Tổng quan về bệnh huyết áp thấp

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nhiều người thường lo sợ những nguy hiểm của huyết áp cao mà quên mất rằng huyết áp thấp cũng để lại hậu quả rất nghiêm trọng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Bệnh huyết áp thấp là gì?

Huyết áp là áp lực đẩy máu vào thành động mạch khi tim bơm máu. Huyết áp thấp là một bệnh lý tim mạch, được xác định khi chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg, trong đó, huyết áp tâm thu <90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương <60 mmHg.

Bệnh huyết áp thấp chia làm 2 loại là huyết áp thấp sinh lý và huyết áp bệnh lý.

  • Huyết áp sinh lý có thể do yếu tố gia đình, hoặc sống ở vùng núi cao.
  • Huyết áp bệnh lý: Do sự suy giảm chức năng của các cơ quan như tim, thận hoặc suy giảm hoạt động tuyến giáp, do hệ thống thần kinh thực vật của cơ thể không tự điều chỉnh được.

2. Dấu hiệu huyết áp thấp

Nhiều người lầm tưởng huyết áp thấp không nguy hiểm bằng huyết áp cao. Nhưng thực tế, bệnh huyết áp thấp để lại những triệu chứng và hậu quả nghiêm trọng như:

  • Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt: Xuất hiện khi thay đổi tư thế đột ngột ví dụ như đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, hoặc khi vừa ngủ dậy. Lúc này, người bệnh cảm thấy mọi vật đang xoay trong và không kiểm soát được.
Chóng mặt do thiếu máu
Chóng mặt khi thay đổi tư thế bất ngờ
  • Đau đầu dữ dội hoặc mê sảng: Khi não làm việc căng thẳng và hoạt động thể lực nặng thì cơn đau đầu càng tăng lên. Mức độ và tính chất cơn đau ở mỗi người là khác nhau, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu.
  • Ngất: Khi huyết áp hạ quá mức nghiêm trọng bệnh nhân có thể sẽ có triệu chứng ngất, nếu không can thiệp kịp thời có thể rơi vào cơn ngất đột ngột và gây ra những chấn thương nghiêm trọng khác.
  • Giảm tập trung: Bệnh huyết áp thấp làm cho máu không đủ cung cấp đến não, dẫn tới tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, gây ra tình trạng giảm khả năng tập trung ở người bệnh huyết áp thấp.
  • Da lạnh và nhợt nhạt: Khi huyết áp thấp chân tay thường tê cóng và lạnh do cơ thể không duy trì được việc tưới máu và cung cấp oxy đến da làm giảm thân nhiệt.
  • Mờ mắt: Bệnh huyết áp thấp sẽ xuất hiện dấu hiệu mất thính giác, thị lực giảm. Tình trạng mờ mắt đột ngột có thể gây nguy hiểm nếu như đang di chuyển trên đường.
  • Mệt mỏi: Thường xuất hiện vào buổi sáng, người bệnh thường cảm thấy tinh thần mệt mỏi. Sự mệt mỏi thường liên quan đến rối loạn chức năng hệ thần kinh do các cơ bị co thắt quá mức
  • Buồn nôn: Có cảm giác buồn nôn, lợm giọng.
  • Nhịp tim nhanh, thở nhanh, nông: Huyết áp xuống thấp dẫn tới cơ thể thiếu oxy, khiến cho tim và phổi phải tăng cường hoạt động để bù phần thiếu hụt gây ra tình trạng nhịp tim nhanh và nhịp thở nhanh.
Băng huyết sau sinh dẫn tới huyết áp thấp phải làm sao
Huyết áp thấp khiên tim phải hoạt động nhiều để bù oxy cho cơ thể

3. Đối tượng nguy cơ dễ bị bệnh huyết áp thấp

Những người dễ mắc bệnh huyết áp thấp như:

  • Phụ nữ có thai:Trong khoảng 24 tuần đầu của thai kỳ, huyết áp tâm thu thường giảm 5-10 mmHg, và huyết áp tâm trương giảm mạnh từ 10-15 mmHg. Tuy nhiên, điều này lại hết sức bình thường đối với phụ nữ mang thai vì sau đó huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sinh con.
  • Người bị các vấn đề về tim: Một số bệnh nhân bị tim mạch có thể dẫn đến bệnh huyết áp thấp bao gồm nhịp tim chậm, các vấn đề van tim, bệnh lý mạch vành và suy tim. Các điều kiện này có thể gây hạ huyết áp, vì ngăn chặn cơ thể có thể lưu thông máu đầy đủ.
  • Người mắc các bệnh về nội tiết: Đó là những người có tuyến giáp kém, hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức, cả 2 hiện tượng này có thể gây hạ huyết áp. Ngoài ra, một số người bị suy thượng thận (bệnh Addison), đường huyết thấp (hạ đường huyết) và trong một số trường hợp, bệnh tiểu đường có thể gây ra bệnh huyết áp thấp.
  • Người bị mất nước: Khi cơ thể bị mất nước, có thể dẫn đến tình trạng cơ thể yếu, chóng mặt và mệt mỏi. Sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc lợi tiểu và tập luyện vất vả tất cả có thể dẫn đến mất nước.
  • Người bị mất máu: Mất máu do ảnh hưởng của vết thương lớn hoặc chảy máu nội bộ làm giảm lượng máu trong cơ thể, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về huyết áp.
  • Người bị nhiễm trùng nặng: Nhiễm trùng trong cơ thể có thể dẫn đến hiện tượng nhiễm khuẩn huyết nếu nhiễm trùng đi vào máu, từ đó có thể đe dọa mạng sống, tình trạng huyết áp giảm được gọi là sốc nhiễm khuẩn.
sốc nhiễm khuẩn
Nhiễm trùng nặng đi vào máu dễ gây ra huyết áp thấp
  • Người bị dị ứng trầm trọng hay còn gọi là shock phản vệ: Shock phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, và có thể gây khó thở,
  • Người bị thiếu chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống: Tình trạng thiếu các vitamin B12 và folate có thể gây ra thiếu máu. Đây là khi cơ thể không sản xuất đủ các tế bào máu đỏ và gây ra hạ huyết áp.
  • Người phải sử dụng thuốc điều trị gây huyết áp thấp: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là giảm huyết áp như thuốc lợi tiểu (thuốc nước), alpha blockers, Beta blockers, thuốc cho bệnh Parkinson, một số loại thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng), Sildenafil (Viagra), đặc biệt kết hợp với một thuốc tim, nitroglycerine.

4. Cách phòng ngừa huyết áp thấp

Chế độ dinh dưỡng:

  • Nên ăn mặn hơn người bình thường. Lượng muối nên ăn khoảng 10-15g/ ngày ở những người bệnh huyết áp thấp.
  • Ăn nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt với những người gầy, nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng để cân nặng ổn định.
  • Bổ sung chất đạm như thịt, cá trong mỗi bữa ăn. Tăng cường ăn trứng, đậu tương và rau quả để bổ sung vitamin, chất xơ và chất khoáng. Nên ăn nhiều bữa nhỏ để dễ tiêu. Uống các loại nước có tác dụng nâng huyết áp như trà sâm, trà gừng, trà đặc, cà phê.
  • Không nên sử dụng những loại thức ăn lợi tiểu ví dụ như: râu ngô, rau cải, dưa hấu, bí ngô,...
nước râu ngô lợi tiểu
Hạn chế thực phẩm lợi tiểu như nước râu ngô

Thay đổi chế độ sinh hoạt

  • Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc khoảng 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
  • Người bị bệnh huyết áp thấp rất hay bị hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, nên khi ngồi dậy phải từ từ. Nằm ngủ nên để đầu thấp, chân cao.
  • Người bệnh cũng nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và nhất là bình tĩnh. Tránh những xúc động mạnh như: lo lắng, sợ hãi, chán nản có thể làm huyết áp hạ thêm.
  • Về chế độ luyện tập, người bệnh nên tập thể dục thể thao đều đặn, mỗi ngày nên tập thể dục ít nhất 10-15 phút. Có thể bắt đầu từ những môn nhẹ như đi bộ, cầu lông, bóng bàn, rồi nặng hơn như bơi, chạy, bơi, điền kinh, tennis cử tạ,... Nên tránh các môn dễ gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy đu,...
  • Thường xuyên theo dõi huyết áp của mình bằng cách sử dụng máy đo huyết áp tại nhà hoặc đến các trung tâm y tế để kiểm tra và có biện pháp xử lý cũng như hướng điều trị kịp thời.

Tóm lại, huyết áp thấp là một bệnh có thể để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm. Người bị bệnh huyết áp thấp thường cảm thấy chóng mặt, đau đầu, mắt nhìn mờ,... Do vậy, khi thấy có những biểu hiện trên cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

214.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan