Xét nghiệm vi sinh chẩn đoán bệnh bạch hầu

Bài viết được viết bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng - Bác sĩ Xét nghiệm Vi sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Vi khuẩn bạch hầu có khả năng sinh ngoại độc tố. Bản chất của ngoại độc tố bạch hầu là một protein có tính kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao, không chịu được nhiệt độ và formol. Ngoại độc tố khi được xử lý bằng nhiệt độ và formol sẽ mất độc lực, được gọi là giải độc tố (anatoxine) dùng làm vắc-xin.

1. Vi khuẩn bạch hầu

  • Vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) là trực khuẩn Gram (+), đa hình dạng, hiếu khí, không di động, không sinh nha bào, kích thước vào khoảng 1,5 - 5 μm X 0,5 - 1 μm, phình to ở một đầu giống như hình dùi trống hoặc phình to hai đầu giống như quả tạ.
  • Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.
  • Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 580 C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra bệnh bạch hầu
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu

2. Khả năng gây bệnh

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Người là ổ chứa của vi khuẩn bạch hầu. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất tiết đường hô hấp hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da có chứa vi khuẩn bạch hầu.

Corynebacterium diphtheriae xâm nhập qua đường mũi, miệng rồi định vị ở niêm mạc đường hô hấp trên, sau thời gian ủ bệnh 2 - 4 ngày, ở những chủng có khả năng tiết độc tố, độc tố được sản xuất, bám vào màng tế bào rồi xuyên qua màng đi vào máu và phát tán đến các cơ quan.

Hoại tử mô rất dữ dội tại nơi khuẩn lạc phát triển, sự đáp ứng viêm tại chỗ kết hợp với sự hoại tử mô tạo thành một mảng chất tiết mà trên lâm sàng được gọi là giả mạc hay màng giá, màng này có khả năng lan nhanh, khi độc tố sản xuất nhiều thì vùng viêm càng lan rộng và sâu.

Màng giả bám rất chắc vào niêm mạc; màng bao gồm: các chất viêm, tế bào hoại tứ, fibrin, hồng cầu, bạch cầu, tế bào biểu bì, tế bào mủ, màng này lành tự nhiên trong giai đoạn bệnh hồi phục. Vi khuẩn bạch hầu tìm thấy rất nhiều ở màng giả, nhưng thông thường không tìm thấy trong máu và các cơ quan nội tạng.

Độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể gây tổn thương bất kỳ cơ quan nào hay mô nào, nhưng tổn thương chủ yếu là tim, hệ thần kinh và thận. Một lượng rất nhỏ độc tố có thể gây hoại tử ngoài da. Mặc dù kháng độc tố bạch hầu có thể trung hoà độc tố trong máu, hoặc độc tố chưa được hấp thụ vào tế bào, nó không có hiệu quả khi độc tố đã ngấm vào tế bào.

Bạch hầu họng
Vi khuẩn bạch hầu định vị ở niêm mạc đường hô hấp trên và phát tán đến các cơ quan

3. Chẩn đoán phòng xét nghiệm

  • Bệnh phẩm: Màng giả bạch hầu, hoặc ngoáy họng bằng tăm bông vô trùng.
  • Nhuộm soi trực tiếp:
  • Thường nhuộm 2 tiêu bản, một xanh methylen kiềm (hoặc Albert hay Neisser) để xem hạt nhiễm sắc và hình thể trực khuẩn bạch hầu; một nhuộm Gram để xem các vi khuẩn khác. Nếu thấy trực khuẩn hình chùy, có hạt nhiễm sắc thì rất có ý nghĩa chẩn đoán bạch hầu.
  • Bệnh bạch hầu diễn biến rất nhanh. Khi người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, có màng giả và kết quả nhuộm soi trực tiếp có hình thể trực khuẩn bạch hầu có thể chẩn đoán sơ bộ, giúp bác sĩ điều trị kịp thời để cứu sống người bệnh.
  • Nuôi cấy, định danh vi khuẩn bạch hầu: Để khẳng định trực khuẩn bạch hầu độc lực, cần xác định được ngoại độc tố của chúng bằng dùng phản ứng Elek hoặc phương pháp ELISA, ngưng kết hạt, miễn dịch điện di đối lưu, đống ngưng kết, phản ứng trung hòa da thỏ hay da chuột lang....
  • Xác định ngoại độc tố của trực khuẩn bạch hầu: chỉ cần thiết khi xuất hiện ngoài các vụ dịch, còn trong vụ dịch không cần thiết.
Nhuộm soi đờm trực tiếp tìm AFB
Chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh bạch hầu bằng các xét nghiệm nhuộm soi trực tiếp

4. Phòng bệnh bạch hầu

  • Biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh bạch hầu là dùng vắc-xin giải độc tố bạch hầu (thường phối hợp với giải độc tố của vi khuẩn uốn vánvi khuẩn ho gà gọi là vắc-xin DPT). Ở Việt Nam, vắc-xin này nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm ba mũi cho trẻ em 3,4 và 5 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại sau mũi thứ ba một năm.
  • Trong trường hợp xảy ra dịch bạch hầu, phải nhanh chóng phát hiện dịch. Dập tắt ổ dịch bằng cách điều trị và cách ly bệnh nhân, khử trùng môi trường, hạn chế tập hợp đông trẻ em và có thể điều trị dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ , hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: