Thăm khám chuyên sâu trong gây mê hồi sức

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Gây mê là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của ca phẫu thuật. Thăm khám sâu trong gây mê là một quy trình đòi hỏi sự chặt chẽ, tỉ mỉ từ phía bác sĩ gây mê và toàn bộ ê-kíp mổ.

1. Thế nào là gây mê?

Gây mê là quy trình sử dụng thuốc hoặc những biện pháp khác nhằm làm mất cảm giác hoặc phong tỏa cảm giác đau. Gây mê giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái và an toàn trong suốt quá trình phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân không chỉ đối mặt với cảm giác đau đớn mà thêm vào đó là tâm lý lo âu, sợ hãi. Vì vậy gây mê là quy trình không thể thiếu và quan trọng góp phần tạo nên sự thành công trong mỗi ca phẫu thuật. Thăm khám sâu trong gây mê là những sự chuẩn bị, theo dõi cần thiết trước, trong và sau khi phẫu thuật nhằm mang đến sự an toàn, hạn chế tối đa tai biến khi phẫu thuật.

Gây mê
Sử dụng thuốc trong gây mê

2. Quy trình khám trước gây mê

Mục đích thăm khám nhằm chuẩn bị và đánh giá tình trạng người bệnh phục vụ cho quá trình gây mê. Quy trình khám trước gây mê nhằm tìm hiểu về tiền sử gia đình, tiền sử bệnh tật, các bệnh lý kèm theo, tiên lượng những khó khăn, biến chứng có thể gặp trong quá trình gây mê. Ngoài ra việc làm các xét nghiệm lâm sàng cần thiết trước gây mê rất quan trọng trong quy trình chuẩn bị bệnh. Việc xây dựng mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân là bước cơ bản cần thiết đầu tiên, không chỉ nhằm mục đích đánh giá người bệnh, mà còn tư vấn, trấn an tinh thần người bệnh, khiến người bệnh tin tưởng và cảm thấy yên tâm trong suốt quá trình phẫu thuật.

Quy trình khám trước mê bao gồm: hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng.

2.1. Hỏi bệnh

Quá trình hỏi bệnh cần khai thác được các thông tin về

  • Tiền sử bệnh nội khoa: xem bệnh nhân có mắc các bệnh nội khoa hoặc bệnh mãn tính gì trước đây mà có khả năng ảnh hưởng tới việc dùng thuốc và hiệu quả của thuốc không. Ví dụ các bệnh về tim mạch, mạch vành, gan, dạ dày, tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, thận, các bệnh về hen suyễn, bệnh mãn tính đường hô hấp,...
  • Tiền sử điều trị các bệnh ngoại khoa: Tiền sử phẫu thuật ngoại khoa mà trước đây người bệnh đã trải qua, có gặp phải biến chứng nào không, thời gian hồi sức sau phẫu thuật là bao lâu,...
  • Tiền sử dị ứng: có tiền sử dị ứng với bất kỳ thuốc nào, dị ứng thời tiết, thức ăn, phấn hoa, lông thú, hóa chất,,...
  • Tiền sử về gia đình: Cần hỏi các bệnh có yếu tố gia đình và có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình gây mê.
  • Tiền sử điều trị thuốc: Cần hỏi bệnh nhân xem bệnh nhân có đang điều trị bằng thuốc nào đó không và có đang dùng một loại thuốc điều trị nào trong một khoảng thời gian dài không và cần phải cân nhắc thời gian bán thải của thuốc. Hướng dẫn bệnh nhân nếu cần dùng thuốc trong một khoảng thời gian cần thiết trước khi phẫu thuật.
  • Đánh giá tâm lý người bệnh trước phẫu thuật: Bác sĩ và nhân viên y tế cần đánh giá tâm lý người bệnh và từ đó có những tư vấn, động viên hợp lý để người bệnh không rơi vào tình trạng quá lo lắng, căng thẳng trước ca phẫu thuật.
Quá trình hỏi bệnh
Quá trình hỏi bệnh, khai thác thông tin người bệnh

2.2. Thăm khám lâm sàng

Bao gồm các quy trình

  • Khám toàn thân
  • Khám tim mạch
  • Khám hô hấp
  • Khám tiết niệu
  • Khám tiêu hóa

Thăm khám trước đặt nội khí quản trong trường hợp gây mê nội khí quản. Ngoài ra cần dự kiến, đánh giá các yếu tố dẫn đến đặt nội khí quản khó.

Sau khi khám, đánh giá các yếu tố ở người bệnh và sự tác động của loại phẫu thuật lên cơ thể người bệnh, bác sĩ gây mê hồi sức phải lập được kế hoạch gây mê hồi sức, chăm sóc người bệnh trước trong và sau mổ; phát hiện, phòng ngừa và kế hoạch xử trí những nguy cơ rủi ro liên quan đến bệnh lý đi kèm cũng như nguy cơ của phẫu thuật có thể xảy ra trong và sau mổ, điều trị đau cấp và mãn tính cho người bệnh...

2.3. Một số các xét nghiệm cơ bản trong quy trình khám trước mê

Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm sau để chuẩn bị cho quá trình gây mê: xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu, x-quang phổi, điện tim. Ngoài các xét nghiệm cơ bản kể trên bệnh nhân có thể được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết khác tùy theo bệnh lý kèm theo và tình trạng của từng người bệnh.

ECG điện tim điện tâm đồ
Người bệnh sẽ được làm điện tim trước khi gây mê

3. Theo dõi trong quá trình gây mê

Gây mê được chia làm 3 giai đoạn chính:

3.1. Giai đoạn tiền mê

Giai đoạn này bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng do tác dụng phụ của thuốc gây mê như dị ứng, tụt huyết áp, buồn nôn, nôn, suy hô hấp,... Vì vậy trong giai đoạn này cần theo dõi tình trạng toàn thân của bệnh nhân thường xuyên và lưu ý không để bệnh nhân một mình mà không có nhân viên y tế theo dõi.

3.2. Giai đoạn khởi mê

Một số biến chứng trong thời kỳ khởi mê

  • Đặt nội khí quản thất bại
  • Tổn thương vùng hầu họng do thao tác đặt nội khí quản mạnh bạo
  • Co thắt phế quản: Bệnh nhân có biểu hiện thở khò khè hoặc thở rít trong trường hợp co thắt không hoàn toàn. Nếu hô hấp bị đảo ngược, không thông khí được bằng mask. Đây là tình trạng cần theo dõi và xử trí nhanh vì co thắt thanh quản dẫn tới thiếu oxy và ngừng tim nếu không được xử trí kịp thời, đúng phương pháp.
Gây mê nội khí quản cho trẻ
Trẻ được gây mê bằng phương pháp đặt nội khí quản

  • Co thắt thanh quản: Nôn, trào ngược: trong trường hợp trào ngược dạ dày, tắc ruột gây ứ động ruột, hẹp môn vị, hôn mê, sốc, phụ nữ có thai, béo phì,...Chất nôn và trào ngược có thể gây ra co thắt phế quản và các biến chứng sau đó.
  • Hạ huyết áp, trụy tim mạch
  • Rối loạn nhịp tim
  • Nhịp xoang chậm
  • Nhịp xoang nhanh
  • Ngoại tâm thu

3.3. Giai đoạn duy trì mê

Cần theo dõi sát để đề phòng một số các biến chứng thường gặp trong trong quá trình duy trì mê như sau:

  • Sai lệch vị trí của ống nội khí quản
  • Thiếu oxy máu
  • Tăng CO2 máu
  • Tràn khí màng phổi
  • Co thắt phế quản
  • Một số các biến chứng về tuần hoàn
Tim ngưng đập monitor
Màn hình monitor theo dõi chỉ số sinh tồn

4. Giai đoạn thoát mê

  • Suy hô hấp
  • Co thắt thanh khí phế quản
  • Tăng huyết áp và mạch nhanh
  • Xẹp phổi
  • Tắc nghẽn đường hô hấp trên
  • Phù thanh môn cấp

Thăm khám sâu hay theo dõi trong quá trình gây mê là một quá trình tương đối phức tạp, đòi hỏi Bác sĩ gây mê cần được đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm. Ngoài ra cần có một ê-kíp phẫu thuật phối hợp nhịp nhàng và sự chuẩn bị tốt trước khi phẫu thuật là một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới sự thành công của ca mổ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan