môn hoặc âm đạo (ở nữ giới). Nước tiểu rỉ qua âm đạo, hậu môn gây nhiễm trùng và rất bất tiện trong sinh hoạt.

5. Có thể điều trị và phòng bệnh sỏi bàng quang được không?

Trong trường hợp sỏi còn nhỏ có thể dùng thuốc để làm tan dần sỏi. Sỏi sẽ theo nước tiểu đào thải ra ngoài. Nếu có biểu hiện viêm nhiễm, nên dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn.

Trong trường hợp sỏi to, cần tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi càng sớm càng tốt. Nếu có các biểu hiện của rối loạn tiểu tiện như đái rắt, đái buốt hay đái ra máu cuối bãi cần đi khám bệnh ngay.

Những viên sỏi được lấy ra từ một túi mật
Phẫu thuật lấy sỏi được thực hiện trong trường hợp sỏi to

6. Phòng tránh sỏi bàng quang

Bạn nên có lối sống lành mạnh, uống đủ nước, thường xuyên kiểm tra sức khoẻ định kỳ để phòng tránh bệnh sỏi bàng quang.

Uống nhiều nước

Nên uống từ 2-3 lít nước mỗi ngày giúp đào thải các chất độc, cặn bã ra khỏi thận và bàng quang, từ đó tránh sự kết tủa tạo sỏi.

Sử dụng thực phẩm ít chất béo

Những thực phẩm như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo hoặc không béo bạn nên thêm vào thực đơn hàng ngày. Hạn chế đồ chiên, xào, rán. Không sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp.

Ăn nhiều cá hơn thịt

Hạn chế thực phẩm chứa đạm và protein bởi có thể khiến bệnh sỏi thêm trầm trọng hơn. Không nên ăn nội tạng, nhất là gan, bởi trong gan chứa nhiều purin - chất này góp phần tạo sỏi.

Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ

Ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt và đậu giúp cung cấp chất xơ tốt. Phụ nữ cần 21-25g, nam giới cần 30-38g mỗi ngày.

Hạn chế các chất kích thích

Không dùng bia, rượu, thuốc lá và các hoá chất xấu khác bởi các hoá chất tích tụ rất dễ tạo thành sỏi.

Nếu có dấu hiệu bị sỏi bàng quang, hãy đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng đáng tiếc.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Khám Sàng Lọc Tiết Niệu - Sỏi, giúp người bệnh phát hiện sớm các bệnh về tiết niệu, sỏi ngay cả khi chưa có triệu chứng. Gói Khám Sàng Lọc Tiết Niệu - Sỏi Tại Bệnh Viện Vinmec bao gồm nhiều tiện ích như:

  • Khách hàng được khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
  • Thực hiện các dịch vụ chụp Xquang và siêu âm chẩn đoán.
  • Phát hiện sớm các bệnh về tiết niệu, sỏi và được tư vấn điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan