Suy hô hấp cấp nguy hiểm như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh, hay còn được biết đến với tên bệnh màng trong, là tình trạng khó hít thở và thường xảy ra ở trẻ sinh non. Nếu không kịp thời cấp cứu suy hô hấp cho trẻ, căn bệnh này sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí khiến trẻ tử vong.

1. Hội chứng suy hô hấp cấp

Hội chứng suy hô hấp cấp được định nghĩa là một rối loạn xảy ra ở đường hô hấp, khi quá trình cung cấp và lưu thông khí O2, cũng như thải trừ CO2 của cơ thể gặp những trục trặc bất thường. Nếu như đường thở bị tắc nghẽn nghiêm trọng và trong thời gian đủ dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng của các cơ quan chủ chốt như phổi, tim mạch, não, và thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Tại Việt Nam, dù đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng tỷ lệ tử vong do suy hô hấp cấp thực tế ghi nhận được là khá cao.

Về mặt sinh lý, hội chứng suy hô hấp cấp đặc trưng bởi sự giảm diện tích (xẹp) phổi và phế nang, cũng như tình trạng lõm ngực ở bệnh nhân. Đối tượng phổ biến mắc phải căn bệnh này là trẻ sinh non, do các cơ quan nội tạng của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ và hoàn chỉnh, đặc biệt là phổi.

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của suy hô hấp xuất hiện chỉ sau từ vài phút đến vài giờ kể từ khi trẻ được sinh ra, khi đã loại trừ các nguyên nhân gây cản trở đường thở thường gặp như nhiễm khuẩn, ngạt nước ối, hít phải phân su.... Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp cấp sẽ có những biểu hiện sau:

  • Khó thở
  • Thở nhanh và gấp trên 60 lần/phút
  • Lõm khoang liên sườn
  • Cánh mũi phập phồng
  • Toàn thân tím tái

Dù đã cho trẻ trợ thở khí oxy nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm thì có thể chẩn đoán trẻ đã bị suy hô hấp cấp.

Trẻ sinh non
Hội chứng suy hô hấp cấp thường xảy ra ở trẻ sinh non

2. Biến chứng nguy hiểm của suy hô hấp cấp

Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp có sao không? Các bác sĩ cho rằng bệnh lý này có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Về lâu dài, hội chứng suy hô hấp cấp sẽ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành và phát triển sau này của bé. Trong trường hợp trẻ không được cấp cứu suy hô hấp kịp thời và điều trị tích cực, đây cũng sẽ trở thành kẻ thù thầm lặng cướp đi tính mạng người bệnh.

Cụ thể, một số biến chứng không mong muốn xuất phát từ hội chứng suy hô hấp cấp có thể kể đến như:

  • Ở tim: Ứ đọng không khí xung quanh, máu bị nhiễm trùng, hình thành huyết khối trong cơ thể, hạ huyết áp và chỉ số đường máu
  • Ở phổi: Tích tụ không khí quanh phổi, chảy máu phổi, viêm phổi và bệnh phổi mạn tính
  • Ở não: Xuất huyết não, thiếu oxy não, trẻ bị chậm phát triển trí tuệ hoặc mất thị lực (mù lòa)
  • Các cơ quan khác: Khó phát triển và thực hiện chức năng bình thường, gây suy thận, ...

Tuy nhiên, di chứng để lại của suy hô hấp cũng còn tùy thuộc vào mức độ của bệnh, cũng như thể trạng của từng bệnh nhân. Các biến chứng mà mỗi cá nhân trẻ gặp phải sẽ không giống nhau. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ kết hợp với được cấp cứu suy hô hấp kịp thời và điều trị đúng cách, nỗ lực chữa bệnh sau khoảng 3 ngày sẽ phát huy hiệu quả. Khi những triệu chứng giảm dần thì trẻ có cơ hội được cứu sống, Tuy nhiên di chứng mà suy hô hấp cấp để lại rất nặng nề, có thể bị thiếu oxy não, xuất huyết não, hạ đường huyết.

Những điều cần biết khi đi khám thai lần đầu
Khám thai định kỳ để phòng tránh rủi ro sinh non

3. Phòng ngừa suy hô hấp cho trẻ sơ sinh

Phụ huynh nên đề phòng hội chứng suy hô hấp cấp cho trẻ ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Cần đặc biệt chú ý đối với những thai phụ có nhiều nguy cơ dẫn đến sinh non, từ đó kéo theo suy hô hấp ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Sinh mổ
  • Thời gian chuyển dạ kéo dài
  • Bị băng huyết sau sinh
  • Mang đa thai
  • Tiểu đường thai kỳ hoặc lâm sàng
  • Điều trị bằng corticoid trong suốt thai kỳ
  • Tiền sử gia đình đã có trẻ mắc bệnh màng trong

Đây là những đối tượng cần được các bác sĩ sản khoa thăm khám, quản lý và theo dõi chặt chẽ theo định kỳ để đề phòng bệnh, cũng như chuẩn bị sẵn sàng hướng xử trí ngay khi bé vừa có dấu hiệu rối loạn hô hấp.

Nếu con bạn buộc phải sinh thiếu tháng, bác sĩ có thể áp dụng một số loại thuốc kích thích cho phổi bé nhanh phát triển và sớm hoàn chỉnh trước khi ra đời. Bên cạnh đó, tuân thủ theo giải pháp điều trị và hỗ trợ chăm sóc bé là cách tốt nhất mà các bậc cha mẹ nên làm để tránh được cho con mình khỏi những biến chứng khôn lường từ hội chứng suy hô hấp cấp.

Hội chứng suy hô hấp cấp là một bệnh lý nguy hiểm. Để ngăn ngừa suy hô hấp ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các bà mẹ mang thai cần phối hợp tốt với bác sĩ sản khoa nhằm đảm bảo cho thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Từ đó, hạn chế được trường hợp sinh non có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp cấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan