Trầm cảm sau sinh được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh mà còn tác động xấu đến gia đình và xã hội.

1. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh

Hiện nay vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến trầm cảm sau sinh. Bệnh lý này là hậu quả của nhiều tác động khác nhau như ảnh hưởng tâm lý, thể chất và sự rối loạn hormone. Dưới đây là một số nguyên nhân đề xuất có thể gây ra trầm cảm sau sinh:

  • Về mặt sinh lý: trong giai đoạn mang thai, nồng độ hormone nữ tăng cao nhưng đến sau khi sinh lượng hormone này lại giảm rất nhanh. Sự thay đổi hocmon đột ngột kéo theo nhiều sự thay đổi về tâm lý và cả thể chất. Bên cạnh đó, hormone vỏ thượng thận và hormone tuyến giáp giảm đi cũng góp phần gây ra chứng trầm cảm sau sinh.
  • Về mặt thể chất: phụ nữ có tiền sử bị bệnh trầm cảm có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh cao gấp 3-5 lần so với phụ nữ bình thường. Phụ nữ sau sinh phải chăm sóc con dẫn tới tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ thường xuyên cũng khiến trầm cảm dễ xuất hiện. Ngoài ra, các sản phụ có tiền sử bị bệnh tâm lý, hay căng thẳng, lo lắng hoặc sản phụ còn ít tuổi cũng dễ mắc trầm cảm sau sinh.
  • Về mặt tâm lý: sản phụ sau sinh phải chịu nhiều áp lực như vấn đề chăm sóc con cái, gia đình, sự thay đổi ngoại hình, chuyển đổi công việc, hay không nhận được sự quan tâm của gia đình...Tất cả các yếu tố đó có thể tác động đến tâm lý của sản phụ, khiến sản phụ căng thẳng, mệt mỏi và dễ mắc trầm cảm sau sinh.

2. Chẩn đoán trầm cảm sau sinh

tram-cam-sau-sinh-1
Để chẩn đoán trầm cảm sau sinh, có thể dựa vào tiêu chuẩn của DSM-5 hay ICD-10

Để chẩn đoán trầm cảm sau sinh, có thể dựa vào tiêu chuẩn của DSM-5 hay ICD-10. Dưới đây là các tiêu chuẩn phổ biến để chẩn đoán trầm cảm

Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5

Có ít nhất 5 triệu chứng cùng tồn tại trong thời gian tối thiểu là 2 tuần và có thay đổi chức năng so với trước đây trong đó phải có ít nhất 2 triệu chứng là khí sắc trầm cảm và mất quan tâm hứng thú bao gồm:

  1. Khí sắc trầm cảm biểu hiện cả ngày và kéo dài.
  2. Giảm hoặc mất quan tâm hứng thú với mọi hoạt động trước đây vốn có.
  3. Giảm trọng lượng cơ thể trên 5%/1 tháng.
  4. Mất ngủ vào cuối giấc (ngủ dậy sớm ít nhất là 2 giờ so với bình thường).
  5. Ức chế tâm thần vận động hoạt kích động trong phạm vị hẹp (kích động trong phạm vi xung quanh giường ngủ của mình).
  6. Mệt mỏi hoặc cảm giác mất năng lượng kéo dài.
  7. Có cảm giác vô dụng hoặc có cảm giác tự tội quá đáng hoặc cảm giác không thích hợp khác.
  8. Giảm năng lượng suy nghĩ, giảm tập trung chú ý, giảm khả năng đưa ra các quyết định.
  9. Có ý định tự sát.
  • Các triệu chứng này gây ra sự đau khổ về mặt lâm sàng, ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
  • Các triệu chứng không phải do các tác động sinh lý của một chất hoặc một bệnh nào đó.
  • Các triệu chứng này không đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán của giai đoạn hỗn hợp

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo ICD-10

Có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng đặc trưng sau :

  1. Khí sắc trầm cảm.
  2. Giảm hoặc mất mọi sự quan tâm và thích thú.
  3. Giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động.

Có ít nhất 3 trong 7 triệu chứng phổ biến sau :

  1. Giảm sự tập trung chú ý.
  2. Giảm tính tự trọng và lòng tự tin.
  3. Có những ý tưởng bị tội và không xứng đáng.
  4. Nhìn tương lai ảm đạm và bi quan.
  5. Có ý tưởng và hành vi tự sát.
  6. Rối loạn giấc ngủ.
  7. Ăn uống không ngon miệng

*Các triệu chứng phải tồn tại ít nhất 2 tuần

Bác sĩ có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán trầm cảm sau sinh. Không có xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán trầm cảm sau sinh nhưng có một số xét nghiệm có thể hỗ trợ chẩn đoán, cụ thể như sau:

  • Xét nghiệm nồng độ serotonin trong huyết tương của bệnh nhân hoặc trong dịch não tủy. Nhiều nghiên cứu cho thấy nồng độ serotonin ở bệnh nhân trầm cảm thấp hơn so với người bình thường, có trường hợp chỉ còn khoảng 30% so với người bình thường. Nếu được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, nồng độ serotonin của bệnh nhân sẽ tăng dần đi kèm với đó là sự cải thiện các triệu chứng lâm sàng.
  • Đo điện não đồ: Điện não đồ của bệnh nhân trầm cảm thường có dạng tăng chỉ số sóng beta, giảm chỉ số và biên độ sóng alpha.
  • Chụp MRI sọ não: Khi chụp MRI sọ não các bệnh nhân trầm cảm có thể phát hiện sự teo nhỏ của một số vùng não.

3. Điều trị trầm cảm sau sinh

tram-cam-sau-sinh-2
Có nhiều phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh

Để điều trị trầm cảm sau sinh hiệu quả, cần có sự kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau như: sử dụng thuốc chống trầm cảm, tư vấn tâm tâm lý từ bác sĩ chuyên khoa và sự hỗ trợ từ gia đình.

3.1 Thuốc chống trầm cảm

Các thuốc chống trầm cảm tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó giúp điều chỉnh tâm trạng người bệnh. Một số thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: nhóm thuốc này tác động lên cả nồng độ của serotonin và norepinphrine. Các thuốc phổ biến gồm: Amitriptylin, Clomipramin, Imipramin,...Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là gây buồn ngủ, khô miệng, táo bón, bí tiểu,...
  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin: gồm các thuốc sau Fluoxetin, Sertraline, Paroxetine,...Các thuốc này dung nạp khá tốt và khá an toàn khi cho con bú vì lượng thuốc bài tiết qua sữa mẹ ít.
  • Ngoài ra còn các loại thuốc khác được sử dụng trong điều trị trầm cảm sau sinh như Selegiline, Mirtazapine, Benzodiazepine,...

Các thuốc chống trầm cảm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và cả bé thông qua sữa mẹ. Do đó, không được sử dụng thuốc chống trầm cảm bừa bãi, phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

3.2 Điều trị không dùng thuốc

Tư vấn tâm lý: đây là liệu pháp được ưu tiên lựa chọn khi bệnh đang ở giai đoạn nhẹ. Các bác sĩ tâm lý, chuyên gia tư vấn sẽ trò chuyện, hỗ trợ người bệnh vượt qua các chướng ngại tâm lý trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, động viên từ gia đình cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Người thân nên quan tâm, chú ý hơn tới người bệnh, để ý các dấu hiệu bất thường và đảm bảo người bệnh uống thuốc đầy đủ. Ngoài ra bệnh nhân cần tăng cường thư giãn, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao, tiếp xúc, nói chuyện với người thân, bạn bè nhiều hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan