Xét nghiệm nước tiểu ở trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Đoàn Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở bệnh nhân nhi được định nghĩa là tình trạng nhiễm các tác nhân vi khuẩn thường gặp liên quan đến đường tiết niệu dưới (viêm bàng quang), và đường tiết niệu trên (viêm thận bể thận) hoặc cả hai, gây bệnh cho trẻ.

1. Bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ

Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm hệ thống tiết niệu, đặc trưng bởi sự sinh sản của vi khuẩn gây bệnh và (hoặc) có nhiều bạch cầu trong nước tiểu.

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường tiết niệu theo đường từ dưới lên, đường máu hoặc qua hệ thống bạch huyết. Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng bất cứ bộ phận nào hoặc tất cả các bộ phận của hệ tiết niệu như: Niệu đạo, bàng quang, thận. Các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiểu phổ biến chất là E.coli, S. saprophyticus, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ là một nhiễm trùng rất thường gặp, nếu trẻ bị sốt cao và không các triệu chứng khác, xác suất trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu là 1/20. Do có niệu đạo ngắn và gần trực tràng, vi khuẩn dễ xâm nhập nên nhiễm trùng tiết niệu thường gặp ở bé gái hơn bé trai. Khoảng 3% bé gái và 1% bé trai sẽ bị nhiễm trùng đường tiểu trước 11 tuổi.

2. Triệu chứng của viêm đường tiết niệu

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ thay đổi theo từng nhóm tuổi khác nhau. Đối với các trẻ lớn, các triệu chứng tương đối rõ ràng và dễ phát hiện như: Trẻ thường bị sốt trẻ bị tiểu buốt, tiểu rát, đi tiểu thường xuyên hơn hoặc khó đi tiểu, nôn ói, không chịu ăn, nước tiểu đục, có mùi bất thường,...

Đối với trẻ nhỏ, việc chẩn đoán bệnh sẽ phức tạp hơn do các triệu chứng bệnh không rõ ràng, trẻ chưa biết nói nên không thể mô tả được sự khó chịu, cha mẹ cũng khó theo dõi được việc trẻ tiểu thường xuyên hơn do trẻ thường mang tã và bình thường trẻ cũng đi tiểu rất nhiều lần.

Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp nhất ở trẻ lớn hơn 3 tháng tuổi là: Sốt, đau bụng, nôn mửa, biếng ăn. Các triệu chứng ít gặp hơn là thờ ơ, chậm tăng cân, tiểu máu. Những trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi, các triệu chứng phổ biến là sốt, nôn mửa, trẻ bứt rứt khó chịu, lờ đờ. Hiếm gặp có thể có tiểu máu và vàng da.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng như tăng huyết áp, sẹo thận, suy thận,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tương lai trẻ.

Chỉ định lọc máu trong suy thận cấp
Nếu nhiễm trùng đường tiểu không điều trị kịp thời sẽ gây suy thận ở trẻ

3. Xét nghiệm nước tiểu cho trẻ em bị nhiễm trùng đường tiểu

Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán xác định bệnh. Mẫu nước tiểu sẽ được đem đi phân tích để xem nước tiểu có bị nhiễm khuẩn hay không. Cách lấy nước tiểu của trẻ như sau:

  • Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, mẫu nước tiểu lấy phải là nước tiểu giữa dòng. Trước khi lấy nước tiểu, mẹ làm sạch lỗ tiểu bằng xà phòng và nước. Cha mẹ sẽ được phát một lọ đựng vô trùng dùng để đựng mẫu nước tiểu. Phần nước tiểu đầu dòng bị bỏ đi để tránh nguy cơ có chứa vi khuẩn từ môi trường bên ngoài, hứng phần nước tiểu sau đó và ngưng việc hứng nước tiểu trước khi trẻ tiểu xong.
  • Để thực hiện xét nghiệm nước tiểu cho trẻ sơ sinh và trẻ em khi không thể lấy được nước tiểu giữa dòng, bác sĩ có thể đặt một ống nhỏ qua niệu đạo vào bàng quang hoặc dùng kim đâm qua da ở vùng bụng dưới vào bàng quang để lấy nước tiểu.

Phương pháp lấy nước tiểu bằng cách đặt túi Nilon quanh bộ phận sinh dục không nên được sử dụng vì vi khuẩn trên da có thể dính vào nước tiểu dẫn đến kết quả không chính xác.

Xét nghiệm bằng que thử nước tiểu 10 thông số là phương pháp xét nghiệm nhanh, tiện lợi, được sử dụng phổ biến ở các cơ sở y tế hiện nay. Nguyên tắc của các que thử này là dựa trên sự thay đổi màu sắc để chỉ thị các thành phần hóa học cũng như đặc tính của nước tiểu. Que thử sẽ được nhúng vào nước tiểu, sau khi nhúng que được lấy ra, gạt cạnh que thử trên thành lọ để gạt bớt lượng nước tiểu dư thừa. Để đọc kết quả xét nghiệm, có hai cách đó là đọc thủ công hoặc đọc bằng máy phân tích nước tiểu:

  • Đọc thủ công: Nhà sản xuất sẽ cung cấp bảng chỉ thị màu cho từng thông số, kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ đặt que nhúng bên cạnh các bảng chỉ thị để so sánh, màu sắc trên que nhúng tương ứng với mức màu nào thì kết quả của thông số sẽ tương ứng với mức đó.
  • Đọc bằng máy: Các que nhúng sẽ được đặt vào khay của máy phân tích nước tiểu. Các máy phân tích nước tiểu có bản chất là máy phản xạ ánh sáng, các que thử được chiếu bởi ánh sáng trắng, ánh sáng phản xạ từ que sau đó sẽ được phát hiện bởi bộ cảm biến của máy. Các tín hiệu được số hóa và chuyển vào bộ vi xử lý kết quả, các giá trị thông số được xác định, kết quả được in ra. Phương pháp này cho kết quả chính xác hơn so với đọc thủ công.

Các kết quả thu được từ xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ:

  • LEU (Leukocytes- Tế bào bạch cầu): đây là dấu hiệu giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng đường tiểu, nếu kết quả bạch cầu dương tính nghĩa là trẻ đã bị nhiễm trùng đường tiểu.
  • NIT (Nitrite): Bình thường Nitrite không hiện diện trong nước tiểu, nếu kết quả cho Nitrite dương tính khi có nhiễm trùng nước tiểu.
  • pH: pH bình thường của nước tiểu từ 4,6-8. Nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ làm nước tiểu có tính kiềm.
  • BLD (Máu): Máu bình thường không có trong nước tiểu. Chỉ số cho phép là 5-10 Ery/UL hoặc 0.015-0.062 mg/Dl. Nhiễm trùng nước tiểu có thể làm chỉ số BLD cao bất thường.
  • PRO (Protein): trẻ có khả năng cao bị nhiễm trùng tiết niệu nếu trong nước tiểu có Protein.

Để chẩn đoán chắc chắn, mẫu nước tiểu sau khi lấy vào lọ vô trùng được gửi làm xét nghiệm nuôi cấy, phân lập vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp.

Trẻ sau khi được chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu cần được điều trị tích cực bằng kháng sinh và các thuốc điều trị triệu chứng. Sau liệu trình điều trị, bác sĩ có thể cho trẻ xét nghiệm lại nước tiểu để chắc chắn tình trạng nhiễm trùng đã khỏi hoàn toàn.

Xét nghiệm nước tiểu
Để chẩn đoán được bệnh, bác sĩ cần làm xét nghiệm nước tiểu cho trẻ

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, điều trị bệnh Vinmec có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc tìm thông tin liên hệ hotline TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: