Tại sao sử dụng dây thun khi niềng răng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thun chỉnh nha là một khí cụ quan trọng, góp phần không nhỏ vào kết quả của quá trình niềng răng. Tuy nhiên, dây thun niềng răng không phải luôn được chỉ định với tất cả trường hợp, chỉ khi bệnh nhân bị sai lệch khớp cắn thì thun chỉnh nha mới được sử dụng.

1. Dây thun niềng răng là gì?

Niềng răng chỉnh nha là một kỹ thuật phức tạp, mỗi bệnh nhân sẽ có một chỉ định riêng. Có nhiều loại khí cụ khác nhau được sử dụng bên cạnh hệ thống mắc cài và dây cung, tùy theo tình trạng của mỗi người, có bệnh nhân phải cần đến khí cụ nong hàm, có người cần cấy vít implant và nhiều trường hợp cần sử dụng dây thun chỉnh nha để nâng cao hiệu quả niềng răng.

Niềng răng truyền thống bắt buộc sử dụng hệ thống mắc cài và dây cung, hoạt động bằng cách tạo một lực kéo nhẹ nhàng lên răng, khiến chúng phải di chuyển vào vị trí chuẩn mong muốn. Dây thun niềng răng (hay còn gọi là thun liên hàm) là một khí cụ quan trọng bên cạnh hệ thống mắc cài và dây cung.

Thun chỉnh nha là loại thun có độ đàn hồi rất cao, gắn trên các mắc cài và móc từ răng hàm này sang hàm đối diện tương ứng để tạo lực kéo cho răng. Thun chỉnh nha không phải là chỉ định bắt buộc cho tất cả các trường hợp niềng răng, việc sử dụng dây thun niềng răng hay không phụ thuộc vào tình trạng hàm của bệnh nhân cũng như yêu cầu của bác sĩ nha khoa.

Vì vậy, dù thun chỉnh nha góp phần quan trọng khi niềng răng nhưng nếu bệnh nhân không được sử dụng nó thì cũng là chuyện bình thường.

chun nha khoa
Thun chỉnh nha có nhiều màu sắc nhưng thường được sử dụng màu trắng trong

2. Tại sao sử dụng dây thun khi niềng răng?

Khi niềng răng, bác sĩ sử dụng hệ thống các mắc cài và dây cung để tạo lực. Dây thun niềng răng được sử dụng kèm theo để tạo thêm lực kết hợp. Theo thời gian, cả hệ thống khí cụ này sẽ di chuyển các răng về vị trí mong muốn. Như vậy, có thể nói thun chỉnh nha sẽ giúp răng di chuyển một cách nhanh chóng hơn và giúp căn chỉnh vị trí răng hàm trên và dưới phù hợp với khớp cắn.

Thun chỉnh nha được nối vào hệ thống mắc cài tương ứng giữa hai răng của hàm trên và dưới. Bên cạnh căn chỉnh khớp cắn, dây thun niềng răng còn có tác dụng kéo răng khểnh, răng mọc chếch hẳn lên trên xương hàm hoặc răng không nằm cùng đường cung răng chuẩn về đúng vị trí, tư thế chuẩn.

Dây thun niềng răng được căn chỉnh tùy theo từng trường hợp cụ thể, phù hợp với từng bệnh nhân. Nếu đeo liên tục mỗi ngày, lực kéo ổn định và nhẹ nhàng để đưa răng từ từ về đúng vị trí mong muốn. Chất liệu của thun chỉnh nha là một loại cao su y tế cao cấp, nên rất an toàn và không gây kích ứng với môi trường khoang miệng

Đối với trường hợp răng hô, dây thun được đặt vào móc phía trước của hàm trên và nối với móc phía sau hàm dưới để kéo các răng trên về phía sau, đồng thời kéo các răng dưới về phía trước.

thun liên hàm
Thun niềng răng giúp kéo các răng về đúng vị trí mong muốn

3. Những điều nên làm khi đeo thun chỉnh nha

  • Nên tháo dây thun niềng răng khi ăn cũng như khi vệ sinh răng miệng.
  • Nên thay thế thun chỉnh nha hằng ngày, tránh mài mòn quá mức và mất độ đàn hồi của thun.
  • Nên đem thun chỉnh nha theo bên mình để thay thế khi cần thiết, điều đó sẽ góp phần rút ngắn thời gian chỉnh nha.
  • Nên rửa tay sạch sẽ trước khi tháo hoặc thay thun.
  • Nên liên hệ với bác sĩ nếu mất hoặc cảm giác bất thường khi đeo thun chỉnh nha.

4. Những điều không nên làm khi đeo thun chỉnh nha

  • Không nên tự ý dùng hai dây thun niềng răng cùng lúc vì điều này sẽ tạo áp lực quá lớn lên răng và có thể gây hại cho chân răng.
  • Không nên kéo thun quá căng để tránh làm thun bị mất đi độ đàn hồi và mang lại hiệu quả không cao.
  • Không nên há to miệng khi mới bắt đầu đeo thun, vì vậy khi ăn uống quá khó khăn thì có thể tháo ra vào mỗi bữa ăn và đeo lại ngay sau đó. Đôi khi, bệnh nhân được chỉ định chỉ cần đeo thun kéo vào ban đêm nên không cần lo lắng về việc ăn uống.
Chế độ ăn uống sau sinh
Có thể tháo thun mỗi khi ăn uống

  • Không nên há miệng quá rộng khi đeo thun vì điều này có thể làm cho dây thun bị đứt và bật vào bên trong miệng.

Chuyên khoa Răng – hàm – mặt, bệnh viện Vinmec được trang bị hệ thống ghế nha khoa KAVO (Đức), camera tại ghế răng, máy panorama hãng Gendex, máy X - quang ổ răng tại chỗ, máy quét phim Photpho hãng Gendex, máy siêu âm Dently, rèn tẩy trắng răng Radii Plus Australia, máy nội nha, máy đo chiều dài ống tủy.... giúp hỗ trợ tối đa trong việc thăm khám và thực hiện mọi kỹ thuật răng hàm mặt.

Thêm vào đó, Vinmec quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, tận tụy và hết lòng vì sức khỏe của người bệnh.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt tốt nghiệp cao học chuyên ngành Răng Hàm Mặt tại Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Đạt có thế mạnh về: làm thủ thuật nhổ răng khôn, chữa tuỷ, lấy cao răng, hàn răng nhẹ nhàng, ít sang chấn, giúp người bệnh giảm cảm giác đau tối đa; Thiết kế và làm răng sứ đẹp. Hiện nay, nha sĩ Đạt đang công tác tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan