Tổng quan về hội chứng rễ thần kinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hội chứng rễ thần kinh là tập hợp những vấn đề có liên quan đến các rễ thần kinh cột sống. Tình trạng này thường gây ra những biểu hiện là đau, tê hoặc yếu các nhóm cơ tùy vào vị trí của các rễ thần kinh chi phối. Trong đó, nguyên nhân và vị trí thường gặp nhất là do chèn ép và tại vùng thắt lưng.

1. Hội chứng rễ thần kinh là gì?

Rễ thần kinh là một đơn vị giải phẫu chỉ phần đoạn đầu của một dây thần kinh khi rời khỏi hệ thống thần kinh trung ương từ tủy sống. Các loại rễ thần kinh được phân loại từ vào loại dây thần kinh, bao gồm:

  • Rễ thần kinh sọ là đoạn đầu của từng một trong 12 cặp dây thần kinh sọ khi rời khỏi hệ thống thần kinh trung ương từ thân não hoặc tại mức cao nhất của tủy sống.
  • Rễ thần kinh cột sống là đoạn đầu hoặc đoạn gần nhất của một trong 31 cặp dây thần kinh rời khỏi hệ thống thần kinh trung ương từ tủy sống. Mỗi dây thần kinh đi ra từ tủy sống được hình thành bởi sự kết hợp của một rễ thần kinh cảm giác (dẫn truyền tín hiệu hướng tâm) và một rễ thần kinh vận động (dẫn truyền tín hiệu ly tâm). Điều này có nghĩa là có đến 62 cặp rễ lưng và bụng cho cả hai bên thân mình.

Tất cả các tổn thương trên rễ thần kinh là thuộc hội chứng rễ thần kinh. Trong đó, dấu hiệu hội chứng rễ thần kinh thường gặp là có thể gây tê liệt phần cơ bắp hay rối loạn cảm giác trên vùng da thân mình tại vị trí do dây thần kinh cột sống chi phối. Nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng rễ thần kinh là do chèn ép, chấn thương hay các ảnh hưởng bởi bệnh lao cột sống, ung thư, viêm cột sống.

Trong đó, một chẩn đoán phổ biến nhất thuộc hội chứng rễ thần kinhđau thần kinh tọa. Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, đôi khi đã có từ trước trong vài năm, là đau vùng thắt lưng và cơn đau, kèm cảm giác tê lan xuống hai chân.

Tương tự như các hội chứng rễ thần kinh nói chung, nếu đau thần kinh tọa không được phát hiện và điều trị sớm, các cơn đau gây ảnh hưởng rất lớn đến những sinh hoạt hằng ngày cũng như tâm lý, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hội chứng rễ thần kinh
Dây thần kinh bị chèn ép gây ra hội chứng rễ thần kinh

2. Dấu hiệu hội chứng rễ thần kinh là gì?

Do một cặp rễ thần kinh chứa hai thần phần là một rễ thần kinh cảm giác (dẫn truyền tín hiệu hướng tâm) và một rễ thần kinh vận động (dẫn truyền tín hiệu ly tâm), dấu hiệu hội chứng rễ thần kinh sẽ biểu hiện cùng lúc rất đa dạng, bao gồm:

  • Đau nhức lưng, nhất là vùng cột sống cổ hay vùng cột sống thắt lưng;
  • Co thắt các cơ bắp;
  • Giảm khả năng cử động cột sống;
  • Ấn có các điểm đau chói trên cột sống;
  • Cơn đau lan theo vùng dây thần kinh tại vị trí chi phối.
Đau vùng thắt lưng
Đau lưng là một triệu chứng của hội chứng rễ thần kinh

3. Dấu hiệu hội chứng rễ thần kinh theo từng vị trí thường gặp

3.1 Hội chứng rễ thần kinh chi trên

  • Rễ thần kinh C5: Đau tại vị trí được tìm thấy và lan dọc theo bên ngoài cánh tay, làm yếu các cơ tại vùng cánh tay. Điều này phân biệt với các bệnh yếu cơ bẩm sinh là xảy ra tại cơ delta, cơ hình trám.
  • Rễ thần kinh C6: Đau được tìm thấy dọc theo mặt trước của cánh tay bị ảnh hưởng, làm hạn chế sấp ngửa cẳng tay.
  • Rễ thần kinh C7: Đau được tìm thấy dọc theo ngón giữa của cánh tay bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng uốn cong cổ tay, duỗi ngón tay.

3.2 Hội chứng rễ thần kinh chi dưới

Những tổn thương trong hội chứng rễ thần kinh chi dưới không chỉ làm yếu cơ, rối loạn cảm giác mà tại chi dưới còn có thể gây ra triệu chứng của vẹo cột sống, co thắt cơ bắp và đau thắt lưng mạn tính.

  • Rễ thần kinh L4: Đau nằm ở phía trước đùi và cẳng chân, tiếp tục lan ra phía mắt cá chân bên trong hay đôi khi là ngón chân giữa. Thỉnh thoảng, cơn đau làm yếu cơ tứ đầu và làm phản xạ xương bánh chè trở nên yếu hơn.
  • Rễ thần kinh L5: Cơn đau lan sang bên đùi và cẳng chân dưới về phía sau bàn chân và ngón chân 1-3. May mắn là tất cả các phản xạ đều được bảo tồn.
  • Rễ thần kinh S1: Cơn đau lan tỏa đến phía sau đùi và tại cẳng chân đến mắt cá chân, đôi khi lên đến ngón chân thứ tư. Hệ quả còn là gây yếu nhóm các cơ mông và gặp khó khăn khi đứng trên ngón chân.

4. Các nguyên nhân gây ra hội chứng rễ thần kinh và chẩn đoán như thế nào?

Hội chứng rễ thần kinh có thể xảy ra khi rễ thần kinh trong cột sống bị kích thích hoặc chèn ép bởi một trong nhiều tình trạng sau đây như thoát vị đĩa đệm cột sống, hẹp ống sống, thoái hóa cột sống, hình thành gai xương hay hiếm gặp là các trường hợp có u bướu nội tủy hay từ bên ngoài gây chèn vào.

Việc chẩn đoán hội chứng rễ thần kinh sẽ bắt đầu bằng khai thác tiền sử, những dấu hiệu qua thăm khám các triệu chứng thực thể. Trong đó, bác sĩ sẽ tìm kiếm các hạn chế vận động ở cột sống, các vấn đề về duy trì trạng thái cân bằng cơ thể cũng như bất kỳ sự mất hiện diện phản xạ tại tứ chi, yếu cơ, mất cảm giác hoặc phản xạ bất thường do nguyên nhân tủy sống.

Ngoài ra, các phương tiện hình ảnh học cũng có vai trò trong chẩn đoán hội chứng rễ thần kinh. Một phim X-quang thẳng để đánh giá tư thế, cấu trúc của cột sống và chụp cộng hưởng từ giúp đánh giá cấu trúc tủy sống và rễ thần kinh đi ra là các xét nghiệm hình ảnh điển hình được sử dụng để khảo sát bệnh lý tại cột sống nói chung, chẩn đoán hội chứng rễ thần kinh nói riêng. Tuy nhiên, nếu người bệnh có các chống chỉ định của việc chụp cộng hưởng từ thì chụp cắt lớp vi tính sẽ được chỉ định thay thế.

Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm gây ra hội chứng rễ thần kinh

5. Làm sao để điều trị hội chứng rễ thần kinh?

Các phương thức điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và giai đoạn của bệnh, được chia thành hai nhóm lớn:

5.1 Các điều trị không phẫu thuật

Vật lý trị liệu và/hoặc các bài tập được thiết kế để ổn định cột sống và tạo điều kiện mở rộng không gian thoát ra cho các rễ thần kinh trên cột sống. Điều này là rất cần thiết trong giai đoạn cấp tính, người bệnh được hướng dẫn tập các bài tập kéo và thư giãn cơ.

Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm sưng và đau và thuốc giảm đau để giảm đau.

Tiêm steroid ngoài màng cứng và tiêm rễ thần kinh để giúp giảm sưng và điều trị cơn đau cấp tính lan tỏa rộng hoặc xuống chân.

Tập vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn
Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị không phẫu thuật hiệu quả

5.2 Các can thiệp phẫu thuật

Phẫu thuật sẽ được sử dụng khi các phương pháp nêu trên không mang lại kết quả. Tuy nhiên, phẫu thuật lại là chỉ định đầu tay, nên được thực hiện càng sớm càng tốt trong các hội chứng rễ thần kinh bị chèn ép cấp tính sau chấn thương nhằm tránh mắc phải di chứng tê liệt cơ bắp không hồi phục về lâu dài.

Mục tiêu thông thường của các phương pháp ngoại khoa là tìm cách giải nén trên dây thần kinh và ổn định cột sống.

Tóm lại, hội chứng rễ thần kinh là những tổn thương xảy ra tại vị trí xuất phát của dây thần kinh đi ra từ tủy sống. Do chức năng của rễ thần kinh rất quan trọng, tiếp nhận cảm giác và điều khiển vận động một vùng rộng trên cơ thể, việc tìm kiếm nguyên nhân và điều trị phù hợp là cần thiết, phòng tránh di chứng tàn phế về sau.

Để hiệu quả điều trị đạt được kết quả tốt, thời gian phát hiện ra bệnh rất quan trọng, tỉ lệ thuận với kết quả điều trị. Ngay khi xuất hiện những triệu chứng bất thường, bạn nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan