Vì sao viêm thanh quản gây rối loạn phát âm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ở bệnh nhân viêm thanh quản, các rối loạn phát âm như khàn tiếng, mất tiếng,... rất thường gặp. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của bệnh nhân. Thậm chí, nhiều người làm những công việc đặc thù như giáo viên, tư vấn viên,... phải nghỉ việc vì bị rối loạn phát âm do viêm thanh quản.

1. Bệnh viêm thanh quản là gì?

Viêm thanh quản là tình trạng sưng viêm dây thanh âm, dẫn tới hiện tượng khàn tiếng, mất giọng. Khi mắc bệnh, dây thanh âm sẽ bị biến dạng, khiến cho giọng nói trở nên khàn, khó nghe. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện khác như ngứa, đau rát cổ họng, ho khan, có thể ho có đờm, sốt nhẹ,...

Tùy mức độ và thời điểm phát bệnh, viêm thanh quản được chia thành 2 loại là cấp tính và mãn tính. Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng virus làm tổn thương niêm mạc thanh quản, có cơ hội chữa khỏi cao. Còn viêm thanh quản mãn tính xảy ra khi tiếp xúc lâu dài với các yếu tố môi trường ô nhiễm, khiến bệnh kéo dài, khó điều trị hơn.

Các nguyên nhân gây viêm thanh quản gồm: Thay đổi thời tiết, nhiễm virus (đặc biệt là virus cúm A và B), nhiễm vi khuẩn (phế cầu khuẩn, tụ cầu, liên cầu khuẩn,...), nấm mốc, hội chứng trào ngược dạ dày, hít phải hơi độc, dị ứng,... Bệnh viêm thanh quản thường không gây nguy hại cho sức khỏe con người nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống vì bệnh có tác động trực tiếp tới giọng nói của bệnh nhân.

Virus cúm A
Virus cúm là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm dây thanh quản cấp tính

2. Nguyên nhân viêm thanh quản gây rối loạn phát âm

Con người có thể nói được nhờ cặp dây thanh âm nằm trong thanh quản. Thanh quản đảm nhiệm cả chức năng thở và phát âm. Vì vậy, khi bị viêm thanh quản, bệnh nhân dễ bị rối loạn phát âm.

Các rối loạn phát âm hay gặp ở bệnh nhân viêm thanh quản gồm khó nói, khàn tiếng, mất tiếng,... Về cơ chế gây ra tình trạng này: Khi bị bệnh viêm thanh quản, dây thanh âm bị kích thích quá mức, làm phát sinh các biến đổi thực thể, gây thanh bị yếu đi, trong khi phát âm vẫn có khe hở do tình trạng bán liệt cơ dây thanh, dẫn tới tình trạng khản tiếng, nhanh bị mệt khi nói, đau rát họng, mất tiếng,...

Đặc biệt, nếu có các yếu tố nguy cơ gây bệnh như đặc thù nghề nghiệp (giáo viên, tư vấn viên,...), môi trường sống ô nhiễm, cơ thể bị nhiễm lạnh, hút thuốc lá, nghiện rượu bia,... thì tình trạng rối loạn phát âm sẽ ngày càng nghiêm trọng và khó điều trị dứt điểm.

Để điều trị khàn tiếng, mất tiếng do viêm thanh quản, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân sử dụng các thuốc thuộc nhóm chống viêm corticoid, kháng sinh hay nhóm dung dịch chứa muối kiềm natri,... Tuy nhiên, các phương pháp điều trị này thường chỉ giúp giảm triệu chứng mà không trị bệnh triệt để (đặc biệt nếu vẫn còn tồn tại các yếu tố nguy cơ gây bệnh), đi kèm nhiều tác dụng phụ.

Thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP
Bệnh nhân thường được chỉ định dùng kháng sinh để làm giảm các triệu chứng khàn tiếng hay mất giọng

Khi các phương pháp điều trị thông thường không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân viêm thanh quản có u nang dây thanh, hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh,... Bên cạnh đó, bệnh nhân cần hạn chế nói chuyện, bổ sung vitamin, ăn nhiều hoa quả, tránh tắm nước lạnh, tránh đồ ăn chua cay, không hút thuốc lá và uống rượu bia, giữ ấm cổ họng và ngực,... để bảo vệ thanh quản của mình.

Thực hiện các biện pháp bảo vệ thanh quản, kết hợp với việc phát hiện, điều trị sớm ngay khi bị viêm thanh quản sẽ giảm tối đa nguy cơ mắc các chứng rối loạn phát âm như khàn tiếng, mất tiếng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan