Ưu điểm của tán sỏi thận ngoài cơ thể

Hiện đang có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận được áp dụng. Trong đó, phương pháp tán sỏi thận ngoài cơ thể mang lại hiệu quả điều trị cao và ít gây sang chấn cho bệnh nhân.

1. Tổng quan về bệnh sỏi thận

Trên thế giới, sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng là bệnh lý phổ biến, chiếm tỷ lệ 2 - 14% dân số. Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân sỏi tiết niệu chiếm khoảng 1 - 3% dân số và là bệnh lý hay gặp nhất trong chuyên khoa tiết niệu.

Sỏi thận là quá trình tích tụ các chất cặn bã lâu ngày trong cơ thể, hình thành những tinh thể rắn. Những viên sỏi thận có nhiều kích thước khác nhau. Bệnh phát triển âm thầm cho tới khi có các biểu hiện rõ rệt như: đau vùng bụng giữa xương sườn và hông, đau ở hông hoặc giữa lưng, cơn đau lan tỏa xuống vùng bụng dưới, đi kèm cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói, tiểu buốt, nước tiểu có mùi hôi hoặc lẫn máu, đái tắc từng lúc hoặc hoàn toàn, có thể tiểu ra sỏi, sốt cao, rét run, đái dắt, đái mủ,... Nếu không điều trị, sỏi sẽ rơi xuống niệu quản hoặc phát triển tại chỗ, gây tổn thương thận.

Bệnh sỏi thận gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh dễ mắc phải do thói quen ăn uống kém khoa học (ăn nhiều muối, uống ít nước) và có nguy cơ cao ở những người mắc các bệnh tiêu hóa, bệnh gút, người bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời gian dài, công việc đặc thù (phi công, công an, vận động viên, lái xe,...) và người có thói quen ăn khô.

Trước đây, phẫu thuật mở là lựa chọn đầu tiên khi điều trị sỏi thận. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các phương pháp can thiệp ít xâm lấn khác như tán sỏi ngoài cơ thể trở thành lựa chọn tối ưu hơn cho các bệnh nhân.

Sỏi thận
Bệnh sỏi thận gây ra các cơn đau

2. Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là gì?

Hiện có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận nhưng tán sỏi ngoài cơ thể vẫn là giải pháp tiên tiến, hiện đại và hiệu quả nhất. Phương pháp này sử dụng máy tán sỏi ngoài cơ thể, hoạt động theo nguyên lý sử dụng sóng xung kích hội tụ tập trung vào viên sỏi với một áp lực lớn, làm viên sỏi vỡ ra theo 2 cơ chế nén và lực kéo. Sau đó các mảnh sỏi theo nước tiểu thải từ niệu quản, xuống bàng quang và theo đường tiểu ra ngoài trong khoảng 7 - 15 ngày.

Hiện có 4 hệ thống máy phát xung kích khác nhau được sử dụng để tán sỏi ngoài cơ thể gồm: Hệ thống điện từ trường, hệ thống điện thủy lực, sóng gốm điện áp và sóng nổ.

3. Ưu điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

  • Điều trị nhẹ nhàng, ít đau, nhanh chóng (thời gian thực hiện chỉ khoảng 1 giờ), hồi phục sức khỏe nhanh;
  • Không gây tổn thương các cơ quan nội tạng lân cận trong cơ thể;
  • Người bệnh không phải nằm viện, rút ngắn thời gian và chi phí điều trị;
  • Không thực hiện phẫu thuật mở nên hạn chế được các biến chứng sau mổ;
  • Khắc phục được hiện tượng sót sỏi;
  • Ít gây tổn hại đến thận vì ảnh hưởng của tán sỏi ngoài cơ thể tới chức năng thận chỉ có tỷ lệ dưới 1%. Trong khi đó, nếu dùng phương pháp mổ mở lấy sỏi thì có thể làm mất đi trên 30% chức năng thận do các đường rạch trên nhu mô thận.
Khám bệnh
Tán sỏi ngoài cơ thể người bệnh không phải nằm viện

4. Chỉ định/chống chỉ định tán sỏi thận ngoài cơ thể

4.1 Chỉ định

Nếu chức năng thận còn tốt và kích thước sỏi dưới 2cm, thì có thể tán sỏi qua da. Khi chỉ định điều trị tán sỏi thận ngoài cơ thể cần căn cứ vào các tiêu chí sau:

  • Kích thước sỏi: Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị tốt với những trường hợp có sỏi kích thước dưới 20mm. Những trường hợp có sỏi lớn hơn cần phải cân nhắc cụ thể trong từng trường hợp cụ thể như mức độ cản quang, vị trí sỏi trong thận, số lượng sỏi, diện tích bề mặt sỏi,... Ở những trường hợp này, cần phải kết hợp với lấy sỏi thận qua da để tăng hiệu quả điều trị hết sỏi;
  • Vị trí sỏi: Sỏi bể thận tán dễ vỡ nhất; sỏi niệu quản tán phần trên có nước tiểu dễ vỡ hơn phần dưới. Sỏi đài thận ở đài trên và đài giữa có tỷ lệ thành công 75 - 80%, sỏi đài dưới có kết quả thành công 60% vì khó đào thải qua bể thận hơn;
  • Thành phần hóa học của sỏi: Sỏi quá rắn hoặc quá mềm khó tán vì khó vỡ hoặc nếu vỡ lại quánh lại với nhau, không đào thải được. Sỏi Struvite dễ vỡ nhưng dễ gây nhiễm khuẩn niệu, mảnh sỏi khó đào thải và dễ gây tái phát. Ở những bệnh nhân có sỏi thận khó vỡ khi tán (sỏi brushite, cystine, calcium oxalate, monohydrate), tán sỏi ngoài cơ thể chỉ nên sử dụng với những viên sỏi có kích thước nhỏ và nếu thất bại trong 2 lần tán sỏi thì nên lựa chọn phương pháp điều trị khác;
  • Số lượng sỏi: Nên tán sỏi khi có 1 - 2 viên. Nếu số lượng sỏi quá nhiều, không tập trung thì việc tán sỏi sẽ rất khó khăn, phải tán nhiều lần;
  • Sỏi chưa có triệu chứng: Bệnh nhân có sỏi thận chưa có triệu chứng, đang làm việc trong những nghề nghiệp đặc biệt không cho phép ngừng việc giữa chừng;
  • Tán sỏi sau một số phương pháp điều trị: Sót sỏi, sỏi tái phát sau phẫu thuật, mảnh sỏi còn lại sau lấy sỏi thận qua da,...
Sỏi thận 6mm
Hình ảnh sỏi thận

4.2 Chống chỉ định

Chống chỉ định thực hiện tán sỏi thận ngoài cơ thể với những trường hợp bệnh nhân sau:

  • Phụ nữ mang thai: Vì tán sỏi ngoài cơ thể tạo sóng xung kích có thể ảnh hưởng lên thai nhi;
  • Rối loạn đông chảy máu: Tán sỏi ngoài cơ thể có thể dẫn đến tụ máu cấp tính dưới bao, trong thận hoặc đái máu dai dẳng, đau quặn thận do máu cục. Với trường hợp này, nên điều trị sỏi thận bằng nội soi niệu quản với máy tán sỏi laser;
  • Phình động mạch chủ bụng hoặc động mạch thận;
  • Với bệnh nhân dùng thuốc ngưng tập tiểu cầu: Cần ngừng sử dụng aspirin trước khi tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể một khoảng thời gian tùy thuộc vào liều lượng thuốc mà người bệnh sử dụng;
  • Với người bệnh nhiễm trùng đường tiểu: Cần kiểm soát đầy đủ trước tán sỏi thận ngoài cơ thể;
  • Cẩn trọng với một số yếu tố khác: Chiều cao, trọng lượng cơ thể (không phù hợp với kích cỡ bàn tán sỏi ngoài cơ thể), sự bất thường về giải phẫu (cột sống chia đôi hoặc vẹo, gù cột sống), người bệnh khó thở do phổi hay tim mạch, tắc nghẽn đường tống sỏi, sỏi rất cứng,...

5. Quy trình thực hiện tán sỏi thận ngoài cơ thể

  • Bệnh nhân được chẩn đoán chính xác tình trạng, vị trí sỏi thận;
  • Bệnh nhân nằm lên bàn của máy tán sỏi;
  • Bác sĩ tiền mê nhẹ, sử dụng hệ thống định vị để xác định vị trí sỏi;
  • Bác sĩ điều khiển sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi, phát xung để tán sỏi;
  • Năng lượng tạo nên từ sóng xung kích của máy sẽ tập trung vào viên sỏi, phá vỡ sỏi.

Trung bình, mỗi liệu trình điều trị sử dụng không quá 3.000 nhịp sóng xung kích để tán vỡ sỏi mà vẫn đảm bảo an toàn cho nhu mô thận. Thời gian cho một lần tán sỏi thường kéo dài khoảng 1 giờ. Sau khi tán sỏi, bệnh nhân có thể ra về, không cần ở lại viện.

Tán sỏi thận ngoài cơ thể
Tán sỏi thận ngoài cơ thể dùng sóng xung kích

6. Lưu ý sau khi tán sỏi thận ngoài cơ thể

  • Bệnh nhân có thể bị đau nhẹ vùng lưng và đái máu thoáng qua, thường không cần phải sử dụng thuốc;
  • Bệnh nhân nên uống 2 - 3 lít nước/ngày để tăng cường đào thải các mảnh sỏi ra ngoài qua nước tiểu;
  • Nếu có biến chứng bất thường cần đi khám ngay;
  • Tái khám định kỳ đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Để bệnh sỏi thận không tái phát, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Giảm lượng thức ăn chứa nhiều canxi, oxalat như nước chè, socola, dâu tây, quả hạnh, đạm động vật,...;
  • Mỗi ngày nên uống 1,5 - 2 lít nước, tăng cường dùng nước đậu đen, nước bột sắn, nước hoa quả có tính mát, lợi tiểu và đào thải canxi;
  • Không nên ăn nhiều lòng lợn, óc động vật,...;
  • Uống một số loại thuốc giúp kiểm soát lượng khoáng chất trong nước tiểu.

Phát hiện sỏi thận khi sỏi còn nhỏ, phối hợp với tán sỏi thận ngoài cơ thể là một chiến lược trong điều trị bệnh nhằm mang lại hiệu quả cao về kinh tế, sức khỏe. Ngoài ra, vì sự phức tạp của các loại sỏi, còn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị sỏi thận khác như tán sỏi qua da, nội soi niệu quản, phẫu thuật thông thường,...

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan