Viêm tụy mạn tính xảy ra thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm tụy mạn là tổn thương tụy kéo dài, chức năng tụy không còn được đảm bảo, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Dù bệnh ít gặp trong cộng đồng nhưng tác động khá nặng nề, trong khi phần lớn các trường hợp là có thể phòng tránh được.

1. Viêm tụy mạn là gì?

Tụy là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, hình chiếc lá và nằm ẩn vào thành sau ổ bụng. Cơ quan này vừa có chức năng nội tiết, vừa có chức năng ngoại tiết.

Chức năng nội tiết của tụy là tiết ra các hormone duy trì nồng độ glucose trong máu; nếu insulin do tụy tiết ra quá ít hay các mô cơ thể có sự đề kháng, lượng đường trong máu tăng lên gây ra đái tháo đường. Đối với chức năng ngoại tiết, tụy sản xuất ra các men tiêu hóa, theo ống tụy cùng với dịch mật đổ vào tá tràng, phân giải thức ăn thành các phân tử dinh dưỡng để hấp thu vào trong máu.

Những đợt viêm cấp tính xảy trên nhu mô tụy cuối cùng sẽ dẫn đến viêm tụy mạn. Đây là một quá trình bệnh lý đặc trưng bởi sự tổn thương tụy không hồi phục, được xác định bằng các bất thường mô học bao gồm viêm mạn tính, xơ hóa và sự phá hủy mô tụy ngoại tiết lẫn nội tiết.

2. Các nguyên nhân gây viêm tụy mạn

Nguyên nhân gây viêm tụy mạn rất đa dạng. Có thể nói bất cứ tác nhân nào làm viêm tụy cấp tái đi tái lại đều dẫn đến viêm tụy mạn.

Trong đó, rượu là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm tụy mạn, chiếm 70% các trường hợp. Lượng cồn cần tiêu thụ để dẫn đến viêm tụy mạn phải đạt ít nhất 150g mỗi ngày và kéo dài trong ít nhất 5 năm. Theo đó, rượu sẽ gây viêm tụy từng đợt cấp ở các đối tượng nghiện rượu sau khi tiêu thụ sau một thời gian dài. Ban đầu là các cơn đau đột ngột, dữ dội; sau đó, các cơn rút ngắn khoảng cách và cũng giảm dần về mức độ đau, người bệnh đau âm ỉ kéo dài kèm suy kiệt do không hấp thu được dinh dưỡng.

Trong nhóm nguyên nhân độc chất và chuyển hóa, còn có yếu tố viêm tụy mạn do hút thuốc lá, tăng calci máu, tăng lipid máu, suy thận mạn hay dùng các loại thuốc.

Tương tự như viêm tụy cấp, viêm tụy mạn cũng có thể là hệ quả của sự tắc nghẽn kéo dài như tắc nghẽn ống tụy mật, dị dạng phôi thai tụy đôi, rối loạn cơ vòng Oddi, nang tá tràng trước nhú. Bên cạnh đó, bệnh lý này còn là di chứng sau viêm tụy cấp hoại tử, viêm tụy do bệnh lý mạch máu, thiếu máu cục bộ tại tụy.

Ngoài ra, viêm tụy mạn còn có nguyên nhân do các bệnh lý tự miễn, các bất thường trong di truyền cũng như viêm tụy vô căn.

3. Triệu chứng của viêm tụy mạn như thế nào?

viem-tuy-man-1
Giống như viêm tụy cấp, tổn thương tụy mạn tính cũng đặc trưng bởi tình trạng đau bụng

Giống như viêm tụy cấp, tổn thương tụy mạn tính cũng đặc trưng bởi tình trạng đau bụng. Tuy nhiên, người bệnh có quá trình đau kéo dài tại thượng vị hay đôi khi chỉ là cảm giác căng tức. Cơn đau thường tăng lên rõ rệt vào mỗi bữa ăn hoặc khi có uống rượu. Đau lan xuyên ra sau lưng hoặc ra một nửa phần bụng trên, thỉnh thoảng lan xuống nửa dưới. Để hạn chế đau, người bệnh thường bất động trong tư thế khum người như ngồi cúi ra trước hoặc nằm co chân, rất hạn chế nằm ngửa hay ưỡn người vì sẽ khiến đau nhiều hơn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng thường buồn nôn, nôn ói, chán ăn, ăn uống rất kém. Hệ quả là họ bị sụt cân liên tục đến mức suy kiệt. Nguyên nhân sụt cân phần lớn do ăn ít vì sợ đau bụng tăng lên hơn, một phần khác do kém hấp thu và đái tháo đường không kiểm soát.

Điểm khác biệt của viêm tụy cấp so với viêm tụy mạn là sự biểu hiện rõ ràng của suy giảm chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy. Đái tháo đường do tụy nội tiết là loại đái tháo đường phụ thuộc hoàn toàn vào insulin với những biến chứng, nguy cơ tim mạch tương tự như đái tháo đường vô căn.

Đối với chức năng ngoại tiết, do tụy không còn bài tiết được các men tiêu hóa nên thực phẩm ăn vào không được tiêu thụ, người bệnh bị tiêu chảy kéo dài. Đặc trưng bệnh lý tuyến tụy là tiêu phân mỡ với váng mỡ nổi trên mặt nước bồn cầu, mùi tanh hôi. Biểu hiện này xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh khi lượng men tiết ra đã giảm chỉ còn 10% so với bình thường.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng khác như vàng da do tụy chèn ép ống mật chủ, báng bụng hoặc tràn dịch màng phổi do rò dịch tụy từ ống tụy hoặc nang giả tụy, nốt đau ở chân do hoại tử mỡ, viêm đa khớp ở bàn tay (hiếm gặp)...

4. Viêm tụy mạn có nguy hiểm không?

Do là một cơ quan vừa nội tiết, vừa ngoại tiết, tổn thương trong viêm tụy mạn khó hồi phục lại như ban đầu, chức năng không còn được đảm bảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Người bệnh không sử dụng được phân tử đường trong chuyển hóa tế bào nên bị tăng đường huyết. Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng từ thức ăn cũng không được phân giải và hấp thụ nên bệnh nhân nhanh chóng sụt cân, suy kiệt.

Ngoài ra, viêm tụy mạn cũng có thể gây ra các biến chứng thực thể như hình thành nang giả tụy với kích thước lớn và không tự thoái lui, bị rò dịch tụy nên gây báng bụng dịch tụy hoặc dễ tạo lập huyết khối trong tĩnh mạch lách, tĩnh mạch chủ dưới trong khi cũng dễ bị xuất huyết dãn tĩnh mạch...

Đặc biệt, viêm tụy mạn tính kéo dài cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư tụy, với thời gian sống còn khá ngắn cho dù phát hiện sớm và tích cực điều trị triệt căn từ đầu.

5. Cách điều trị khi bị viêm tụy mạn

viem-tuy-man-2
Đóng vai trò cốt lõi trong điều trị viêm tụy mạn là phải ngưng rượu bia, ngưng thuốc lá càng sớm càng tốt

Đóng vai trò cốt lõi trong điều trị viêm tụy mạn là phải ngưng rượu bia, ngưng thuốc lá càng sớm càng tốt. Chỉ khi làm được như vậy thì mới có thể bảo tồn được phần nào nhu mô tụy còn lại.

Song song đó, người bệnh cần tuân thủ theo một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong đó, thức ăn cần được chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày nhằm tránh áp lực đòi hỏi lượng nhiều men tụy cùng lúc. Chú ý tránh chất béo hay thức ăn nhiều dầu mỡ. Lúc này, cũng cần theo dõi việc cung cấp và tiêu thụ các vitamin tan trong dầu, nhất là vitamin D, theo dõi mật độ xương. Cân nhắc việc bổ sung men tụy bằng các viên men không vỏ bọc để hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn.

Bên cạnh đó, cần chú ý điều trị giảm đau cho người bệnh, gián tiếp giúp họ tiêu thụ thức ăn tốt hơn, không hạn chế ăn uống chỉ vì lý do đau đớn. Loại thuốc giảm đau có thể dùng là acetaminophen, aspirin, các dẫn xuất á phiện cũng như các thuốc chống trầm cảm, giảm đau thần kinh. Tuy nhiên, trong các trường hợp dùng kéo dài, cần cân nhắc khả năng bị nghiện thuốc giảm đau.

Mặt khác, có thể xem xét về việc dùng octreotide lâu dài. Tác nhân này cũng có thể giảm đau do giảm tiết men tụy cũng như gián tiếp tác động thông qua giảm các hormone kích thích bài tiết dạ dày – ruột trong máu.

Đối với bệnh nhân bị đái tháo đường do tổn thương tụy, tiếp cận điều trị cũng giống như tiểu đường tuýp 1 nhưng lượng insulin cần dùng thường thấp hơn. Lý do là vì các đối tượng này có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn. Tuy nhiên, việc phòng tránh các biến chứng cấp và mạn của đái tháo đường cũng tương tự bệnh lý đái tháo đường thông thường.

Cuối cùng, chỉ định can thiệp ngoại khoa cần cân nhắc sớm trong các trường hợp viêm tụy do tắc nghẽn, giúp bảo tồn phần nào nhu mô tụy lành lặn còn lại. Các thủ thuật qua nội soi có thể dẫn lưu ống tụy để giảm tắc nghẽn, bằng cách lấy sỏi ống tụy, đặt stent ống tụy hay cắt cơ vòng ống tụy để vừa đặt stent, vừa để lấy sỏi ống tụy. Có thể chuyển sang phẫu thuật khi các biện pháp trên thất bại.

Tóm lại, viêm tụy mạn là một bệnh lý mạn tính nặng nề trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Do chức năng của tuyến tụy nên đến nay vẫn chưa thể tái lập hoàn toàn bằng nhân tạo được. Tuy nhiên, có kiến thức để đề phòng bệnh lý này, phát hiện và tích cực điều trị ngay từ đầu sẽ phần nào thuyên giảm được những tác động nặng nề mà bệnh gây ra.

Với kinh nghiệm 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi – Nội tiêu hóa, Bác sĩ Đồng Xuân Hà thực hiện thành thạo các kỹ thuật nội soi tiêu hóa chẩn đoán, can thiệp cấp cứu và can thiệp điều trị. Hiện tại, là Bác sĩ Nội soi tiêu hoá Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan