Xạ hình phổi (V/Q Lung scan): Những điều cần biết

Một trong những phương pháp chẩn đoán xác định được sử dụng để chẩn đoán tình trạng thuyên tắc phổi là xạ hình phổi. Thuyên tắc phổi hay nhồi máu phổi là một cấp cứu cần điều trị kịp thời, việc chẩn đoán chính xác và nhanh chóng có ý nghĩa quan trọng giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lý này gây ra.

1. Xạ hình phổi là gì?

Xạ hình là phương pháp ghi hình xương, cơ quan và các phần khác của cơ thể bằng cách dùng một liều nhỏ chất phóng xạ, sau đó khi xác định lượng chất phóng xạ đã tập trung cơ quan cần kiểm tra thì tiến hành ghi hình, ở những phần mô hoạt động mạch thì tại đó sẽ phát ra nhiều tia gamma hơn so với các phần khác. Người ta sử dụng một thiết bị ghi hình gọi là gamma camera để ghi lại các tia gamma phát ra từ mô cơ quan khảo sát, rồi chuyển thành các tín hiệu điện và chuyển vào máy tính. Tiếp theo máy tính này sẽ tạo ra hình ảnh có màu sắc hay đậm độ khác nhau tương ứng với những tín hiệu thu nhận có cường độ khác nhau.

Tương tự như cơ chế chung của phương pháp xạ hình, người ta tiến hành xạ hình phổi bằng cách sử dụng những chất phóng xạ tương thích với việc xạ hình thông khí và xạ hình tưới máu. Sau đó ghi hình lại, từ đó thu được những hình ảnh bất thường của phổi. Đặc biệt phương pháp này được ứng dụng để phát hiện tình trạng thuyên tắc phổi, là một cấp cứu nội khoa với tỉ lệ tử vong cao. Khi đó việc ghi hình tưới máu phổi kết hợp với thông khí phổi là rất cần thiết để chẩn đoán, vì thông khí trong vùng tắc mạch phổi không bị cản trở trong vùng tắc, chỉ có tưới máu là mất khả năng.

Bình thường sự thông khí(V) và tưới máu(Q) tại bổi luôn tương thích với nhau, nên khi có sự bất tương thích giữa thông khí và tưới máu phổi sẽ nhận ra những vấn đề tại phổi. Đây là cơ sở sinh lý bệnh cho phương pháp xạ hình phổi.

thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu,  máu đông
Xạ hình phổi để đánh giá tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi (thuyên tắc phổi) và tắc nghẽn thông khí phổi

2. Mục đích xạ hình phổi

Xạ hình phổi được chỉ định khi:

  • Đánh giá tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi (thuyên tắc phổi) và tắc nghẽn thông khí phổi. Đặc biệt xạ hình phổi có độ nhạy cao trong chẩn đoán tình trạng thuyên tắc phổi.
  • Đánh giá chức năng một vùng phổi nào đó: Có thể thấy được các vùng giảm hoặc mất hoạt tính phóng xạ từ đó xác định được vùng chức năng phổi hoạt động kém.
  • Ung thư biểu bì khí quản, lao phổi, viêm phổi, áp-xe phổi.
  • Tắc khí quản, giãn khí quản.
  • Hẹp mạch hoặc không phát triển mạch máu.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Làm cùng xạ hình hệ tĩnh mạch
  • Đánh giá chức năng tưới máu phổi sau phẫu thuật.

Chống chỉ định:

Tuyệt đối

  • Suy tuần hoàn phổi nặng, viêm phổi giai đoạn cấp.
  • Tăng áp động mạch phổi nặng.
  • Nhạy cảm với protein.

Tương đối

  • Phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú
  • Shunt P-T: Là những dị tật gây tăng áp lực khoang tim phải làm máu từ tim phải sang trái gây trộn lẫn máu động mạch và máu tĩnh. Gặp trong trường hợp tứ chứng Fallot, teo van ba lá...
Mẹ nên cho con bú thường xuyên để kích thích tuyến sữa sản xuất ra nhiều sữa
Xạ hình phổi chống chỉ định với phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú

3. Các bước tiến hành xạ hình phổi

3.1 Chuẩn bị các chất phóng xạ

  • Đối với xạ hình thông khí: Các chất phóng xạ được sử dụng gồm xenon-133, xenon-127, krypton-81m hoặc Tc-99m DTPA dạng phun khí dung.
  • Xạ hình tưới máu: Hiện nay được dùng là Tc-99m MAA được thay cho loại cũ trước đây.

3.2 Chuẩn bị bệnh nhân và ghi hình

  • Xạ hình thông khí: Bệnh nhân ho, hắt hơi và hít sâu nhiều lần. Ghi hình ở tư thế ưu tiên tư thể ngồi và 8 tư thế thường quy gồm trước - sau, nghiêng phải - nghiêng trái, chếch trước phải - chếch trước trái, chếch sau phải - chếch sau trái.
  • Xạ hình tưới máu: Bệnh nhân nằm ngửa, sau đó tiêm chất phóng xạ chậm vào tĩnh mạch. Lưu ý lắc đều chất phóng xạ trước khi tiêm, không được rút máu ngược vào ống tiêm. Sau khi tiêm 10 phút tiến hành ghi hình, ưu tiên ở tư thế ngồi và 8 tư thế thường quy.

3.3 Nhận định kết quả

  • Xác định vị trí, kích thước của các khuyết xạ theo phân thùy trên hình ảnh tưới máu phổi.
  • Kiểm tra những bất thường trên hình ảnh xạ hình thông khí.
  • Trường hợp nếu tổn thương trên hình ảnh tưới máu (Q) và thông khí (V) không tương xứng có thể nghĩ tới tình trạng thuyên tắc phổi.
  • Ngoài ra, từ hình ảnh của xạ hình phổi (V/Q) có thể thấy được tình trạng bệnh lý khác ảnh hưởng tới thông khí như: Khối u, áp-xe, viêm, lao phổi...
Căng giãn phổi quá mức
Xạ hình phổi là phương pháp giúp chẩn đoán một số bệnh lý tại phổi

4. Một số lưu ý khi làm xạ hình phổi

Thông thường, xạ hình phổi không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào, trải qua quá trình phân rã, lượng nhỏ chất phóng xạ trong cơ thể sẽ mất tính phóng xạ qua thời gian. Tuy nhiên khi làm xạ hình có thể cần lưu ý như sau:

  • Cũng như các loại tia xạ khác, thì tia gamma có nguy cơ nhỏ tác động lên thai nhi. Vì vậy, báo với bác sĩ nếu đang đang mang thai, có thể mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Trong trường hợp hiếm gặp, một vài người có phản ứng dị ứng với thuốc được tiêm vào. Nên sau khi sử dụng thuốc phóng xạ có bất kỳ phản ứng bất thường nào cần báo ngay với bác sĩ.
  • Nên uống nhiều nước sau khi sử dụng chất phóng xạ.

Xạ hình phổi là phương pháp giúp chẩn đoán một số bệnh lý tại phổi, đặc biệt giúp chẩn đoán thuyên tắc phổi với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Mà việc thực hiện xạ hình phổi rất thuận tiện và nhanh chóng trong cả những trường hợp khẩn cấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan