Xử trí các chấn thương bụng kín thường gặp

Các chấn thương bụng kín là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Do đó, việc phát hiện cũng như xử trí kịp thời các chấn thương này là vô cùng cấp bách nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

1. Tìm hiểu về chấn thương bụng kín

Chấn thương bụng kín còn được gọi là chạm thương bụng, là một khái niệm chỉ tất cả các tổn thương về bụng, bao gồm ở ngoài thành bụng và cả ở các tạng đặc trong ổ bụng như lách, gan, tụy... lẫn tạng rỗng như ruột, bàng quang, dạ dày, một số tổn thương phối hợp...

Các chấn thương bụng kín là nguyên nhân thứ 4 gây chết người trên toàn cầu và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những đối tượng dưới 45 tuổi.

Một số triệu chứng khi bị chấn thương bụng kín

Khi bị chấn thương bụng kín, bệnh nhân có thể gặp nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó một số biểu hiện điển hình như:

  • Đau bụng: đây là triệu chứng phổ biến nhất. Vị trí đau thường xuất hiện tại khu vực bị tổn thương;
  • Nôn ói;
  • Tiểu tiện thường xuyên, nước tiểu có thể trong hoặc có máu.

2. Chẩn đoán chấn thương bụng kín như thế nào?

Việc chẩn đoán các chấn thương bụng kín gặp khá nhiều khó khăn do các nguyên nhân như:

  • Bệnh nhân bị nhiều tổn thương phối hợp khác đánh lạc hướng chẩn đoán;
  • Tri giác của bệnh nhân suy giảm do chấn thương nghiêm trọng hơn như chấn thương sọ não, hoặc ngộ độc....

Vì vậy, bên cạnh việc thăm khám lâm sàng bằng một số phương pháp truyền thống, các xét nghiệm cận lâm sàng khác cũng cần được tiến hành để xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân.

2.1 Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu kiểm tra chấn thương bụng kín có thể bao gồm:

  • Kiểm tra số lượng hồng cầu, hematocrit và huyết sắc tố...;
  • Kiểm tra số lượng bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính;
  • Kiểm tra nhóm máu của bệnh nhân (A, B hay O).
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán các chấn thương bụng kín
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán các chấn thương bụng kín

2.2 Siêu âm bụng

Siêu âm bụng là loại siêu âm trong chấn thương bụng kín với độ tin cậy tương đối cao, tuy nhiên, chỉ nên áp dụng cho các bệnh nhân có nghi ngờ bệnh nhưng không bị choáng toàn thân. Đối với những bệnh nhân đang có biểu hiện choáng, cần siêu âm tại chỗ nhằm phát hiện nhanh nhất các tổn thương ở tạng đặc...

Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt cần sử dụng k4i thuật X-quang bụng đứng.

2.3 Chụp cắt lớp vi tính CT

Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng là phương tiện chẩn đoán chấn thương bụng kín bằng hình ảnh có giá trị rất cao trong việc phát hiện các thương tổn ở tạng, đặc biệt là tạng đặc.

3. Xử trí một số trường hợp chấn thương bụng kín phổ biến

3.1 Vỡ gan

Vỡ gan là tình trạng rất thường gặp đối với bệnh nhân có chấn thương vùng bụng nghiêm trọng. Có khoảng 50% trường hợp vỡ gan không chảy máu ở giai đoạn sớm.

Về vấn đề điều trị chứng vỡ gan, các bác sĩ có thể lựa chọn một trong những phương thức sau sao cho phù hợp nhất với bệnh nhân và độ vỡ gan:

  • Độ 1 và 2: phương thức phổ biến nhất là khâu gan;.
  • Độ 3, 4: Có thể cột mạch máu theo đường rách gan, hoặc cắt dây chằng, cột động mạch gan, Dexon Mesh...;
  • Độ 5: cắt gan và có thể phối hợp thêm phương pháp Atrial – Portal Shunt;
  • Độ 6: ghép gan.

3.2 Vỡ lách

Lách là vùng tạng đặc dễ bị tổn thương hàng đầu trong ổ bụng. Tuy nhiên, do lách là một bộ phận cực kì quan trọng trong các hoạt động sống của con người, việc điều trị bảo tồn lách sau các chấn thương ở cả trẻ em và người lớn đều là yêu cầu ưu tiên.

Việc điều trị vỡ lách thường sử dụng 1 trong 3 phương pháp chính, tùy theo mức độ vỡ lách hiện tại của bệnh nhân:

  • Độ 1 và 2: bảo tồn lách, hạn chế không phẫu thuật;
  • Độ 3: cần phẫu thuật nhưng không phẫu thuật hoàn toàn, sử dụng phối hợp thêm phương pháp PACKING và vùi lách vào phía sau phúc mạc;
  • Độ 4 trở lên: Cần thực hiện phẫu thuật cắt lách.

Một số trường hợp bệnh nhân sau được khuyến nghị nên sử dụng điều trị bảo tồn lách:

  • Bệnh nhân không có tổn thương ở tạng đặc và tạng rỗng khác (không có chấn thương bụng kín phối hợp);
  • Huyết động học duy trì ở mức ổn định và HCT > 25%;
  • CT – SCAN đánh giá mức độ chấn thương ở độ 1 và độ 2.

3.3 Vỡ tá tràng

Vỡ tá tràng thường xảy ra do bệnh nhân gặp sức ép vào thành bụng hoặc bị sốc. Thông thường, tá tràng nằm sâu đằng sau phúc mạc. Vì vậy, nếu bị vỡ tá tràng ở tình trạng nặng, khả năng tử vong sau khi phẫu thuật lên đến 27.2%.

Vỡ tá tràng là một trong những chấn thương bụng kín thường gặp
Vỡ tá tràng là một trong những chấn thương bụng kín thường gặp

Tương tự như vỡ ganvỡ lách, vỡ tá tràng cũng được điều trị tùy theo mức độ của bệnh:

  • Độ 1: ưu tiên điều trị bảo tồn không phẫu thuật, bao gồm dẫn lưu dạ dày, nuôi ăn tĩnh mạch... Việc phẫu thuật trong trường hợp này là lựa chọn kém lý tưởng, vì có thể gây ra sự hình thành khối tụ máu lớn và dẫn đến bệnh cảnh tắc tá tràng;
  • Độ 2 và độ 3: khâu nối lỗ thủng tại tá tràng;
  • Độ 4: sử dụng phẫu thuật WHIPPLE.

Ngoài ra, một số phương thức khác cũng sẽ được bổ sung để hỗ trợ điều trị bao gồm:

  • Mở dạ dày hút tá tràng;
  • Nối vị tràng;
  • Jejunostomy: một cách để dẫn lưu tá tràng và cùng với đó là nuôi ăn tá tràng.

Nói tóm lại, chấn thương bụng kín có rất nhiều loại, mỗi loại đều có phương pháp điều trị chuyên biệt. Tuy nhiên, tất cả các loại chấn thương này đều có khả năng gây tử vong hoặc để lại biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, bạn cần phải kiểm tra sớm ngay sau khi xảy ra các va chạm lớn nhằm phát hiện và xử trí kịp thời.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan