Ý nghĩa của rửa tay ngoại khoa

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đối với những người bệnh có các can thiệp ngoại khoa thì nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên rất cao, đặc biệt là trong trường hợp phải mổ. Vì vậy, y bác sĩ làm việc trong phòng mổ hoặc thực hiện hay trợ giúp các can thiệp trên thì cần phải rửa tay ngoại khoa nhằm làm giảm và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn trên da nếu không may găng tay bị rách.

1. Ý nghĩa rửa tay ngoại khoa

Vi khuẩn tồn tại ở khắp mọi nơi với số lượng lớn, đa dạng về chủng loại mà con người bằng mắt thường không thể quan sát được. Vì thế nhiễm khuẩn khi can thiệp ngoại khoa trong y học luôn được chú trọng.

Theo nghiên cứu, rửa tay ngoại khoa theo kỹ thuật, đặc biệt là rửa tay trước mổ có khả năng làm giảm và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn trên da nếu không may găng tay bị rách. Từ đó, có thể hạn chế nhiễm trùng vết mổ; tăng hiệu quả phục hồi sau mổ; tránh các biến chứng liên quan đến nhiễm khuẩn cho người bệnh và nguy cơ gây bệnh cho nhân viên y tế.

Mổ thoát vị rốn - thành bụng cho bệnh nhân nhi tại Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Vinmec
Trước khi vào phòng mổ, nhân viên y tế cần rửa tay

2. Hướng dẫn rửa tay ngoại khoa

2.1. Yêu cầu cần đạt được

  • Quá trình rửa tay phải được thực hiện từ đầu ngón tay đến khủy tay bằng xà phòng có chất khử trùng trước khi phẫu thuật.
  • Thời gian rửa tay ngoại khoa tốt là bao nhiêu thì không có quy định chung. Tuy nhiên nó có thể phụ thuộc vào các loại sản phẩm kháng khuẩn của dung dịch rửa tay mà phẫu thuật viên đang dùng. Thời gian rửa tay lâu có thể làm cho vi khuẩn ở lớp dưới da xuất hiện do đó sẽ gây ra tác dụng ngược lại. Do vậy, theo quy định của Bộ Y tế, thời gian rửa tay ngoại khoa bắt buộc là 5-6 phút. Thời gian rửa tay còn phải tùy thuộc vào số lần đánh tay trong ngày, dung dịch rửa tay và phương pháp rửa tay như thế nào.

  • Rửa sạch hết các chất bẩn và vi khuẩn có trên bề mặt da tay để khi phẫu thuật vết thương, vết mổ thì bệnh nhân không bị bội nhiễm bởi các thao tác của người làm phẫu thuật, thủ thuật như thay băng hay tiêm....
  • Hạn chế tối đa được sự tiết dịch như mồ hôi hay tuyến bã của da tay bằng cách pha vào các dung dịch rửa tay, ngâm tay vào các chất làm săn da để co các lỗ tuyến có chứa Tanin.... Hoặc có thể sử dụng các chất phủ mặt da dạng như Vaseline... để làm che lấp các lỗ tuyến khiến các dịch không tiết ra được trong thời gian làm phẫu thuật cho bệnh nhân.
  • Yêu cầu của mỗi phương pháp hay dung dịch rửa tay ngoại khoa trước mổ là không được làm hại da tay như ăn mòn, bỏng rộp, khô cháy da,... vì vậy phải bảo vệ da tay trước khi làm thủ thuật.

2.2. Quy trình rửa tay ngoại khoa

Quy trình rửa tay ngoại khoa gồm:

Bước 1: Khi rửa tay trước phẫu thuật, người làm thủ thuật phải tháo hết các đồ trang sức có trên tay (lưu ý: Móng tay phải được cắt ngắn; khi rửa tay ngoại khoa, cần chà xát nhẹ, vì chải quá mạnh sẽ gây tổn thương lớp biểu bì khiến vi khuẩn ở lớp dưới da sẽ xuất hiện, chà xát nhẹ nhàng cũng đã đủ để rửa hết vi khuẩn trên tay). Sau đó, xắn tay áo lên quá khủy tay.

Bước 2: Làm ướt tay lên quá khủy tay khoảng 4-5cm, giữ bàn tay cao hơn cánh tay. Lấy 3 – 5 ml dung dịch vệ sinh rửa tay y tế chuyên dụng và thoa đều lên hai tay rồi thực hiện các bước rửa tay thường quy nhưng lên quá khuỷu tay 5 cm.

Bước 3: Làm ướt bàn chải đánh tay và lấy dung dịch rửa tay vào bàn chải. Dùng bàn chải đánh các đầu ngón tay và các kẽ cạnh ngón tay. Đánh từ cạnh ngoài ngón cái đến lần lượt các ngón tay kia rồi tiếp tục từ cạnh ngoài của ngón út lần lượt đến các ngón kia, quá trình này kết thúc ở cạnh trong ngón cái. Sau đó, tiếp tục đánh vào lòng bàn tay, mu bàn tay, cánh tay.

Bước 4: Dùng bàn chải khác đánh tay còn lại tương tự như tay kia.

Bước 5: Mở nước bằng khuỷu tay hoặc chân, sau đó rửa sạch xà phòng dưới vòi nước chảy mạnh, bàn tay luôn nâng cao. Khoá vòi nước bằng khuỷu tay hoặc chân.

Bước 5: Lấy khăn đã vô khuẩn rồi lau khô tay

Bước 6: Nâng hai tay ngang tầm mắt, bàn tay hướng lên trên. Một người giúp dội cồn 70° vào bàn tay hoặc ngâm tay vào chậu cồn để sát khuẩn tay. Sau đó, để cao tay về phía trước ngực, để tay tự khô.

Rửa tay ngoại khoa
Rửa tay ngoại khoa cần thực hiện đúng theo quy trình

Lưu ý: Khi mặc áo mổ phải để tay của phẫu thuật viên, y tá chỉ tiếp xúc với mặt trong của áo; không được tiếp xúc với bất kỳ đồ vật chưa được khử khuẩn. Khi thắt các dây áo, cổ áo mổ thì phải nhờ một nhân viên khác làm hay. Bên cạnh đó, khi đi găng phẫu thuật đã tiệt trùng thì chỉ để tay tiếp xúc với mặt trong của găng.

Rửa tay ngoại khoa đúng cách không chỉ bảo vệ người bệnh mà còn bảo vệ chính các nhân viên y tế khỏi các nguy cơ nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Vì vậy, hãy thực hiện rửa tay đúng cách, nghiêm túc, thường xuyên và có trách nhiệm để hạn chế các rủi ro, tai biến không mong muốn.

Video đề xuất:

Sát khuẩn tay đúng cách - giảm nguy cơ nhiễm virus Corona 2019

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, phẫu thuật viên Vinmec luôn tuân thủ tuyệt đối các quy trình rửa tay để đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan