Tràn máu - tràn khí màng phổi trong chấn thương ngực kín

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tràn máu- tràn khí màng phổi xảy ra trên 85% các chấn thương ngực kín. Đây là một bệnh cảnh nghiêm trọng, có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh, cần được can thiệp cấp cứu kịp thời.

1. Tràn máu- tràn khí màng phổi trong chấn thương ngực kín

Chấn thương ngực kín là tình trạng chấn thương gây tổn thương thành ngực và các cơ quan trong lồng ngực nhưng thành ngực vẫn kín, khoang màng phổi không thông với không khí bên ngoài. Chấn thương ngực kín thường do thành ngực bị một vật tù đập vào hoặc ngực bị đè ép bởi hai vật cứng. Chấn thương ngực kín gây ảnh hưởng trực tiếp đến hô hấp và tuần hoàn, người bệnh có thể tử vong trong thời gian ngắn, do đó cần được cấp cứu tích cực.

Tràn máu - tràn khí màng phổi là một trong các thể bệnh thường gặp nhất khi xảy ra chấn thương ngực kín, xảy ra ở trên 85% các chấn thương lồng ngực thông thường. Trong điều kiện bình thường, khoang màng phổi là khoang không có không khí, áp suất âm từ -10mmHg đến -12mmHg. Áp suất âm giúp phổi nở ra trong khi hô hấp. Khi bị chấn thương ngực kín, không khí vào khoang màng phổi thường từ chỗ rách nhu mô phổi, máu vào khoang màng phổi từ chỗ rách nhu mô phổi, ổ gãy xương sườn và thương tổn các tạng trong lồng ngực. Máu nằm ở vùng thấp, khí nằm ở vùng cao. Máu và khí sẽ choán chỗ và đè đẩy nhu mô phổi, gây mất áp lực âm trong khoang màng phổi, gây xẹp phổi, trung thất sẽ bị đẩy sang bên đối diện.

Xẹp phổi kèm khó thở phải làm sao?
Tràn máu - tràn khí màng phổi dẫn đến xẹp phổi

Nếu tràn khí màng phổi xảy ra ở mức độ lớn hơn tràn máu màng phổi, triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nặng hơn tràn khí màng phổi thông thường. Nếu tràn khí màng phổi quá nhiều, có thể gây tràn khí dưới da, thậm chí lan ra toàn bộ ngực-bụng- cổ- mặt. Nguyên nhân thường do rách nhu mô phổi nhiều hoặc do rách các phế quản lớn.

Khi tràn máu màng phổi chấn thương xảy ra ở mức độ lớn hơn tràn khí màng phổi, các triệu chứng lâm sàng và X-quang giống như một tràn máu màng phổi đơn thuần. Nguyên nhân do diện dập, rách nhu mô phổi nhỏ làm lượng khí vào màng phổi ít hoặc đứt các mạch máu lớn của thành ngực gây chảy máu nhiều.

2. Chẩn đoán tràn máu màng phổi- tràn khí màng phổi

Chẩn đoán tràn máu màng phổi - tràn khí màng phổi dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng.

Triệu chứng lâm sàng:

  • Bệnh nhân khó thở và đau ngực liên tục, tăng dần. Với các chấn thương nặng, khó thở và đau ngực sẽ xuất hiện ngay sau chấn thương. Với các thương tổn thể nhẹ, các triệu chứng sẽ xuất hiện muộn, khi số lượng máu và khí trong khoang màng phổi đủ lớn để gây triệu chứng.
  • Ở thể nhẹ, bệnh nhân ít có các dấu hiệu toàn thân. Nhưng khi tràn máu- tràn khí khoang màng phổi mức độ nặng, người bệnh sẽ có các biểu hiện suy hô hấp như tím môi- đầu chi, mạch nhanh, độ bão hòa oxy SpO2 giam, vã mồ hôi. Có thể xuất hiện các biểu hiện thiếu máu như da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, chân tay lạnh, vã mồ hôi.
  • Các dấu hiệu thực thể tại lồng ngực và bộ máy hô hấp gồm: Biên độ hô hấp giảm ở bên ngực thương tổn, bệnh nhân thở nhanh nông, có triệu chứng phập phồng cánh mũi, co kéo các cơ hô hấp ở cổ, ngực khi hít vào.
Đau tức ngực
Khó thở và đau tức ngực liên tục có thể là dấu hiệu của tràn khí màng phổi

Kết quả cận lâm sàng:

  • Phim X-quang thấy hình ảnh xương sườn di lệch rõ, hình ảnh tràn khí dưới da, trung thấy bị đẩy sang bên lành. Nếu phim chụp ở tư thế đứng, hình ảnh tràn máu- tràn khí màng phổi điển hình là dấu hiệu máu tràn máu ở thấp phân cách với dấu hiệu tràn khí ở cao bằng một đường thẳng ngang.
  • Xét nghiệm huyết học: bạch cầu tăng cao, có thể có dấu hiệu thiếu máu.
  • Chụp cắt lớp vi tính: thấy hình ảnh rõ ràng và tràn máu- tràn khí màng phổi, dựa vào chụp CLVT có thể đánh giá mức độ và có thái độ xử trí đúng đắn trên các bệnh nhân này.
  • Siêu âm màng phổi: thấy có dịch máu trong khoang màng phổi.

3. Điều trị tràn máu- tràn khí màng phổi chấn thương

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, nhanh chóng làm thông thoáng đường thở, cho bệnh nhân thở oxy. Tích cực hồi sức, truyền dịch, truyền máu nếu có sốc mất máu. Cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh, tiêm phòng uốn ván nếu có xây xát. Sau đó, chuyển bệnh nhân vào phòng mổ. Nếu bệnh nhân bị tràn khí mức độ nặng, cần chọc kim vào khoang màng phổi và tổ chức dưới da để giảm áp, sau đó chuyển bệnh nhân ngay vào phòng mổ.

Thở oxy
Cho bệnh nhân thở oxy đề duy trì hô hấp trước khi phẫu thuật

Các can thiệp ngoại khoa:

  • Dẫn lưu tối thiểu khoang màng phổi: tiến hành vô cảm bằng gây tê tại chỗ, dẫn lưu qua khoang liên sườn 5- đường nách giữa. Nếu tràn khí nhiều, có thể đặt thêm một dẫn lưu khí qua khoang liên sườn 2- đường giữa đòn.
  • Khi dẫn lưu ra máu ngay > 1500ml trong vòng 6 giờ sau khi bị thương hoặc theo dõi sau dẫn lưu thấy ra máu >200ml trong 3 giờ liền. Cân nhắc chỉ định mở ngực để tiến hành cầm máu các tổn thương mạch máu lớn ở thành ngực và nhu mô phổi.
  • Nếu dẫn lưu ra khí nhiều, phổi không nở, huyết động không cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định mở ngực khâu các chỗ rách phổi- phế quản.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập liệu pháp hô hấp để tránh xẹp phổi, sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm, thuốc ho long đờm để dự phòng nhiễm trùng và giảm các triệu chứng. Hầu hết các bệnh nhân tràn máu- tràn khí màng phổi trong chấn thương ngực kín có tiên lượng tốt nếu được điều trị tích cực, đúng phương pháp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan