Tầm soát phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt để sớm phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu giúp tăng cơ hội điều trị thành công và cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân. Vậy các phương pháp thăm khám và xét nghiệm nào có thể được sử dụng để phát hiện sớm ung thư này?

1. Ung thư tuyến tiền liệt có thể được phát hiện sớm không?

Hiện nay, để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt trước khi xuất hiện triệu chứng, phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất là tầm soát. Khi hiểu rõ về các ưu điểm và nhược điểm của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, mọi người có thể đưa ra quyết định phù hợp cho bản thân.

Phương pháp phổ biến để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt sớm bao gồm:

  • Xét nghiệm đo lượng kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA) trong máu.
  • Khám tuyến tiền liệt qua trực tràng bằng ngón tay.

Nếu kết quả của một trong hai xét nghiệm này không bình thường, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm sinh thiết tuyến tiền liệt để xác định liệu có ung thư hay không.

2. Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Một số loại thuốc như testosterone hoặc các loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ PSA trong quá trình tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

2.1 Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt trong máu (prostate-specific antigen - PSA)

PSA (Prostate Specific Antigen) là một kháng nguyên đặc hiệu được sản xuất bởi các tế bào trong tuyến tiền liệt, bao gồm tế bào bình thường và tế bào ung thư. PSA chủ yếu có trong tinh dịch, nhưng một lượng nhỏ cũng được phát hiện trong máu.

Mức độ PSA trong máu được đo bằng đơn vị nanogram trên mỗi mililit (ng/mL). Sự tăng mức PSA tương ứng với khả năng mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nhưng không có một ngưỡng chính xác để xác định chắc chắn việc một người đàn ông có mắc ung thư tuyến tiền liệt hay không.

2.1.1 PSA toàn phần

Trong thực tế lâm sàng, các bác sĩ thường sử dụng ngưỡng giới hạn PSA toàn phần là 4 ng/mL để quyết định việc tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán. Đối với một số bệnh nhân, ngưỡng PSA ban đầu có thể được đặt ở mức thấp hơn như 2,5 hoặc 3.

Hầu hết nam giới không mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường có nồng độ PSA toàn phần dưới 4 ng/mL. Tuy nhiên, mức PSA dưới 4 ng/mL không thể loại trừ khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Khoảng 1/4 nam giới có mức PSA từ 4 đến 10 ng/mL có nguy cơ mắc bệnh. Và nếu mức PSA > 10 ng/mL, tỷ lệ này tăng lên 50%.

2.1.2 PSA tự do

PSA tồn tại trong máu dưới 2 dạng: PSA gắn protein và PSA tự do. Phần trăm PSA tự do (%fPSA) là tỷ lệ giữa PSA tự do và PSA toàn phần. Tỷ lệ này thường thấp hơn ở nam giới mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt so với nhóm nam giới không mắc bệnh.

Trong trường hợp mức PSA toàn phần từ 4-10 ng/mL, phương pháp xét nghiệm PSA tự do để đưa ra quyết định về việc tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán khác, bao gồm cả sinh thiết tuyến tiền liệt.

  • %fPSA ≤ 10%: Nên thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt để chẩn đoán.
  • %fPSA từ 10 – 25%: Nên xem xét tiến hành sinh thiết để chẩn đoán.

2.1.3 Các yếu tố có thể làm tăng mức PSA

  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Tuổi tác
  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Xuất tinh: Điều này giải thích tại sao bác sĩ thường khuyến cáo nam giới kiêng xuất tinh 1-2 ngày trước khi kiểm tra PSA.

Ngoài ra, đi xe đạp, sử dụng thuốc nội tiết tố nam hoặc thuốc tăng testosterone và thực hiện một số thủ thuật tiết niệu cũng có thể làm tăng mức PSA trong một thời gian ngắn.

Thăm khám trực tràng phát hiện vết sưng/ vùng cứng gợi ý ung thư tuyến tiền liệt

2.1.4 Các yếu tố có thể làm giảm mức PSA (kể cả khi có ung thư tuyến tiền liệt)

  • Thuốc ức chế 5-alpha reductase: Finasteride (Proscar hoặc Propecia) hoặc Dutasteride (Avodart), thường được sử dụng để điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc các triệu chứng tiết niệu, có khả năng làm giảm mức PSA. Tuy nhiên, các loại thuốc này cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt.
  • Một số hỗn hợp được bán dưới dạng thực phẩm chức năng có thể gây sai lệch kết quả xét nghiệm và dấu hiệu cho thấy mức PSA cao. Vì vậy, khi thực hiện xét nghiệm PSA, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết nếu đang sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào.
  • Một số loại thuốc khác, như aspirin, statin (thuốc giảm cholesterol), và thuốc lợi tiểu thiazide (như hydrochlorothiazide), được sử dụng lâu dài cũng có thể làm giảm mức PSA.

Đối với nam giới thực hiện tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, không phải lúc nào việc giảm mức PSA cũng mang lại lợi ích. Khi các yếu tố làm giảm PSA từ mức bất tường xuống bình thường, cũng có thể dẫn đến việc không phát hiện được ung thư.Vì vậy, quan trọng là bệnh nhân cần chia sẻ mọi thông tin có thể ảnh hưởng đến mức PSA của mình với bác sĩ.

2.2. Khám trực tràng bằng tay (digital rectal exam-dre)

Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đã đeo găng và được bôi trơn vào trực tràng để cảm nhận, từ đó phát hiện bất kỳ vết sưng hoặc vùng cứng nào trên tuyến tiền liệt có thể là dấu hiệu của ung thư.

Mặc dù việc thăm khám này thường diễn ra nhanh chóng và không gây đau đớn, nhưng có thể gây ra cảm giác khó chịu, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh trĩ.

Mặc dù DRE không hiệu quả bằng xét nghiệm máu PSA trong việc phát hiện ung thư tuyến tiền liệt nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm ung thư, đặc biệt là khi chỉ số PSA trong phạm vi bình thường. Do đó, DRE được coi là một phần của quá trình tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

Thăm khám trực tràng phát hiện vết sưng/ vùng cứng có thể là dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt

Ngoài ra, các xét nghiệm hoặc hình ảnh chẩn đoán cũng có thể được sử dụng trong quá trình tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

3. Cần làm gì nếu kết quả tầm soát ung thư tuyến tiền liệt không bình thường?

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mức PSA trong máu ban đầu cao hơn bình thường, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn đã mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nhiều nam giới có mức PSA cao hơn bình thường không hẳn là bị ung thư. Bác sĩ có thể đề xuất một trong những lựa chọn sau để tiến hành kiểm tra bổ sung:

  • Kiểm tra lại PSA: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm lại xét nghiệm PSA để xác định mức độ biến đổi theo thời gian. Thời gian có thể sau 1 tháng hoặc lâu hơn nếu kết quả ban đầu bất thường. Đây là một lựa chọn phù hợp nếu mức PSA ban đầu từ 4 đến 7 ng/mL. Trong trường hợp mức PSA vượt quá 7 ng/mL, bác sĩ sẽ đề xuất tiến hành các xét nghiệm khác hoặc sinh thiết tuyến tiền liệt.
  • Làm thêm các xét nghiệm khác: Ngoài xét nghiệm PSA, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng của tuyến tiền liệt và loại trừ các nguyên nhân khác gây ra mức PSA tăng cao như: xét nghiệm chỉ số sức khoẻ tuyến tiền liệt (Prostate Health Index - PHI), 4Kscore, tốc độ tăng PSA (PSA velocity), mật độ PSA (PSA density)...
  • Siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt: Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ đề xuất thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt để lấy mẫu tế bào từ tuyến tiền liệt để kiểm tra dưới kính hiển vi và xác định có sự phát triển ung thư hay không. Kết quả của quá trình sinh thiết cung cấp thông tin về khả năng phát triển của ung thư và mức độ lây lan của bệnh.

Quyết định lựa chọn phương pháp kiểm tra có thể phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Tuổi và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.
  • Khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt.
  • Sự thoải mái và sự đồng ý của bạn trong việc chờ đợi hoặc tiến hành các xét nghiệm bổ sung.

Việc đưa ra quyết định này thường cần sự thảo luận và tư vấn cụ thể từ bác sĩ của bạn.

4. Lời khuyên của các chuyên gia y tế giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt

Các chuyên gia y tế khuyến nghị rằng nam giới nên tự quyết định liệu họ nên tham gia vào quá trình tầm soát ung thư tuyến tiền liệt dựa trên sự cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích có thể đạt được từ việc tầm soát này.

Các yếu tố quyết định tầm soát ung thư tuyến tiền liệt:

  • Nam giới 50 tuổi có nguy cơ trung bình mắc ung thư tuyến tiền liệt và dự kiến ​​sống ít nhất 10 năm nữa.
  • Nam giới 45 tuổi có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt là những người có cha hoặc anh/em trai được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt khi dưới 65 tuổi.
  • Nam giới 40 tuổi có nguy cơ cao hơn, có ít nhất 2 người trong gia đình (cha, anh em trai) mắc ung thư tuyến tiền liệt khi còn trẻ.

Nếu đã tham gia vào quá trình tầm soát và không phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, thì thời gian giữa các lần tầm soát tiếp theo phụ thuộc vào kết quả của xét nghiệm PSA máu:

  • Nếu PSA < 2,5 ng/mL: Xét nghiệm lại sau mỗi 2 năm.
  • Nếu PSA > 2,5 ng/mL: Nên thực hiện sàng lọc hàng năm.

Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm, người không có bất kỳ triệu chứng nào của ung thư tuyến tiền liệt và không có kế hoạch sống thêm 10 năm thì không nên xét nghiệm, vì quá trình tầm soát ở giai đoạn này không đem lại nhiều lợi ích. Khi đưa ra quyết định về việc thực hiện tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, trạng thái sức khỏe tổng thể quan trọng hơn cả tuổi tác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe