Bạch cầu mãn tính dòng tế bào tủy xương (CML): Yếu tố nguy cơ, các giai đoạn

Bệnh bạch cầu dòng tế bào tủy xương hay bạch cầu mạn dòng tủy (CML) là bệnh ung thư hiếm gặp của tủy xương - mô xốp bên trong xương có chức năng tạo ra các tế bào máu.

1. Yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ là các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư của một người. Mặc dù các yếu tố nguy cơ thường ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư nhưng hầu hết không trực tiếp gây ra bệnh ung thư. Một số người có yếu tố nguy cơ nhưng lại không mắc bệnh ung thư, trong khi những người khác không có yếu tố nguy cơ nhưng lại mắc ung thư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu biết các yếu tố nguy cơ thì bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra các lời khuyên về lối sống và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML), mặc dù các nhà nghiên cứu hiện đã hiểu bệnh phát triển như thế nào từ những thay đổi di truyền trong các tế bào tủy xương. Các yếu tố môi trường chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguyên nhân dẫn đến bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) và yếu tố gia đình không đóng vai trò trong sự phát triển bệnh.

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML):

  • Tuổi tác: Độ tuổi trung bình của những người được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) là khoảng 64 và bệnh này không phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Tiếp xúc với bức xạ: Rất nhiều người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 ở Nhật Bản và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Ngoài ra, người bệnh được điều trị xạ trị trong bệnh viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis) có nguy cơ mắc bệnh CML. Tuy nhiên, không có mối liên hệ giữa bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) và xạ trị hoặc hóa trị liệu được thực hiện cho những người bệnh mắc ung thư hoặc các bệnh khác.
  • Giới tính: Đàn ông có nhiều khả năng cao mắc bệnh CML hơn phụ nữ.
Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho
Tuổi tác là yếu tố gây nên bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML)

2. Các giai đoạn của bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML)


Để giúp các bác sĩ lên kế hoạch điều trị và tiên lượng, bệnh CML được chia thành 3 giai đoạn khác nhau: mãn tính, tiến triển và chuyển cấp.

  • Giai đoạn mãn tính: Máu và tủy xương chứa ít hơn 10% tế bào non ác tính (tế bào blast), đây là các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành. Giai đoạn này có thể kéo dài trong vài năm. Tuy nhiên, nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả thì bệnh có thể chuyển sang giai đoạn tiến triển hoặc chuyển cấp. Khoảng 90% người mắc CML được chẩn đoán ở giai đoạn mãn tính. Một số người mắc bạch cầu mạn dòng tủy (CML) giai đoạn mãn tính có các triệu chứng khi họ được chẩn đoán nhưng cũng có những trường hợp không có triệu chứng gì, và chỉ được phát hiện khi đi khám về bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ. Hầu hết các triệu chứng biến mất khi người bệnh được điều trị.
  • Giai đoạn tiến triển: Hiện nay, có nhiều cách định nghĩa xác định người bệnh ở giai đoạn này, tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân mắc CML giai đoạn tiến triển đều có tế bào non ác tính từ 10% đến 19% ở cả máu và tủy xương hoặc hơn 20% bạch cầu đa múi ưa kiềm (basophils) trong máu ngoại vi.
  • Giai đoạn chuyển cấp: Trong giai đoạn này, có ít nhất 20% tế bào non ác tính trong máu hoặc tủy xương và rất khó kiểm soát số lượng tế bào bạch cầu. Các tế bào bạch cầu mạn dòng tủy (CML) thường có thêm những thay đổi di truyền. Các tế bào non ác tính có thể trông giống như các tế bào chưa trưởng thành được thấy ở những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư máu khác, đặc biệt là khoảng khoảng 25% bệnh nhân mắc bạch cầu cấp dòng lympho (acute lymphoblastic leukemia) hoặc phần lớn người bệnh mắc bạch cầu tủy bào cấp tính (Acute Myeloid Leukaemia). Bệnh nhân trong giai đoạn này thường bị sốt, lách to, sụt cân và thường xuyên mệt mỏi.

Trong trường hợp tái bệnh CML, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm khác để tìm hiểu về mức độ của bệnh. Những xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho lần này thường giống như những xét nghiệm đã được thực hiện ở lần chẩn đoán ban đầu. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan