Vì sao khó trị dứt điểm viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em là tình trạng niêm mạc mũi (màng lót bên trong mũi) bị viêm do dị ứng với các tác nhân bên trong và ngoài cơ thể. Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng histamin gây ngứa, sưng và tích tụ chất lỏng ở bên trong mũi. Viêm mũi dị ứng là căn bệnh rất thường gặp ở trẻ em, dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, tái đi tái lại, khó dứt điểm bệnh.

1. Bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em đang gia tăng

Khí hậu đặc trưng của Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Một năm nước ta có 4 mùa nhưng nhận thấy rõ nhất là hai mùa khí hậu đặc trưng: mùa hè nóng ẩm với gió mùa tây nam và mùa đông lạnh khô với gió mùa đông bắc. Khí hậu trong năm thay đổi nhiều lần là điều kiện để bệnh viêm mũi dị ứng phát triển. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế ở các đô thị lớn làm ảnh hưởng đến môi trường, sự ô nhiễm môi trường ngày càng tăng sẽ kéo theo sự gia tăng về số lượng bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, đặc biệt ở trẻ em với sức đề kháng yếu.

2. Nguyên nhân khiến viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ khó trị dứt điểm

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em khó điều trị khỏi hoàn toàn, thường xuyên tái phát vì cơ chế gây bệnh liên quan đến dị ứng. Chất gây dị ứng được gọi là dị ứng nguyên, vốn xuất hiện đầy rẫy trong môi trường sống. Vì vậy, chỉ khi loại bỏ hoàn toàn dị ứng nguyên, nghĩa là không để trẻ tiếp xúc với chúng nữa, thì mới mong trị khỏi bệnh. Trên thực tế, điều này không dễ thực hiện.

Viêm mũi dị ứng trẻ nhỏ
Thời tiết thất thường là một trong nhiều nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ

Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em tồn tại trong môi trường, trong nguồn không khí hàng ngày trẻ hít phải, như mạt bụi nhà, nấm mốc, con gián, lông vật nuôi, các hạt phấn hoa, các loại cỏ dại, mỹ phẩm, chất tẩy rửa,... Bệnh liên quan đến những yếu tố nguy cơ sau: cơ địa trẻ vốn nhạy cảm với dị ứng nguyên, gia đình có bố hoặc mẹ thường bị dị ứng hoặc trong phả hệ có người bị dị ứng, trẻ hay tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, như hít phải bụi nhà, lông chó mèo, phấn hoa, mỹ phẩm như nước hoa, phấn rôm, mùi thơm từ nước giặt, xả quần áo. Bệnh còn gây ra bởi yếu tố nhiễm khuẩn, yếu tố môi trường khí hậu do thời tiết đột ngột thay đổi (trời trở lạnh, tăng giảm độ ẩm), môi trường ô nhiễm, nồng độ chất độc tăng cao trong không khí, gây kích thích niêm mạc hốc mũi, tạo điều kiện để viêm mũi dị ứng xuất hiện. Ngoài ra, yếu tố dị hình về cấu trúc và giải phẫu của hốc mũi cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Một số loại dị ứng nguyên xuất hiện quanh năm, trong khi số khác xuất hiện nhiều hơn trong các mùa đặc biệt, ví dụ như: mạt nhà, nấm mốc, côn trùng thường tăng cao vào mùa hè nhiều mưa, độ ẩm cao, còn phấn hoa, phấn cỏ thường gặp hơn vào dịp cuối năm, gần Tết.

Điều này giải thích tại sao triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ thường xuất hiện quanh năm, khó điều trị và có thể nặng hơn vào một số khoảng thời gian trong năm. Các dị nguyên này thường rất nhỏ, tồn tại trong không khí và rất khó để xác định được chính xác loại dị nguyên nào gây ra tình trạng viêm mũi của bé. Do đó, các bác sĩ phải thực hiện các xét nghiệm dị ứng chuyên biệt để giúp bố mẹ tìm ra nguyên nhân, từ đó tìm ra phương án điều trị hiệu quả.

3. Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Mục tiêu điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em nhỏ chủ yếu là giảm các triệu chứng xuống mức tối thiểu và lựa chọn các thuốc phù hợp, vừa hiệu quả vừa ít gây tác dụng phụ không mong muốn. Có nhiều thuốc trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em, được phân ra 2 nhóm: thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ (xông hoặc phun xịt trực tiếp vào mũi).

Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Cha mẹ có thể sử dụng thuốc để điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em

3.1. Nhóm thuốc uống

  • Thuốc kháng histamin trị dị ứng (như clorpheniramin, loratadin, cetirizin) giúp giảm triệu chứng ngứa mũi, chảy mũi, sổ mũi, chảy nước mắt, nhưng không có tác dụng điều trị nghẹt mũi;
  • Thuốc kháng sinh được dùng khi nguyên nhân gây bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn;
  • Thuốc uống nhóm glucocorticoid, như prednison, prednisolon, dexamethason, chỉ dùng khi bị viêm mũi xoang nặng và mạn tính.

3.2. Nhóm thuốc dùng tại chỗ

Thuốc nhỏ mũi chứa hoặc phun xịt có chứa NaCl 0,9% (còn gọi là dung dịch “nước muối sinh lý”) giúp làm thông thoáng, sạch mũi. Đây là loại thuốc viêm mũi dị ứng phù hợp cho trẻ em, nhũ nhi, phụ nữ có thai và cả người lớn.

Khi nhận thấy triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em xuất hiện kéo dài mà bố mẹ không rõ nguyên nhân thì nên đưa đi thăm khám ở bệnh viện hoặc phòng khám bác sĩ chuyên về nhi khoa hoặc dị ứng để bé được khám kỹ lưỡng, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, tầm soát các bệnh lý dị ứng khác có thể đồng mắc, để bé được điều trị đúng và đầy đủ.

Chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chuyên khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường như: viêm mũi, viêm mũi dị ứng, viêm mũi mãn tính, viêm amidan, viêm đau họng, ù tai, viêm mũi không do dị ứng, ung thư cổ họng; các khối u vùng đầu mặt cổ, các dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp ngoại khoa phổ biến.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan