Trường hợp nào nên xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Người trực tiếp phơi nhiễm với hơi hoặc các hợp chất của thủy ngân, ở gần khu vực bị ảnh hưởng hoặc có các dấu hiệu nhiễm độc nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe của mình.

1. Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân

Thủy ngân là một kim loại nặng có ánh bạc, có dạng lỏng ở nhiệt độ thường, ở dạng nguyên tố thì ít độc hơn, tuy nhiên khi ở dạng hợp chất hoặc muối hay dạng hơi thì lại rất độc. Đây là nguyên nhân gây ra các tổn thương não và gan khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ. Nhiễm độc thủy ngân có thể do nhiều nguyên nhân, vì thế triệu chứng có thể khác nhau, phụ thuộc vào loại, liều lượng, phương pháp và thời gian tiếp xúc. Hít thủy ngân nguyên tố và nuốt thủy ngân vô cơ gây ngộ độc cấp, trong khi tiếp xúc với dạng hữu cơ như ăn phải cá chứa thủy ngân thường gây ngộ độc mạn.

Thủy ngân liên kết với các nhóm sulfhydryl trong nhiều enzyme và protein của mô tế bào, và do đó gây độc trực tiếp cho các tế bào và chức năng của tế bào. Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô bao gồm bộ não. Nó cũng truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi. Dấu hiệu đầu tiên của việc nhiễm độc thủy ngân là hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, gọi là chứng dị cảm.

Trong trường hợp bệnh nhân bị phơi nhiễm do hít phải khói độc có thủy ngân, chất độc đồng thời tấn công vào cả hệ hô hấp gây bệnh phổi nặng cấp tính, não, gan và cả hệ thần kinh. Triệu chứng có thể xuất hiện chỉ trong vòng vài giờ sau đó. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm: sốt, ớn lạnh, thở khó , tức ngực. Bệnh nhân có thể bị viêm miệng, cảm thấy lơ mơ, co giật đau bụng, choáng váng, sau đó nôn mửa, chân tay tê yếu, viêm ruột, tiểu ít dần và biến chuyển thành suy thận... Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến có thể nặng hơn, diễn tiến thành phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.

Ngoài ra ngộ độc thủy ngân có thể mắc phải qua đường ăn uống (dạng thủy ngân hữu cơ methylmercury) hoặc tiếp xúc da (thường là thủy ngân vô cơ).

truong-hop-nao-nen-xet-nghiem-nhiem-doc-thuy-ngan-1
Nhiễm độc thủy ngân gây khó thở

2. Ai nên đi xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân?

Thủy ngân có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá (nguồn thủy ngân cao nhất đưa vào không khí), lò đốt rác và đám cháy rừng. Các nguồn quan trọng khác do con người tạo ra bao gồm sản xuất vàng, sản xuất kim loại màu, sản xuất xi măng, xử lý chất thải, hỏa táng của con người, sản xuất xút, sản xuất gang và thép, sản xuất thủy ngân (chủ yếu để tạo ra pin).

Bác sĩ khuyên những người ở khoảng cách xa đám cháy, không hít hơi nóng nên nguy cơ thấp, không nhất thiết đến viện kiểm tra. Nguy cơ ngộ độc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ khói, thời gian tiếp xúc, không gian rộng hẹp, tuổi tác...

Tuy nhiên ngộ độc thủy ngân không có cách thải độc tự nhiên hay thải độc tại nhà mà bắt buộc phải được điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong một số trường hợp phổ biến dưới đây, người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị thải độc kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra:

2.1. Người trực tiếp phơi nhiễm với các dạng thủy ngân

Những người phơi nhiễm trực tiếp với các dạng hợp chất, hơi thủy ngân là đối tượng đầu tiên cần đi khám, xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân. Thủy ngân trong môi trường nóng sẽ bốc hơi, tạo thành các dạng hợp chất độc hòa vào không khí nên nguy cơ ngộ độc cao hơn bình thường.

Chẳng hạn như khi trong trường hợp chữa cháy thì người trực tiếp chữa cháy, người dân ở khu vực ngay cạnh, người có phận sự phải ở gần như cán bộ đến chỉ đạo, phóng viên,... thì nên đi kiểm tra mức thủy ngân trong máu.

Sơ cứu bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân tại chỗ bằng cách nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi môi trường gây ngộ độc, cởi bỏ quần áo nếu trên da có dính thủy ngân, rửa bằng nước sạch, rửa mắt nếu có tiếp xúc vào mắt... Sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện kiểm tra thận, phổi, gan, máu, đường hô hấp.

Một trường hợp phơi nhiễm với thủy ngân lỏng hay gặp đó là khi bị vỡ nhiệt kế thủy ngân tại nhà. Trong trường hợp này, cần nhanh chóng di chuyển mọi người, đặc biệt là trẻ em ra khỏi khu vực có thủy ngân. Đi găng tay hoặc bọc tay bằng nilon để thu gom các hạt thủy ngân lại, tránh gây nóng làm bốc hơi thủy ngân sẽ gây độc.

Nếu không may trẻ em nuốt phải thủy ngân lỏng của nhiệt kế, thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Thủy ngân hấp thu không đáng kể qua đường tiêu hóa (khoảng 0.01% qua ruột khỏe mạnh), có thể bị đào thải ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên sau vài ngày nếu hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Ngộ độc do nuốt không gây nôn và cũng không rửa dạ dày, do nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt do không có tác dụng hấp phụ kim loại , tuyệt đối không móc họng, gây ói vì sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Nếu không hít sặc, chỉ cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định và đánh giá lượng Hg đã nuốt được bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn phải đưa trẻ em đến trung tâm y tế để kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong thời gian chờ đến viện nên cho trẻ uống thêm nước. Lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ để tránh táo bón. Nếu trường hợp niêm mạc hầu họng có tổn thương sẽ gây phù nề nhiều, nên đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn đường hô hấp.

2.2. Người có phơi nhiễm (gián tiếp) với nhiễm độc thủy ngân cấp và có biểu hiện

Khi ở gần khu vực có phơi nhiễm với thủy ngân mà có các biểu hiện như đau đầu, cay mắt mũi, ho, tức ngực, khó thở,... thì người dân nên đến bệnh viện xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân.

Trên thực tế, những biểu hiện ban đầu của nhiễm độc thủy ngân có thể giống với biểu hiện bệnh do các nguyên nhân khác. Đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ phơi nhiễm với hơi thủy ngân do đám cháy, thì tức ngực hay khó thở ở bệnh nhân còn có thể do hít phải khí CO, các hợp chất của lưu huỳnh gây kích ứng đường hô hấp và đau đầu. Tuy nhiên, dù là do nguyên nhân nào, bệnh nhân cũng không nên chủ quan. Tốt nhất là đến bệnh viện kiểm tra tình trạng của mình để có biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp cần thiết.

Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân mạn, điển hình nhất là các trường hợp ăn nhiều hải sản bị nhiễm độc thủy ngân hữu cơ, thì các biểu hiện ngộ độc như run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân và căng thẳng tâm lý,... cũng có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh khác. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên đi khám để biết chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.

truong-hop-nao-nen-xet-nghiem-nhiem-doc-thuy-ngan-2
Người có phơi nhiễm với nhiễm độc thủy ngân dễ bị đau đầu

2.3. Nếu ở xa khu vực nguy hiểm

Những người ở xa, không tiếp xúc gần với khu vực phơi nhiễm, nhiễm độc hay khu vực cháy có hơi thủy ngân và không có cảnh báo nguy hiểm thì không nhất thiết phải đến bệnh viện xét nghiệm gây tốn kém chi phí không cần thiết.

Hơn nữa, trong một số trường hợp cháy có hơi thủy ngân, vẫn còn có các khí độc khác có thể gây ngộ độc với triệu chứng tương tự nhau nên người dân cần bình tĩnh, nếu có các dấu hiệu bất thường của cơ thể thì mới cần phải đi kiểm tra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: