Học cách 'bỏ đói khối u'

Một số nghiên cứu cho thấy rằng chất béo và đường có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u. Theo đó, bỏ đói khối u có thể làm giảm sự phát triển của các khối u. Bỏ đói khối u là gì và ‘bỏ đói khối u’ là như thế nào?

1. Như thế nào là ‘bỏ đói khối u’?

Khối u được chia thành hai loại đó là khối u lành tínhkhối u ác tính (ung thư). Trong đó khối u lành tính thường không gây nguy hiểm nên có thể không điều trị hoặc điều trị tương đối đơn giản. Mặt khác, khối u ác tính (ung thư) lại có tốc độ phát triển rất nhanh và dễ di căn sang các cơ quan khác thông qua hệ thống máu và hạch bạch huyết, khó điều trị và dễ tái phát. Vậy nên, hiện nay trên thế giới có rất nhiều phương pháp được thử nghiệm và ứng dụng trong điều trị u ác tính, một trong đó là phương pháp ‘bỏ đói khối u’.

‘Bỏ đói khối u’ có thể hiểu theo đúng nghĩa đen là chúng ta hạn chế nguồn dinh dưỡng tới khối u, để giảm thiểu sự phát triển của nó.

Ngoài ra, chúng ta cần biết thêm một cơ chế đặc biệt quyết định trực tiếp đến sự phát triển, tăng về mặt kích thước và số lượng của khối u đó là tăng sinh mạch máu. Đối với các khối u ác tính, tăng sinh mạch máu còn giúp nuôi dưỡng để giúp chúng di căn đến các cơ quan xa. Khối u ác tính có khả năng sản sinh ra các chất kích thích hình thành mạch máu bất thường nhằm đưa lượng máu từ cơ thể đến khối u lớn hơn, tạo điều kiện để khối u nhận nhiều dinh dưỡng hơn, tăng trưởng và phát triển nhanh hơn. Đối với tế bào ung thư di căn đến những vùng khác, tại đây cũng dần hình thành hệ thống mạch máu tăng sinh bất thường chịu trách nhiệm cung cấp dinh dưỡng, nuôi khối u ác tính thứ phát lớn dần hơn. Như vậy, sự có mặt của khối u ác tính sẽ ngày càng phổ biến, xâm chiếm không gian cũng như chất dinh dưỡng nuôi tế bào khác.

Vậy nên, làm giảm sự tăng sinh mạch máu cũng là một cách ‘bỏ đói khối u’

2. Một số kết quả nghiên cứu về chế độ ăn để ‘bỏ đói khối u’

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy, các khối u tuyến tụy ở chuột phát triển chậm hơn khi chúng ăn chế độ ăn hạn chế calo, cụ thể:

Các nhà nghiên cứu đã chia những con chuột mang khối u tuyến tụy thành các nhóm:

  • Nhóm với chế độ ăn ít calo
  • Nhóm có chế độ ăn bình thường
  • Nhóm với chế độ ăn ketogenic giàu protein, chất béo cao, ít carbohydrate.

Kết quả là, chỉ có khối u ở nhóm ăn chế độ ăn ít calo mới phát triển chậm hơn, nghĩa là lượng glucose ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của khối u. Chế độ ăn hạn chế calo và chế độ ăn keto đều giảm lượng glucose, nhưng với chế độ ăn hạn chế calo còn giảm được cả lượng lipid. Như đã biết, lipid là thành phần quan trọng để xây dựng màng ngoài bảo vệ của tất cả các tế bào bao gồm cả tế bào ung thư. Vậy nên chế độ ăn keto giàu chất béo có thể đã cung cấp tất cả các loại lipid cần thiết để tạo màng tế bào mới trong các khối u.

Kết quả nghiên cứu cho thấy để làm chậm sự phát triển của khối u ở những con chuột này thì quan trọng là cắt giảm nguồn cung cấp glucose và lipid cho các khối u, và chỉ có chế độ ăn hạn chế calo mới làm được.

3. Học cách ‘bỏ đói khối u’

Theo như kết quả nghiên cứu ở chuột thì chế độ ăn hạn chế calo có ảnh hưởng làm giảm quá trình phát triển của khối u. Tuy nhiên, các mô khỏe mạnh của cơ thể vẫn cần đầy đủ những chất dinh dưỡng, vậy nên bệnh nhân ung thư không nên thay đổi chế độ ăn mà không có hướng dẫn lâm sàng từ bác sĩ hay chuyên gia.

Một số phát hiện cho thấy rằng việc sử dụng chế độ ăn uống hoặc thuốc để hạn chế hấp thụ một số chất béo hoặc các tế bào sử dụng chúng có thể là con đường dẫn đến việc bỏ đói khối u mà không làm người đó chết đói.

Vậy chế độ ăn hạn chế calo là gì?

Hạn chế calo có nghĩa là giảm lượng calo tiêu thụ trung bình hàng ngày xuống dưới mức thông thường hoặc theo thói quen, mà không bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu. Trong chế độ ăn kiêng này, một người hoàn toàn không ăn hoặc giới hạn lượng tiêu thụ trong một số thời điểm nhất định trong ngày, trong tuần hoặc trong tháng.

Ngoài chế độ ăn hạn chế calo, chúng ta cũng đã biết sự tăng sinh tạo mạch cũng làm tăng lượng máu nuôi dưỡng khối u để giúp khối u nhanh phát triển hơn. Vậy nên bổ sung thêm những thực phẩm hay thuốc có tác dụng giảm sự tăng sinh mạch máu cũng là một cách để ‘bỏ đói khối u’. Một số thực phẩm có thể làm giảm sự tăng sinh mạch máu đã được nghiên cứu: Cà chua (lycopen trong cà chua có tính chống tạo mạch), nho đỏ, trà, dâu,...

Như vậy, chúng ta đã biết rằng chế độ ăn ‘bỏ đói khối u’ đã được nghiên cứu là có tác dụng làm giảm sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, khi thực hiện những chế độ ăn kiêng bệnh nhân cần có sự theo dõi của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng sát sao. Bởi chúng ta cần ‘bỏ đói khối u’ nhưng bên cạnh đó vẫn cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng phần còn lại của cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan