Vì sao răng sữa dễ bị sâu?

Sâu răng sữa là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ trước 13 tuổi - là độ tuổi mà hầu hết các bé răng đã kết thúc quá trình thay răng. Tuy răng sữa sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn nhưng khi răng sữa bị sâu cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ, khiến bé khó chịu, đau đớn, gặp khó khăn khi ăn uống,... Vậy tại sao răng sữa dễ bị sâu?

1. Răng sữa là gì?

Răng sữa hay còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như răng nguyên thủy, răng trẻ,... có thể hiểu đơn giản là những chiếc răng đầu tiên của trẻ, thường được nhú mọc khi trẻ được 5 đến 7 tháng tuổi. Đây là những chiếc răng tạm thời, sẽ được thay thế dần bằng các răng vĩnh viễn. Trên thực tế răng sữa được hình thành từ khi trẻ còn trong bào thai mẹ, được phát triển ngay khi thai nhi mới 6 tuần tuổi.

Răng sữa có tổng 20 cái được chia đều mỗi hàm, hàm trên 10 cái hàm dưới 10 cái. Mỗi bé sẽ có thời gian mọc răng và thay răng đôi chút khác nhau do nhiều nguyên nhân như tốc độ phát triển, cấu tạo hàm, cấu tạo răng,... khác nhau. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn so với răng vĩnh viễn nhưng răng sữa rất quan trọng vì cần có nó trẻ mới có thể tập nhai, tập ăn trong giai đoạn đầu đời. Răng sữa còn là tác nhân giúp trẻ tập nói, tạo thẩm mỹ cho khuôn mặt và đặc biệt giúp định hướng vị trí mọc cho các răng vĩnh viễn.

răng sữa bị sâu
Trẻ em thường có răng sữa bị sâu

2. Nguyên nhân dẫn đến sâu răng?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sâu răng sữa ở trẻ nhỏ, trong đó có cả nguyên nhân khách quan do tác động bên ngoài và chủ quan do thói quen của trẻ gây nên như:

  • Lây vi khuẩn từ mẹ: Trong thời kỳ mang thai, nếu người mẹ mắc những chứng bệnh về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu,... thì rất dễ khiến trẻ nhỏ sinh ra bị khiếm khuyết về men răng. Chính vì vậy trẻ dễ bị lây nhiễm vi khuẩn viêm răng từ khi nằm trong bào thai.
  • Vi khuẩn từ thực phẩm: Hầu hết trẻ nhỏ đều yêu thích các món ăn vặt, thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như sữa, bánh kẹo, nước trái cây,... các món có vị ngọt sắc nhưng lại chưa tự có ý thức vệ sinh răng miệng hàng ngày. Chính vì vậy, vi khuẩn sống trong miệng biến đổi những món này thành axit tạo nên các mảng bám trên răng, ăn mòn răng theo thời gian dẫn đến sâu răng.
  • Men răng: Răng sữa ở trẻ có cấu tạo men mỏng hơn răng vĩnh viễn rất nhiều cũng như với trẻ bị khuyết men răng bẩm sinh sẽ dễ bị vi khuẩn tấn công.
  • Vị trí răng: Ở nhiều trẻ bị tình trạng răng mọc lệch, không đều, chen chúc hoặc quá thưa đều sẽ tăng khả năng lưu giữ các mảng bám hay thức ăn thừa. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây sâu răng tấn công.
  • Vệ sinh răng miệng: Đây là thói quen quan trọng mà người lớn cần hướng dẫn, theo dõi và tạo cho trẻ làm hàng ngày. Thói quen này là yếu tố làm sạch cơ học, giúp loại bỏ thức ăn thừa, giảm thiểu vi khuẩn và bảo vệ triệt để môi trường răng miệng của trẻ.

3. Răng sữa sâu phải làm thế nào?

Sâu răng là bệnh răng miệng phổ biến nhất nhưng cũng là bệnh dễ điều trị nếu được phát hiện sớm. Mỗi giai đoạn sâu răng khác nhau sẽ có từng phương pháp điều trị phù hợp:

  • Trường hợp răng mới chớm sâu: Đây là giai đoạn điều trị nhẹ nhàng nhất, không tốn kém cũng không gây nhiều đau đớn cho trẻ. Trường hợp này có thể sử dụng thuốc trị sâu răng chấm vào chỗ bị sâu nhằm giảm đau đớn cũng như sát khuẩn cho trẻ.
  • Trường hợp răng sâu đã tạo lỗ: Lúc này tình trạng răng của trẻ đã bị tác động phần nào, tạo nên lỗ trong răng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể nha sĩ sẽ quyết định loại bỏ phần răng sâu rồi hàn trám lỗ sâu đó để hồi phục chức năng ăn nhai cho trẻ.
  • Trường hợp răng sâu quá nặng: Khi sâu đã ăn gần hết phần răng trẻ thì không thể điều trị bằng các phương pháp trên mà phải loại bỏ, nhổ phần răng đấy đi tránh làm ảnh hưởng đến các răng xung quanh.
bé bị sâu răng sữa
Bé bị sâu răng sữa cần được điều trị sớm để tránh phải nhổ răng

4. Sâu răng sữa nguy hiểm thế nào?

Tuy là răng tạm thời nhưng nếu răng sữa bị sâu không điều trị sớm sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ:

  • Răng sâu sẽ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, gây đau đớn trong quá trình nghiền thức ăn. Lâu dần sẽ khiến trẻ chán ăn, lười ăn hay thậm chí là sợ ăn.
  • Răng sữa sâu quá lâu sẽ khiến trẻ dễ bị rụng răng sớm. Tình trạng này hoàn toàn không tốt khiến trẻ bị hạn chế về mặt ngôn ngữ, chậm nói, ảnh hưởng đến cách phát âm khi tập nói của trẻ.
  • Răng sâu bị rụng sớm sẽ khiến cho răng vĩnh viễn không được định hướng vị trí mọc, khiến răng trẻ mọc chậm, mọc lệch hay mọc chen nhau, gây ảnh hưởng đến xương hàm và cấu trúc hàm răng của trẻ về lâu dài.
  • Sâu răng là bệnh rất dễ lây lan nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Nhất là đối với răng sữa, trong trường hợp một chiếc răng bị sâu thì vi khuẩn cũng sẽ nhanh chóng phát triển làm ảnh hưởng đến các răng khác hoặc tạo điều kiện phát sinh các bệnh lý khác nguy hiểm hơn về răng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan