......

Ung thư tuyến giáp: Khi nào cần cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới. Bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.

1. Ung thư tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết, nằm ở phần khí quản cổ, có 2 thùy phải và trái, nối với nhau bởi một eo tuyến giáp. Thùy tháp là phần tuyến giáp hình tam giác kéo từ eo tuyến giáp trên.

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể.

Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư ở phụ nữ với tần suất mắc theo tuổi ở nữ giới là 5,6/100,000 dân, ở nam giới là 1,8/100,000 dân.

Ung thư tuyến giáp có nhiều loại khác nhau nhưng hay gặp là ung thư tuyến giáp nhú, thể tủy, thể không biệt hóa, trong đó thể tủy và thể không biệt hóa có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp đặc biệt là thể biệt hoá là bệnh ung thư tiên lượng rất tốt.

Tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết

2. Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp

Một số yếu tố được chẩn đoán là nguyên nhân gây ra ung thư tuyến giáp như:

  • Hệ miễn dịch bị rối loạn : Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, là cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus có hại tấn công vào cơ thể, bao gồm cả tuyến giáp.
  • Nhiễm phóng xạ : Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ từ bên ngoài khi dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc bị nhiễm vào bên trong cơ thể qua đường tiêu hóa và đường hô hấp do i-ốt phóng xạ.
  • Yếu tố di truyền: Có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em,...) đã từng mắc bệnh.
  • Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone: Bệnh nhân mắc căn bệnh này chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 2 - 4 lần so với nam giới do những ảnh hưởng của quá trình mang thai và sinh nở..
  • Mắc bệnh tuyến giáp: Những bệnh nhân bị bướu giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp mãn tính có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác. Hoặc những người đã từng mắc bệnh viêm tuyến giáp, dù đã điều trị khỏi nhưng nguy cơ tái phát bệnh rất cao.
Di truyền
Yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp

3. Dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp

Thông qua một số dấu hiệu nhận biết sau bạn có thể đến ngay cơ sở y tế uy tín để kiểm tra xem mình có đang bị ung thư tuyến giáp không:

  • Xuất hiện u giáp trạng có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
  • Vùng cổ xuất hiện hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
  • Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
  • Khàn tiếng, có thể khó thở.
  • Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.
  • Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
  • Siêu âm có thể hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến giáp.
Yếu cơ vùng hầu họng gây khó nuốt
Khó nuốt là triệu chứng phổ biến của bệnh

4. Điều trị ung thư tuyến giáp

Trong điều trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật đóng vai trò then chốt. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có chỉ định phẫu thuật thích hợp hoặc kèm theo điều trị bổ trợ bằng I131 hoặc tia xạ ngoài.

4.1 Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp

Người bệnh chỉ cần có một trong những yếu tố sau thì có chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.

  • Tuổi > 40.
  • Có tiền sử tiếp xúc với phóng xạ.
  • Kích thước khối u > 4 cm
  • Bệnh lý giải phẫu: Ung thư biểu mô biệt hóa, không biệt hoá
  • Sự xâm lấn: Nhiều ổ ung thư trong tuyến giáp
  • Di căn hạch cổ
  • Di căn xa (phổi, xương...)

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp chống chỉ định với người bệnh quá già yếu, u to xâm lấn vào thực quản, khí quản, không còn khả năng cắt toàn bộ tuyến giáp. Người bệnh suy tim, suy thận nặng không có khả năng chịu được các phẫu thuật lớn.

Sau phẫu thuật: Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần được theo dõi có thể xuất hiện những tai biến sau:

  • Liệt dây thanh âm tạm thời: Người bệnh bị khàn tiếng nhẹ, giọng thay đổi nhưng vẫn nói được tốt.
  • Liệt dây thanh âm vĩnh viễn: Do cắt đứt dây thần kinh quạt ngược. Người bệnh nói khàn nặng hoặc mất tiếng hoặc có thể khó thở sau rút ống nội khí quản. Không phục hồi giọng nói trở về bình thường.
  • Suy tuyến cận giáp sau mổ: Ngày hậu phẫu đầu tiên có thể xuất hiện cơn Tetani do suy tuyến cận giáp. Xử trí điều trị cơn tetani bằng Canxi Clorua 1g tiêm tĩnh mạch. Sau đó nên sử dụng ngay Vitamin D3, thông thường sử dụng Rocaltrol dùng với liều 0,25 mg. Nếu cơn Tetani không giảm sẽ tăng liều lên 0,5-0,75 mg. Các triệu chứng sẽ giảm dần, cơn thưa dần và sẽ hết. Phối hợp Rocaltrol với Canxi đường uống 1000 mg/ngày sẽ tác dụng nhanh hơn.
  • Các tai biến khác: chảy máu, khó thở....
Phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp trong ung thư
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp được chỉ định cho khối u có kích thước > 4 cm

4.2 Điều trị I131 ( RAI- Radioactive iodine)

Điều trị I131 được chỉ định điều trị cho các trưởng hợp ung thư tuyến giáp dạng biệt hóa còn sót bệnh sau phẫu thuật, bệnh đã di căn xa và các trường hợp tế bào ung thư đã xâm lấn tại chỗ.

4.3 Liệu pháp hormon thay thế

Liệu pháp hormon thay thế được chỉ định nếu gặp thất bại trong phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc có di căn lan tràn sau khi điều trị triệt căn.

4.4 Xạ trị ngoài và hóa trị

Xạ trị ngoài và hóa trị thường được sử dụng đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy, ít có giá trị với thể biệt hóa.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ tốt nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

15.2K

Bài viết liên quan