Biến chứng của cúm mùa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Dù là một người hoàn toàn khỏe mạnh, bạn vẫn có thể bị cúm mùa viếng thăm cơ thể ít nhất là trong vài ngày, nguy hiểm hơn chúng có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe dẫn đến tử vong. Vậy cúm mùa và các biến chứng của nó nghiêm trọng như thế nào?

1. Cúm là gì?

Cúm là bệnh lý hô hấp do nhiễm vi rút cấp tính. Hầu hết bệnh nhân có thể tự phục hồi mà không cần các can thiệp y tế. Đối tượng có nguy cơ bị cúm biến chứng bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường, béo phì.

2. Triệu chứng của cúm mùa

Triệu chứng ban đầu của cúm có vẻ giống như cảm lạnh thông thường, đi kèm với sổ mũi, hắt hơi, đau họng. Tuy nhiên, cảm lạnh thường phát triển chậm, trong khi cúm có xu hướng phát triển đột ngột. Dấu hiệu thường gặp của cúm như là:

● Sốt trên 38 độ C.

● Đau cơ bắp.

● Cảm giác ớn lạnh.

● Đau đầu.

● Ho khan.

● Mệt mỏi.

● Nghẹt mũi.

● Đau họng.

Sốt
Cúm mùa xuất hiện sốt trên 38 độ C kèm theo các biểu hiện khác

3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Hầu hết những bệnh nhân bị cúm có thể điều trị tại nhà, nhưng nếu bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu và có khả năng xuất hiện các biến chứng thì người bệnh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ. Uống thuốc kháng vi rút có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của cúm.

4. Đường lây truyền của cúm mùa

Vi rút cúm có thể di chuyển trong không khí, Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thì sẽ phát tán vi rút trong không khí và lây truyền sang cho người khác. Khả năng lây truyền của vi rút cúm có thể diễn ra trước khi bệnh nhân có những biểu hiện của bệnh. Các chủng vi rút cúm thường xuyên thay đổi nên các kháng thể trong cơ thể người không thể chống lại sự tấn công của cúm.

5. Đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm mùa

Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi rút cúm mùa hoặc các biến chứng của nó bao gồm:

● Độ tuổi: Cúm mùa có xu hướng tập trung vào nhóm trẻ em dưới 12 tuổi và người trên 65 tuổi.

● Điều kiện sống hoặc làm việc: Những người sống và làm việc ở những nơi tập trung đông người như viện dưỡng lão, doanh trại quân đội thì có nguy cơ bị cúm cao hơn.

● Những người có hệ miễn dịch yếu: Bệnh nhân đang điều trị ung thư, bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống thải ghép, bệnh nhân HIV/AIDS có nguy cơ mắc cúm hoặc có những biến chứng cảm cúm cao hơn do hệ miễn dịch của họ bị suy yếu.

● Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường có thể tăng nguy cơ biến chứng cúm.

● Những người sử dụng Aspirin dưới 19 tuổi có nguy cơ mắc hội chứng Reye nếu bị nhiễm cúm (hội chứng gây sưng tấy trong gan và não). Hội chứng này mặc dù rất hiếm gặp nhưng rất trầm trọng và có tỷ lệ tử vong rất cao.

● Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm vi rút cúm thì có nhiều khả năng phát triển các biến chứng, đặc biệt là trong các tháng thứ hai và thứ ba của thai kỳ hoặc sản phụ sau hai tuần sinh con cũng có nhiều khả năng bị biến chứng liên quan đến cúm.

Bà bầu cúm
Phụ nữ mang thai thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm mùa

6. Biến chứng của cúm mùa

Ở một cơ thể khỏe mạnh và ở độ tuổi trẻ, cúm mùa thường không có những ảnh hưởng nghiêm trọng, nó chỉ mang lại cảm giác khó chịu, mệt mỏi trong vài ngày và sẽ tự khỏi sau 1 hoặc 2 tuần nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đối với trẻ em và những người thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm cúm cao một khi nhiễm vi rút cúm thì có thể có những biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai và có thể dẫn đến tử vong.

cúm mùa có những biểu hiện thông thường như khó chịu, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi và có thể tự hồi phục, nên rất nhiều người nghĩ bệnh cúm hoàn toàn không đáng sợ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải chú ý theo dõi để tránh các biến chứng do vi rút cúm gây ra. Khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở mặc dù đã được dùng các loại thuốc cảm cúm thông thường thì cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

7. Phòng ngừa cúm mùa như thế nào?

Đối với bệnh cúm, phòng ngừa chủ động được xem là cách thức hữu hiệu nhất. Những biện pháp phòng ngừa cúm cần chú ý thực hiện đó là :

● Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên là một cách hiệu quả để ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường. Hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn nếu xà phòng và nước không có sẵn.

● Che miệng và mũi khi bạn hắt hơi hoặc khi ho để tránh làm nhiễm bẩn bàn tay của bạn, ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khu vực bên trong khuỷu tay của bạn.

● Tránh đám đông trong mùa cao điểm của cúm. Cúm lây lan dễ dàng bất cứ nơi nào mọi người tụ tập, trong các trung tâm chăm sóc trẻ em, trường học, tòa nhà văn phòng, khán phòng và giao thông công cộng. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.

● Trong trường hợp bị nhiễm vi rút cúm, hãy ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi cơn sốt của bạn giảm bớt để phòng tránh lây nhiễm cho người khác.

● Tiêm vắc-xin cúm mùa.

Trong đó, tiêm vắc-xin là phương pháp phòng ngừa cúm mùa hiệu quả nhất. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo tất cả chúng ta nên được tiêm chủng để phòng ngừa cúm, độ tuổi thực hiện tiêm chủng cho trẻ em là từ 6 tháng tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; webmd.com; who.int

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan