Sữa có làm mất tác dụng của thuốc không?

Sữa là loại thức uống giàu chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống sữa chung với một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.

1. Sữa có làm mất tác dụng của thuốc không?

Nhiều phụ huynh có thói quen pha thuốc với sữa cho trẻ để trẻ dễ uống hơn. Tuy nhiên, không phải thuốc nào cũng có thể pha với sữa. Sữa vốn là thức uống giàu chất dinh dưỡng, nhưng nếu uống sai cách có thể gây ra một số tác dụng tiêu cực đối với sức khỏe của người bệnh. Sữa có chứa rất nhiều sắt, canxi và các nguyên tố vi lượng khác. Khi uống sữa với một số loại thuốc thì chúng có thể tương tác với nhau và tạo ra muối không tan hoặc ảnh hưởng cấu trúc của thuốc. Điều này không chỉ khiến sữa mất đi giá trị dinh dưỡng mà còn khiến thuốc không còn tác dụng. Sau đây là một số loại thuốc không nên sử dụng chung với sữa:

  • Thuốc kháng sinh Tetracycline: Nguy cơ tạo phức chất càng cua (phức chelate) do thuốc kết hợp với ion canxi trong sữa, từ đó sẽ làm giảm khả năng hấp thu thuốc.
  • Digoxin: Canxi trong sữa có thể ảnh hưởng tới độc tính của digoxin.
  • Các loại thuốc chứa sắt, canxi: Do sắt trong sữa sẽ “cạnh tranh” để hấp thu với các loại thuốc chứa sắt, canxi, từ đó làm giảm khả năng hấp thu thuốc.
  • Estrogen: Sữa có thể làm tăng hoạt động của các enzyme chuyển hóa, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của estrogen.
  • Thuốc điều trị parkinson levodopa, carbidopa: Ion canxi cũng có thể tạo phức với levodopa, carbidopa, từ đó làm giảm hấp thụ và giảm tác dụng của thuốc
  • Kháng sinh nhóm Fluoroquinolon bao gồm ciprofloxacin, levofloxacin có thể tạo phức với các ion kim loại như canxi, sắt và làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Ngoài ra, trong sữa còn có nhiều chất khoáng đa vi lượng, hàm lượng lipid cao và độ kiềm cao, do đó sữa có thể làm chậm sự hấp thu của một số thuốc như kháng sinh cefuroxim

Vì thế, để tránh các tương tác trên, nên hạn chế dùng sữa trong quá trình sử dụng thuốc. Còn nếu bệnh nhân vẫn uống sữa, thì cần tránh uống sữa và những thực phẩm liên quan đến sữa: sữa chua, pho mát... trước và sau khi uống thuốc ít nhất 2 giờ.

2. Pha thuốc với trẻ uống có được không?

Trẻ nhỏ thường sợ uống thuốc hoặc uống rồi nhổ ra ngay vì thuốc quá đắng hay mùi vị thuốc khó chịu. Do vậy, có nhiều phụ huynh thường pha thuốc với sữa cho trẻ uống. Làm như vậy có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của một số loại thuốc. Thực tế, một loại thuốc có thể có nhiều dạng bào chế khác nhau. Cha mẹ nên ưu tiên chọn các dạng thuốc phù hợp với trẻ như sirô, dung dịch, thuốc giọt để giúp trẻ dễ uống hơn.

Để giúp trẻ đỡ “sợ” uống thuốc, sau khi uống thuốc xong, cha mẹ có thể cho bé một viên kẹo ngọt để tránh dư vị thuốc. Đối với trẻ nhỏ hơn, nên hòa thuốc viên, thuốc bột với một ít nước sôi để nguội và cũng có thể cho thêm ít đường để trẻ dễ uống. Đặc biệt, nếu trẻ được chỉ định các loại kháng sinh nhóm tetracyclin hoặc fluoroquinolon thì cần tránh uống sữa và các loại thực phẩm có chứa ion kim loại... trước và sau khi uống thuốc ít nhất 2 giờ. Đối với những trẻ mà nguồn dinh dưỡng chính là từ sữa thì có thể làm giảm thiểu sự tương tác này bằng cách uống thuốc ít nhất hai giờ trước hay sau khi dùng sữa. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên biết rằng có một số thuốc được khuyên nên dùng lúc no và có thể dùng cùng với sữa để tránh kích ứng dạ dày. Do đó để đảm bảo dùng thuốc phù hợp, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hay dược sĩ trước khi dùng.

3. Trẻ uống thuốc hạ sốt bao lâu thì uống sữa được?

Có một số cha mẹ thắc mắc “uống thuốc hạ sốt bao lâu thì uống sữa được?”. Nhìn chung, các loại thuốc hạ sốt như paracetamol có thể được sử dụng với sữa và sẽ không ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc. Do đó, cha mẹ có thể cho trẻ uống sữa ngay sau khi dùng thuốc hạ sốt.

Nhìn chung, sữa có thể làm mất tác dụng của một số loại thuốc nhất định. Để đảm bảo dùng thuốc phù hợp và phát huy hiệu lực tối đa, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan