Xử lý chấn thương sọ não nặng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chấn thương sọ não là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm và diễn biến phức tạp với nhiều mức độ khác nhau, trong đó chấn thương sọ não nặng là chấn thương nguy hiểm nhất. Do đó việc phát hiện, xử trí cấp cứu bước đầu và điều trị nhanh chóng, kịp thời chấn thương sọ não nặng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế các biến chứng sau này và giảm tỷ lệ tử vong xảy ra cho bệnh nhân.

1. Chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não được định nghĩa là một tác động lên đầu hoặc chấn thương xuyên qua sọ gây phá vỡ chức năng bình thường của não bộ. Chấn thương sọ não có thể xảy ra khi đầu bị va chạm đột ngột và mạnh vào một vật, hoặc khi một vật đâm xuyên qua hộp sọ và đi vào mô não.

Triệu chứng của chấn thương sọ não có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, tùy thuộc vào mức độ tổn thương não. Các trường hợp nhẹ có thể gây ra thay đổi ít về tình trạng tâm thần hoặc ý thức. Trong khi các ca nặng có thể gây ra mất ý thức kéo dài, hôn mê, hoặc thậm chí tử vong.

Nguyên nhân chính gây chấn thương sọ não là do tai nạn giao thông, té ngã, tai nạn lao động, tai nạn bất cẩn hay thể thao,...

2. Triệu chứng khi bị chấn thương sọ não nặng

Triệu chứng của chấn thương sọ não có thể xuất hiện ngay sau khi bị va đập mạnh vào đầu, hoặc có thể xuất hiện vào những ngày hoặc tuần sau đó. Các triệu chứng của chấn thương sọ não nặng bao gồm:

  • Triệu chứng thể chất
  • Mất ý thức từ vài phút đến vài giờ
  • Đau đầu dai dẳng hoặc đau đầu trầm trọng hơn
  • Lặp đi lặp lại nôn mửa hoặc buồn nôn
  • Co giật hoặc co cứng
  • Sự giãn nở của một hoặc cả hai mắt
  • Chất lỏng trong suốt chảy ra từ mũi hoặc tai
  • Không có khả năng đánh thức từ giấc ngủ
  • Yếu hoặc tê ở ngón tay và ngón chân
  • Mất khả năng phối hợp các hoạt động
  • Triệu chứng nhận thức hoặc tinh thần
  • Lẫn lộn sâu sắc
  • Kích động, chiến đấu hoặc hành vi bất thường khác
  • Nói lắp
  • Tình trạng hôn mê và các rối loạn ý thức khác
Chấn thương sọ não
Đau đầu dai dẳng hoặc đau đầu trầm trọng hơn là một trong các triệu chứng khi bị chấn thương sọ não nặng

3. Cách xử lý nạn nhân bị chấn thương sọ não

Xử lý ban đầu cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bệnh nhân có cơ hội thoát khỏi cái chết và giảm được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bệnh nhân. Những việc cần làm khi thấy nạn nhân bị chấn thương sọ não là:

  • Nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, chú ý giữ cột sống cổ và lưng không bị gập lại lúc di chuyển. Bất động bệnh nhân trên cáng cứng, nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên. Lưu ý, không vận chuyển bệnh nhân khi đang trong tình trạng suy thở, chảy máu, tụt huyết áp... Nếu tình trạng bệnh nhân nặng cần vận chuyển, bệnh nhân phải được hồi sức tại một cơ sở y tế gần nhất, sau đó gọi cấp cứu hỗ trợ và vừa hồi sức vừa vận chuyển.
  • Khơi thông đường thở: móc đất cát, lau sạch đờm dãi trong miệng người bệnh; có thể khâu hoặc dùng kim băng cố định lưỡi khi ở bệnh nhân có nguy cơ tụt lưỡi hoặc có thể mở khí quản cấp cứu khi có chỉ định.
  • Cần cầm máu các vết thương đang chảy máu, băng bó các vết thương, cố định xương gãy..., tránh mất máu và nhiễm trùng xảy ra.
  • Kiểm tra xem bệnh nhân có suy thở hay không? Nếu không còn thở cần phải được hô hấp hỗ trợ: bóng bóp qua mặt nạ, đặt ống nội khí quản, bóp bóng qua nội khí quản (nếu có thể).
  • Kiểm tra xem bệnh nhân có tụt huyết áp hay không? Cần có một đường truyền để bù dịch và dùng thuốc khi cần thiết.

4. Điều trị chấn thương sọ não

Điều trị chấn thương sọ não nhằm đạt tới hai mục tiêu quan trọng:

  • Điều chỉnh áp lực trong sọ (ICP = IntraCranial Pressure )
  • Điều chỉnh áp lực tưới máu não (CPP = Cerebral Perfusion Pressure)

Điều trị chấn thương sọ não nặng thường liên quan đến tăng áp lực trong sọ, một nguy cơ có thể dẫn đến tử vong. Như vậy phải áp dụng nhiều phương pháp làm cho đại não và tiểu não mềm mại, có nghĩa là làm cho áp lực trong sọ trở về giới hạn bình thường.

Phương pháp hiệu quả nhất là loại bỏ khối máu tụ trong sọ hoặc dẫn lưu dịch não tủy hoặc mở rộng hộp sọ để giải áp. Điều quan trọng là phải duy trì áp lực trong sọ dưới 15mmHg (theo Marshall, 1980); còn theo tác giả Miller, 1981 cho rằng tỉ lệ tử vong cao khi áp lực trong sọ vượt quá 20mmHg.

Điều quan trọng là phải cân bằng áp lực trong sọ và đảm bảo được áp lực tưới máu não luôn > 70mmHg cũng như phối hợp với nhiều phương pháp khác để bảo vệ bộ não. Thời gian vàng là một tiêu chuẩn cấp thiết không phải để cứu sống người bị chấn thương sọ não mà còn làm cho chất lượng sống luôn được tốt hơn.

Điều trị nội khoa

  • Giảm áp lực trong sọ
  • Giữ thông số tưới máu não luôn bình thường > 70 mmHg
  • Gây ngủ bằng Barbiturate hoặc Propofol
  • Dung dịch ưu trương: Mannitol 20%
  • Liệu pháp hạ thân nhiệt
  • Tăng thông khí
  • Giữ ổn định huyết áp

Điều trị ngoại khoa

  • Mở rộng sọ giải áp
  • Loại bỏ máu tụ trong sọ nếu có chỉ định
  • Dẫn lưu dịch não tủy ra ngoài
  • Làm sạch vết thương sọ não
  • Phẫu thuật lún sọ hở hoặc kín
Chụp MRI sọ não
Bệnh nhân bị chấn thương sọ não cần được phát hiện và xử trí khẩn cấp

5. Một số biện pháp làm giảm áp lực trong sọ

  • Phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ trong sọ

Máu tụ trong sọ là một nguyên nhân gây tăng áp lực trong sọ, nếu lấy đi khối máu tụ bằng phương pháp ngoại khoa sẽ mang lại hiệu quả tốt làm cho áp lực trong sọ giảm. Máu tụ thường xảy ra ngay sau chấn thương sọ não và sẽ được điều trị ngay ở thời điểm còn khả năng cứu chữa được, có khoảng 10% máu tụ trong sọ xuất hiện chậm.

Đặt một ống dẫn lưu mềm bằng silicon vào trong não thất để làm giảm áp lực trong sọ là một biện pháp mang lại hiệu quả cao ngay sau đó. Ống dẫn lưu sẽ được mở mỗi 4 giờ để giữ áp lực trong sọ luôn < 20mmHg

  • Mở rộng sọ giải áp

Mở rộng sọ giải áp thuỳ trán hai bên hoặc thái dương- trán- đính một bên hoặc hai bên tuỳ theo thương tổn đã được nhiều tác giả tán thành và áp dụng như là một biện pháp làm giảm áp lực trong sọ cho những trường hợp chấn thương sọ não nặng, gây tăng áp lực trong sọ không đáp ứng với điều trị nội khoa đơn thuần. Biện pháp này làm giảm áp lực trong sọ một cách nhanh chóng và có hiệu quả ngay sau khi giải áp

  • Liệu pháp thẩm thấu bằng dung dịch ưu trương (osmotherapy)

Mannitol và dung dịch muối ưu trương chỉ được dùng trong trường hợp tăng áp lực trong sọ nặng với điều kiện huyết động học phải ổn định và thành phần nước trong cơ thể bình thường mà nồng độ thẩm thấu trong huyết tương < 320 mOsmol. Thật ra, không có một dấu chứng nào cho thấy rằng liệu pháp dung dịch ưu trương làm cải thiện kết quả hoặc có hiệu quả hơn trong phù nội bào hơn là phù ngoại bào

  • Gây ngủ bằng Barbiturat

Barbiturat làm giảm chuyển hóa não và giảm áp lực trong sọ, thật ra, cũng chưa có một thử nghiệm lâm sàng nào chúng minh đầy đủ và rõ ràng lợi ích của barbiturat. Barbiturate có thể gây ra giảm huyết áp và giảm tuần hoàn não, khả năng gây ra tổn thương thứ phát nặng hơn ở những bệnh nhân giảm lượng máu đến não. Nếu sử dụng barbiturat kéo dài sẽ làm bệnh nhân tỉnh chậm và khả năng nhiễm trùng bệnh viện có thể xảy ra

Sử dụng tăng thông khí thường quy và kéo dài ở những bệnh nhân chấn thương đầu làm cho kết quả xấu hơn những bệnh nhân có CO2 máu bình thường. Điều này có lẽ do giảm đi dòng máu não dẫn tới thiếu máu não thứ phát. Sử dụng tăng thông khí cần phải dựa vào nguyên tắc điều trị và cũng không nên tăng thông khí một cách thường quy.

Trong nhiều năm qua biện pháp hạ nhiệt được sử dụng để làm giảm chuyển hóa não và qua đó cũng làm giảm áp lực trong sọ. Biện pháp này luôn giữ nhiệt độ ở mức 30 – 33 độ C đi kèm với thông khí kéo dài và dễ gây nhiễm trùng bệnh viện. Biện pháp này hiện nay được xem là biện pháp không quan trọng đối với những trường hợp tăng áp lực trong sọ nặng và không được áp dụng phổ biến.

  • Steroids

Chưa có một chứng minh nào cho thấy rõ hiệu quả của steroids để làm giảm áp lực trong sọ, đôi khi còn làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khuynh hướng chung hiện nay là không nên sử dụng steroids trong tổn thương não do chấn thương.

Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ trong sọ là biện pháp làm giảm áp lực trong sọ

Chấn thương sọ não nặng là một bệnh lý nặng. Do đó việc cấp cứu, điều trị và hồi sức cần phải được thực hiện bởi các cơ sở y tế có đủ điều kiện, có đội ngũ bác sĩ đã được huấn luyện về chuyên ngành. Việc điều trị chấn thương sọ não đòi hỏi tính toàn diện, sự kiên trì bám sát người bệnh và thực hiện quy trình kỹ thuật một cách nghiêm túc mới có cơ hội cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tối đa di chứng chấn thương sọ não sau này.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Bùi Tiến Đạt được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch và hồi sức cấp cứu tim mạch tại trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu – tim mạch và hiện đang là bác sĩ tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.

Trong tháng 4 & 5/2021, khi có nhu cầu khám và điều trị Chấn thương sọ não tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc, quý khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi kép:

- Miễn phí khám chuyên khoa và được tặng Gói Phục hồi chức năng

- Giảm 50% chi phí đối với khách hàng có chỉ định điều trị sau khám. Chương trình áp dụng giới hạn cho kỹ thuật tương ứng từng bệnh viện và cho khách hàng lần đầu thực hiện kỹ thuật điều trị này tại Vinmec.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02973985588 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Phú Quốc.

27K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan