Táo bón kéo dài mãn tính có nguy hiểm?


Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bị táo bón có nghĩa là nhu động ruột của bạn hoạt động một cách khó khăn hoặc hoạt động ít hơn bình thường. Hầu như tất cả mọi người đều trải qua tình trạng này ít nhất một lần. Mặc dù táo bón thường không gây nghiêm trọng, nhưng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi cơ thể bạn trở lại bình thường.

1. Dấu hiệu táo bón mãn tính

Một số dấu hiệu thường gặp khi bạn bị táo bón như:

  • Cảm giác không thể đi vệ sinh hoặc đi vệ sinh không hết
  • Mất nhiều thời gian khi đi vệ sinh
  • Nhu động ruột giảm
  • Phân cứng
  • Bụng đầy hơi, đau bụng

Bạn cảm thấy bụng căng đầy nhưng không thể nào giải phóng được chất thải ra khỏi cơ thể.

Với một số người, táo bón mãn tính nghĩa là nhu động ruột không hoạt động bình thường trong nhiều tuần liền.

Đối với một số trường hợp khác, táo bón mãn tính nghĩa là sự căng thẳng hoặc khó khăn khi đi đại tiện, chẳng hạn như bạn muốn đi vệ sinh nhưng không thể nào thực hiện được, bất kể bạn ngồi trong bao lâu.

Thông thường, định nghĩa táo bón mạn tính là tần số bạn đi vệ sinh dưới ba lần mỗi tuần kéo dài trong nhiều tuần.

Táo bón ở trẻ nhỏ
Táo bón nếu không được điều trị dứt điểm sẽ trở thành mãn tính

2. Nguyên nhân gây nên táo bón mãn tính

Một số nguyên nhân gây táo bón, bao gồm:

  • Chế độ ăn: Ít chất xơ và ít uống nước
  • Chức năng: Hội chứng ruột kích thích, Ít vận động, Có thai, Nguyên nhân tâm lý thần kinh (như trầm cảm, lú lẫn..)
  • Thuốc: Thuốc thần kinh ( chống co giật, chống parkinson), Tâm thần ( chống trầm cảm, chống loạn thần), ma túy hoặc opiates, chẹn canxi, kháng toan, sắt, các chế phẩm chất xơ
  • Chuyển hóa, nội tiết và bệnh mạch collagen: Đái tháo đường, suy tuyến yên, suy tuyến giáp, cường cần giáp, tăng Canxi máu, hạ Kali máu, Xơ cứng bì, Suy thận mạn
  • Thần kinh cơ:
    • Não: Tai biến mạch não, Parkinson, U não
    • Tủy sống: U chùm đuôi ngựa, đa xơ cứng, chấn thương tủy sống
    • Thần kinh ngoại biên: Bệnh Hirschsrung, bệnh thần kinh tự động, bệnh Chagas
  • Sinh lý: Táo bón chậm vận chuyển, Giả tắt nghẽn đường ruột, sa trực tràng đại tràng sigma

3. Táo bón kéo dài mãn tính có gây nguy hiểm không?

Nếu bạn hoặc người thân bị táo bón mãn tính, phần lớn sự lo lắng đều xuất phát từ việc thiếu kiến ​​thức về vấn đề này. Nỗi sợ hãi về tình trạng táo bón, sự khó chịu do tình trạng táo bón mãn tính có thể gây ra suy nhược cơ thể. Táo bón có thể ảnh hưởng đến công việc và thậm chí khiến bạn bỏ lỡ các hoạt động giải trí khác. Vậy táo bón mãn tính có thực sự gây nguy hiểm không?

Táo bón mãn tính tự nó không phải là một rối loạn đe dọa tính mạng; Mặc dù các rối loạn nguy hiểm như ung thư đại trực tràng nên được loại trừ bằng nội soi đại tràng khi thích hợp. Nó chỉ nên được điều trị nếu gây ra các biến chứng can thiệp đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Các biến chứng như vậy bao gồm đau bụng, loét đại tràng, thủng đại tràng và các vấn đề về hậu môn trực tràng: nứt hậu môn, trĩ, sa trực tràng, kẹt phân, tắt ruột, đại tiện không tự chủ..

Táo bón kéo dài mãn tính không gây nguy hiểm nhưng gây tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc, vì thế bạn cần lưu ý đến cách ăn uống, luyện tập thể dục và uống nhiều nước.

Thay đổi thói quen đại tiện
Táo bón mãn tính không gây nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh

4. Các biện pháp làm giảm tình trạng táo bón mãn tính

Nếu tìm được nên điều trị theo nguyên nhân gây táo bón. Nếu không tìm được nguyên nhân hoặc điều trị căn bệnh gây táo bón không giúp ích gì nên điều trị theo triệu chứng. Dưới đây là một số cách giúp giảm táo bón mãn tính, bao gồm:

  • Chế độ ăn ít nhất 25-30 gram chất xơ và 6 cốc nước (250 ml/cốc) để tạo được khối phân mềm cho hằng ngày
  • Cố gắng đi vệ sinh như một thói quen vào buổi sáng. Lắng nghe cơ thể của bạn. Luôn luôn đi vệ sinh khi bạn cảm thấy bị thôi thúc.
  • Tập thể dục điều đặn giúp cải thiện nhu động ruột
  • Nếu có tình trạng phân cứng gây tắt nghẽn nên chủ động dùng nhuận tràng

Một số biện pháp cụ thể giảm tình trạng táo bón kéo dài mãn tính như:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: bao gồm nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì và rau quả tươi mỗi ngày. Chúng chứa nhiều chất xơ có thể làm giảm táo bón. Một số loại trái cây, chẳng hạn như táo, mơ, nho, đào, lê, mận, mận, quả mâm xôi và dâu tây có hàm lượng sorbitol cao, đây là thuốc nhuận tràng tự nhiên.
  • Chọn thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt hoặc bánh mì nguyên hạt, thay vì thực phẩm tinh chế và chế biến . Nếu bạn không quen ăn thực phẩm nhiều chất xơ, hãy thử từng chút một để tránh bị đầy hơi. Hãy kiên trì với thói quen này, ngay cả khi bạn không nhận được kết quả ngay lập tức. Chất xơ giúp cải thiện tình trạng táo bón trong vòng vài ngày, nhưng cũng có thể mất đến bốn tuần trước khi bạn cảm nhận được những tác động tích cực.
  • Uống nhiều nước: Bạn cần ít nhất 1,6 lít chất lỏng mỗi ngày. Một vài ly nước ép trái cây mỗi ngày, và nước ép quả mơ và mận là những lựa chọn tốt vì chúng có nhiều sorbitol.
  • Hệ tiêu hóa của mỗi người là khác nhau, vì vậy bạn có thể thử các nguồn thực phẩm khác nhau để giải quyết tình trạng táo bón. Có thể không phải luôn luôn là những thực phẩm giàu chất xơ mới giải quyết được tình trạng này.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe trên một chiếc xe đạp đứng yên, yoga giúp giảm nguy cơ táo bón cũng như tăng cường sức khỏe.
  • Dùng thuốc psyllium, đây là thuốc trị táo bón tạo khối chứa chất xơ.
  • Nếu bạn đang dùng chất bổ sung vitamin có chứa sắt, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để đổi loại khác nếu tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan