Nhận diện cơn tăng huyết áp cấp cứu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm kinh nghiệm khám và điều trị bệnh lý tim mạch can thiệp.

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi. Ức tính có khoảng 1-3% người bệnh tăng huyết áp sẽ gặp cơn tăng huyết áp cấp cứu một vài lần trong đời. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đánh giá và xử trí kịp thời, để ngăn ngừa hay giảm thiểu tổn thương các cơ quan.

1. Tăng huyết áp cấp cứu là gì?

Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng huyết áp tăng rất cao, với chỉ số huyết áp tâm thu đo được là >180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương đo được là >120 mmHg với các biểu hiện đe dọa hoặc tổn thương các cơ quan đích đang tiến triển

2. Phân loại tăng huyết áp cấp cứu

Tăng huyết áp tăng rất cao: huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 120 mmHg, kèm theo một trong những bệnh cảnh sau:

  • Đau đầu dữ dội, xuất huyết não, đột quỵ;
  • Bị suy tim trái cấp (khó thở, hen tim);
  • Đáy mắt bị tổn thương độ 3 – 4 (xuất huyết, phù gai);
  • Viêm cầu thận cấp
  • Phình bóc tách động mạch chủ;
  • Xuất huyết hệ động mạch cảnh ngoài.
Tụt huyết áp
Tăng huyết áp cấp cứu

3. Điều trị tăng huyết áp cấp cứu

Bệnh nhân cần được điều trị nhanh chóng để giảm huyết áp nhưng không giảm quá nhiều vì có thể làm thiếu máu thận, não hay mạch vành.

Huyết áp trung bình giảm không quá 25% trong giờ đầu tiên. Sau đó, nếu bệnh nhân ổn định thì tiếp tục giảm thêm huyết áp tâm thu xuống khoảng 160 mmHg và huyết áp tâm trương xuống khoảng 100 -110 mmHg trong vòng 2 - 6 giờ tiếp theo. Đưa huyết áp trở về bình thường sau 24 - 48 giờ tiếp theo.

Có một số trường hợp điều trị riêng biệt, như huyết áp tâm thu < 120mmHg trong giờ đầu với bệnh nhân bóc tách động mạch chủ hay với bệnh nhân tiền sản giật, sản giật cần giảm huyết áp tâm thu < 140 trong giờ đầu.

Khi được điều trị tăng huyết áp cấp cứu đúng cách, bệnh nhân sẽ có tiên lượng tốt.

4. Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp cấp cứu

Thuốc tiêm đường tĩnh mạch gồm có:

  • Nitroprusside: Liều dùng 0,25 - 10 mg/kg/phút (liều tối đa chỉ 10 phút), có tác dụng tức thì và kéo dài trong 1 - 2 phút. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng không mong muốn là có thể gây buồn nôn, nôn, giật cơ, đổ mồ hôi, nhiễm độc thiocyanate và cyanide. Thuốc được chỉ định trong hầu hết các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu, nhưng cần cẩn thận khi áp lực nội sọ cao hoặc tăng ure máu;
  • Nicardipine: Liều dùng 5 - 15 mg/giờ, bắt đầu tác dụng 1 - 5 phút sau khi tiêm và kéo dài trong 1 - 4 giờ. Thuốc có tác dụng không mong muốn là làm nhịp nhanh, nhức đầu, đỏ mặt, viêm tĩnh mạch khu trú. Thuốc được chỉ định trong hầu hết các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu trừ suy tim cấp và cẩn thận khi thiểu năng vành;
  • Nitroglycerin: Liều dùng 5 - 100 μg/phút, bắt đầu tác dụng 2 - 5 phút sau khi tiêm và kéo dài trong 3 - 5 phút. Tác dụng không mong muốn của thuốc là làm nhức đầu, nôn, methemoglobin máu, dung nạp thuốc khi dùng lâu. Thuốc được chỉ định trong hầu hết các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu trừ trường hợp tăng nhãn áp và thiếu máu cơ tim;
  • Hydralazine: Liều dùng 10 - 20 mg (tiêm tĩnh mạch) và 10 - 50 mg (tiêm bắp), bắt đầu tác dụng 10 - 20 phút sau khi tiêm tĩnh mạch và 20 - 30 phút sau khi tiêm bắp, có tác dụng kéo dài trong 3 - 8 giờ. Tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp cấp cứu này là làm nhịp nhanh, đỏ mặt, nhức đầu, nôn, làm nặng đau thắt ngực. Thuốc được chỉ định đặc biệt với trường hợp co giật;
  • Esmolol: Liều dùng 250 - 500 μg/kg/phút tiêm tĩnh mạch trong 1 phút, sau đó truyền tĩnh mạch 500 - 1000 μg/kg/phút. Có thể lặp lại liều 500 μg/kg mỗi 5 phút và tăng liều truyền tĩnh mạch thêm 50 μg/kg/phút (tối đa 300 μg/kg/phút). Sau khi tiêm 1 - 2 phút, thuốc bắt đầu có tác dụng và kéo dài trong 15 - 30 phút. Tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp cấp cứu này là làm tụt huyết áp và gây buồn nôn. Thuốc được chỉ định đặc biệt với trường hợp bóc tách động mạch chủ sau phẫu thuật;
  • Enalaprilat: Liều dùng 1,25 - 5 mg mỗi 6 giờ truyền tĩnh mạch, có tác dụng 15 - 30 phút sau khi truyền và kéo dài trong 6 giờ. Tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp cấp cứu này là làm tụt huyết áp khi renin cao, đáp ứng thay đổi. Thuốc được chỉ định đặc biệt với trường hợp suy thận trái cấp;
  • Labetalol: Liều dùng 20 - 80 mg mỗi 10 phút tiêm tĩnh mạch và 0,5 - 2 mg/phút truyền tĩnh mạch, bắt đầu có tác dụng sau 5 -10 phút và kéo dài trong 3 - 6 giờ. Tác dụng phụ của thuốc là gây nôn, ngứa da đầu, nóng cổ họng, chóng mặt, buồn nôn, block tim, tụt huyết áp tư thế. Thuốc được chỉ định với hầu hết trường hợp tăng huyết áp cấp cứu trừ suy tim cấp.

Thuốc dùng đường uống gồm có:

  • Nitroglycerine (dạng xịt hoặc ngậm dưới lưỡi);
  • Captopril (ngậm dưới lưỡi);
  • Clonidin
  • Adalate (dạng dịch, viên nhộng, nhỏ dưới lưỡi);
  • Natispray (dạng xịt dưới lưỡi).
Gói khám Tăng huyết áp nâng cao
Các gói khám Tăng huyết áp do Bệnh viện Vinmec triển khai là lựa chọn hàng đầu giúp xác định chính xác nguyên nhân, biến chứng và các cấp độ tăng huyết áp

Kiểm soát huyết áp tốt nhất bằng thuốc tiêm, vì dễ dàng điều chỉnh liều và tránh hạ quá mức, Nên lựa chọn thuốc có tác dụng nhanh, ngắn và nên có sẵn uống để thuận lợi cho quá trình chuyển đổi thuốc khi ra viện.

Nhận diện và điều trị cơn tăng huyết áp cấp cứu đúng cách giúp người bệnh được cứu chữa kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng. Các kiến thức này đặc biệt cần thiết với người bệnh cũng như người thân để biết cách xử lý khi tăng huyết áp cấp cứu xảy ra.

Để phòng ngừa những cơn tăng huyết áp cấp cứu có thể xảy ra, người bị tăng huyết áp và cả những người chưa bị tăng huyết áp nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ cao nên đi khám tăng huyết áp tại bệnh viện uy tín, để được đánh giá toàn diện và chuyên sâu tình trạng huyết áp của mình, từ đó có các can thiệp điều trị kịp thời.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan