Soi tươi KOH chẩn đoán nấm da, móng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Soi tươi KOH là kỹ thuật chẩn đoán nấm da, nấm móng đơn giản, dễ thực hiện, cho kết quả chính xác cao. Sau khi xác định chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp.

1. Sơ lược về bệnh nấm da, nấm móng

Nấm da là tình trạng tổn thương da do nấm. Bệnh thường xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là những nơi có chất sừng (keratin) như da, tóc, lông, móng, gây khó chịu và bất tiện cho bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày.

Một số loại nấm da thường gặp:

  • Bệnh lang ben: Do nấm pityrosporum gây ra. Có 2 dạng lang ben: màu trắng và màu đen. Bệnh gây ngứa, đặc biệt là khi ra nắng hoặc ra nhiều mồ hôi. Nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc vào việc vệ sinh da, sức đề kháng của cơ thể, độ ẩm và độ pH của da;
  • Bệnh hắc lào: Có triệu chứng ngứa, sau đó nổi một vệt màu đỏ, có viền, bờ rõ rệt và trên viền có các mụn nước lấm tấm, có thể lây lan ra nhiều vùng khác trên cơ thể khi người bệnh gãi. Bệnh hắc lào dễ lây lan khi dùng chung đồ dùng sinh hoạt, ngủ chung giường,...;
  • Nấm kẽ: Do vi nấm epidermophyton, nấm trichophyton, nấm candida albicans gây ra. Bệnh thường gặp ở người có nghề nghiệp phải ngâm chân trong nước nhiều giờ trong thời gian dài như nông dân, công nhân vệ sinh, vận động viên bơi lội,...;
Nấm móng
Hình ảnh nấm móng tay
  • Nấm móng: Thường do nấm trichophyton, nấm candida albicans gây nên. Biểu hiện bệnh là móng bị mất màu bóng, đẩy lên nhô lên hoặc khuyết vào, trên mặt móng lỗ chỗ hoặc thành rãnh, ngày càng xù xì, có màu vàng hoặc đục, có thể bị sưng và mưng mủ da vùng góc móng;
  • Nấm tóc: Do nấm piedra hortai gây nên với biểu hiện bệnh là trên mỗi sợi tóc có nhiều hạt màu đen bám vào. Nếu nấm tóc gây ra bởi nấm trichophyton thì sẽ có biểu hiện tổn thương trên da đầu là da có nhiều vết tròn nhỏ với kích thước 3 - 5mm, da đầu có vảy mỏng, ngứa vùng đầu,...

Trên lâm sàng, tùy từng loại nấm khác nhau sẽ có hình ảnh tổn thương trên da khác nhau. Để điều trị cho kết quả tốt, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm. Người bệnh nghi ngờ bị nấm da, nấm móng nên được xét nghiệm nấm da. Các phương pháp xét nghiệm thường được áp dụng là: Soi trực tiếp dưới kính hiển vi (soi tươi KOH) hoặc nuôi cấy nấm trên các môi trường thích hợp để xác định loài nấm gây bệnh.

2. Soi tươi KOH chẩn đoán nấm da, nấm móng là gì?

Thông thường, các bác sĩ không thể chẩn đoán chính xác nấm da, nấm móng nếu chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài. Soi tươi KOH là phương pháp được sử dụng phổ biến để xác định xem một người có bị nấm da, nấm móng hay không.

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng dao mổ hoặc một dụng cụ khác để lấy mẫu mô. Sau đó, mẫu mô được phết với KOH và hơ nóng để làm ly giải keratin - thành phần chính của móng và da. Khi đã loại bỏ được những chất này, bác sĩ có thể xác định được thành phần của nấm khi soi dưới kính hiển vi.

kính hiển vi
Bệnh phẩm được soi dưới kính hiển vi

3. Chỉ định soi tươi KOH chẩn đoán nấm móng, nấm da

  • Khi có mảng da bị ngứa, đỏ, có vảy và ở viền nổi gồ lên giống bóng nước;
  • Móng giòn, dễ gãy, dày lên và bị biến dạng;
  • Xuất hiện các mảng trắng trong miệng: có thể soi trực tiếp qua soi tươi KOH hoặc nhuộm soi tìm vi nấm
  • Âm đạo ngứa, chảy dịch: có thể soi trực tiếp qua soi tươi KOH hoặc nhuộm soi tìm vi nấm

4. Kỹ thuật soi tươi KOH chẩn đoán nấm da, nấm móng

4.1 Chuẩn bị

  • Dụng cụ: Kính hiển vi quang học, lam kính, lamen, dao mổ tiệt trùng, kìm cắt móng, đèn cồn và cồn 90°, nhíp nhổ tóc, dung dịch KOH 10 - 30%;
  • Bệnh nhân: Nghe bác sĩ hướng dẫn và giải thích quy trình xét nghiệm.

4.2 Lấy bệnh phẩm

  • Lấy bệnh phẩm ở da:
    • Cạo vảy da ở phần rìa của thương tổn;
    • Cạo ở nhiều vị trí;
    • Cạo từ trong thương tổn ra ngoài da lành để lấy vảy da ở ranh giới giữa vùng da bệnh và da lành;
    • Cho các vảy da rơi lên tiêu bản hoặc cho vào đĩa petri vô khuẩn;
    • Lấy vảy ra không phải vảy tiết;
    • Không cạo bệnh phẩm ở trên các thương tổn cấp tính như chàm cấp hay bội nhiễm;
  • Lấy bệnh phẩm ở móng:
    • Nếu thương tổn móng dày mủn ở bờ tự do thì dùng dao, kéo cạo và cắt lớp sừng mủn nằm dưới móng;
    • Nếu thương tổn móng tách giữa móng và bàn móng thì dùng dao nhọn cạo lấy chất sừng mủn ở dưới móng;
    • Nếu viêm quanh móng thì cạo vảy ra ở rãnh quanh móng;
    • Cho lớp sừng lên tiêu bản hoặc đĩa petri vô khuẩn.
Bệnh phẩm
Hình ảnh lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm

4.3 Làm tiêu bản

  • Nhỏ 1 - 2 giọt hóa chất soi tươi lên trên tiêu bản;
  • Đậy lamen;
  • Đợi khoảng 15 - 30 phút hoặc nếu muốn quan sát ngay thì hơ nóng trên ngọn lửa đèn cồn;
  • Dàn mỏng tiêu bản, soi tiêu bản dưới kính hiển vi vật kính 10x và 40x;
  • Ghi kết quả thu được vào phiếu xét nghiệm;
  • Xử lý dụng cụ và bệnh phẩm.

5. Đọc kết quả soi tươi KOH chẩn đoán nấm da, nấm móng

5.1 Kết quả bình thường

Không tìm thấy nấm trên da, trong mẫu móng. Tuy nhiên, có thể làm lại xét nghiệm, lấy nhiều mẫu hơn ở các vùng khác nhau của phần da, móng bị nhiễm nấm để khẳng định kết quả chẩn đoán. Nếu kết quả là bình thường, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân của tổn thương da, móng.

5.2 Kết quả bất thường

Có nấm trong mẫu da, móng đưa đi xét nghiệm.

  • Nấm xám: Thường gặp ở lòng bàn tay, sợi nấm có vách ngăn, ngăn chia thanh và bắt màu tối;
  • Nấm lang ben: Sợi nấm thô, ngắn, đám tế bào tròn có dạng hình túi trứng cóc;
  • Nấm da: Sợi nấm trong suốt, có vách ngăn và có thể thấy bào tử đốt;
  • Nấm tóc: Thấy sợi và bào tử nấm trong lòng sợi tóc (phát nội) và sợi bào tử nấm nằm quanh sợi tóc (phát ngoại).
Nấm Candida
Nấm Candida được nhuộm soi

Yếu tố ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm:

  • Bệnh phẩm: Trước khi làm xét nghiệm, người bệnh cần ngưng thuốc điều trị kháng nấm tối thiểu 1 - 2 tuần. Nếu không ngưng thuốc thì nấm tạm thời biến mất hoặc ở thể lặn nên rất khó phát hiện;
  • Các thuốc mỡ tồn tại trên da có thể gây khó khăn cho việc quan sát, chẩn đoán nấm da, nấm móng;
  • Các thuốc màu làm cho da bị nhuộm màu, che khuất cấu trúc của vi nấm, gây khó khăn khi chẩn đoán;
  • Kỹ thuật viên soi nấm cần có định hướng trước trên cơ sở triệu chứng lâm sàng của bệnh;
  • Chú ý tới điều kiện vệ sinh dụng cụ và không khí tại nơi làm xét nghiệm vì các bào tử và sợi nấm tạp thường xuất hiện trong không khí nên nếu không chú ý vệ sinh sạch sẽ thì dễ lây nhiễm, ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.

Ngoài phương pháp soi tươi KOH chẩn đoán nấm da, nấm móng, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua kỹ thuật xét nghiệm nuôi cấy nấm, kết hợp với các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Khi được chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được kê thuốc kháng nấm phù hợp để điều trị tích cực, hiệu quả.

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • cac-loai-benh-nam-sau-thuong-gap
    Các loại bệnh nấm sâu thường gặp

    Bệnh nấm sâu là bệnh mãn tính và nguồn bệnh thường ở môi trường bên ngoài như: Lá cây, đất,... Chúng xâm nhập qua da và đường hô hấp, bệnh nhân thường có biểu hiện tổn thương ở da, niêm ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp cho người tổn thương gan do sử dụng bia rượu

    Kanzou Ukon mang lại nhiều công dụng nhờ sự kết hợp của 4 thành phần độc đáo như Mầm súp lơ, nghệ vàng,...

    Đọc thêm
  • Skandid V2
    Công dụng thuốc Skandid V2

    Thuốc Skandid V2 dưới dạng kem bôi da có tác dụng điều trị nấm (nấm Candida, nấm âm hộ, nấm da đầu, viêm bao quy đầu, nấm móng, viêm da tã lót,...). Thuốc chỉ nên được dùng khi có chỉ ...

    Đọc thêm
  • cac-loai-benh-nam-sau-thuong-gap
    Các loại bệnh nấm sâu thường gặp

    Bệnh nấm sâu là bệnh mãn tính và nguồn bệnh thường ở môi trường bên ngoài như: Lá cây, đất,... Chúng xâm nhập qua da và đường hô hấp, bệnh nhân thường có biểu hiện tổn thương ở da, niêm ...

    Đọc thêm
  • Trắc nghiệm về nấm móng chân

    Nấm móng chân là một bệnh nhiễm trùng khá phổ biến hiện nay. Bệnh có thể làm cho móng chân thay đổi màu sắc hoặc dày lên, một số trường hợp có thể cảm thấy đau vùng móng. Nấm móng ...

    Đọc thêm
  • Celtonal
    Công dụng thuốc Celtonal

    Thuốc Celtonal có công dụng trong điều trị các tình trạng nhiễm nấm toàn thân nguyên nhân do Candida, Coccidioides immitis, Paracoccidioides và Histoplasma gây ra hoặc nhiễm nấm Candida đường tiêu hóa, âm đạo mãn tính, nấm móng không ...

    Đọc thêm