Vì sao bạn bị mù màu?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng, Bác sĩ Mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bệnh mù màu hay còn gọi là rối loạn sắc giác hay loạn sắc giác là một bệnh về mắt làm cho người ta có thể nhìn rõ mọi vật nhưng không thể phân biệt được một số màu sắc nhất định. Bệnh không ảnh hưởng đến khả năng sống của người mắc bệnh nên những người bị bệnh vẫn có thể sinh sống và sinh sản bình thường, vì vậy gen bệnh có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng.

1. Bệnh mù màu là gì?

Mù màu hay còn được gọi là bệnh rối loạn sắc giác là tình trạng mắt không có khả năng phân biệt được màu sắc của sự vật như màu đỏ, màu xanh lá, xanh biển hoặc khi pha trộn giữa các màu này với nhau.

Người bị mù màu vẫn có thể nhìn rõ sự vật, hiện tượng tuy nhiên khả năng nhận biết màu sắc của họ bị giảm, hiếm gặp trường hợp mù màu đa sắc hay không thể nhìn thấy màu gì. Bệnh mù màu không có khả năng ảnh hưởng đến vấn đề sống sót cũng như sinh sản của người bị mù màu, tuy nhiên gen bệnh có thể di truyền cho thế hệ sau.

Sự phân tích màu sắc chủ yếu do các tế bào nón đảm nhận, đây là những tế bào tập trung ở hố trung tâm của võng mạc. Khi các tế bào nón này mất khả năng phân biệt màu sắc sẽ gây ra rối loạn sắc giác hay bệnh mù màu.

2. Vì sao bị bệnh mù màu?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ cũng như là nguyên nhân gây ra bệnh mù màu. Những nguyên nhân được cho là thường gặp nhất gây ra bệnh mù màu:

  • Rối loạn di truyền: bị mù màu do bẩm sinh là tình trạng thường gặp với tỷ lệ nam giới bị bệnh nhiều hơn nữ giới. Họ sẽ mất khả năng nhìn thấy màu xanh (thường gặp) hoặc màu vàng (hiếm gặp hơn). Tùy vào mức độ mà chia bệnh mù màu thành các thể nhẹ, nặng hoặc trung bình. Mức độ nghiêm trọng thường không thay đổi và có thể nguy cơ ảnh hưởng đến cả 2 mắt.
  • Tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc: một số loại thuốc có khả năng làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt màu sắc gây ra bệnh mù màu như thuốc tim mạch, huyết áp, rối loạn cương dương, nhiễm trùng, rối loạn thần kinh...
  • Biến chứng khi mắc một số bệnh mạn tính khác: tiểu đường, tim mạch, tăng nhãn áp, Alzheimer, Parkinson, bạch cầu và thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm có thể làm ảnh hưởng đến thị giác của bạn gây ra bệnh mù màu. Những trường hợp này thường bị mù màu một bên mắt, đôi khi cả hai mắt. Sau khi điều trị bệnh mù màu có thể thuyên giảm và phục hồi.
  • Tình trạng lão hóa: thị lực và khả năng phân biệt màu sắc cũng giảm dần khi độ tuổi tăng gây ra tình trạng mù màu ở người già.
Mù màu
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh mù màu

3. Triệu chứng của bệnh mù màu

  • Có vấn đề về thị lực nhưng bản thân người bệnh không phát hiện ra.
  • Không thể phân biệt được một số màu sắc nhất định, những màu khác thì vẫn có khả năng phân biệt được.
  • Mức độ nhẹ, người bị mù màu thường khó khăn trong việc phân biệt được các màu như xanh lá - đỏ, xanh dương - vàng.
  • Mức độ nặng thì không phân biệt được các loại màu sắc với nhau.
  • Trường hợp hiếm gặp khi chỉ thấy được màu trắng, đen, xanh.

4. Cách khắc phục bệnh mù màu

Hiện nay, chưa có một biện pháp nào được chứng minh có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh mù màu. Tuy nhiên, có một số biện pháp có vai trò khắc phục hậu quả do bệnh mù màu gây ra như:

  • Trẻ bị mù màu cần được thông báo đến giáo viên phụ trách về những tình trạng khó khăn mà trẻ gặp phải trong việc phân biệt màu sắc, để có sự hỗ trợ từ phía thầy cô và trường học.
  • Bệnh mù màu do nguyên nhân sử dụng thuốc hoặc do biến chứng trên nền bệnh cũ có thể được cải thiện khi ngừng thuốc hoặc điều trị bệnh nguyên.
  • Kính lọc màu: đây là một loại kính mới được các nhà khoa học phát triển với tính năng tăng độ tương phản giữa những màu bệnh nhân không phân biệt được. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kính lọc màu chỉ có vai trò trong điều trị hỗ trợ triệu chứng, chứ không thể điều trị căn nguyên bệnh mù màu.
  • Điều quan trọng là người bị mù màu đặc biệt là người mù màu đa sắc cần học cách sống chung với tình trạng kém phân biệt sắc giác này.
  • Ghi nhớ thứ tự của đèn giao thông có thể giúp người bị mù màu tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông trong tình trạng không thể phân biệt được các màu sắc của đèn.
  • Các ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể hữu ích để giúp người bị mù màu nhận diện được các màu sắc.
Khám mắt
Người bệnh nên đến bệnh viện để được khám chuyên khoa mắt

5. Cách phòng tránh bệnh mù màu

  • Kiểm tra sức khỏe toàn diện, bộ nhiễm sắc thể, lập sơ đồ phả hệ trước khi lập gia đình để xem có ai bị không, tránh nguy cơ thế hệ sau này mắc bệnh.
  • Khi tiếp xúc hóa chất cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho mắt.
  • Tránh các chấn thương vùng mắt và vùng đầu vì dễ gây tổn thương thị giác.
  • Không được tự ý dùng thuốc hoặc dùng thuốc theo kinh nghiệm bản thân mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị các bệnh nội khoa có thể dẫn đến bệnh mù màu như tiểu đường, tim mạch, tăng nhãn áp,....
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi gặp những vấn đề bất thường về thị lực.

Nếu bạn gặp phải tình trạng nghi ngờ bị mù màu như là không thể phân biệt được một số màu sắc nhất định điều cần làm là hãy đến bệnh viện kiểm tra và tham khảo ý kiến của chuyên gia. Trẻ em trước khi bắt đầu đi học cần có một cuộc kiểm tra toàn diện về mặt bao gồm thị lực và khả năng phân biệt màu sắc.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

75.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan