Các nguyên tắc điều trị và phòng ngừa viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em thường gặp hơn ở người lớn. Đây là căn bệnh nguy hiểm vì có thể để lại nhiều di chứng nặng nề ảnh hưởng đến vận động và thần kinh về sau này. Phòng chống bệnh viêm não nhật bản bằng tiêm chủng vắc - xin là biện pháp an toàn và mang lại hiệu quả cao.

1. Tổng quan về bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng do virus viêm não nhật bản gây ra, tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus được truyền sang cơ thể người thông qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Muỗi hút máu của các loài động vật mang virus có trong tự nhiên như chim liêu điêu, cò, lợn, ngựa, trâu bò, ... rồi đốt người và đưa virus vào máu của người. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên vào mùa hè vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em

Trẻ sốt
Trẻ sốt cao trên 38 độ C là biểu hiện những ngày đầu của bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em.

Bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em biểu hiện trên lâm sàng bằng nhiều triệu chứng đa dạng khác nhau. Trên thực tế lâm sàng, người bệnh viêm não nhật bản thường tiếp cận cơ sở y tế khi bệnh đã tiến triển nặng hoặc thậm chí đã xuất hiện nhiều di chứng nặng nề. Vì thế việc hiểu biết về cách phát hiện các dấu hiệu bất thường là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh những trường hợp bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em. Đưa trẻ đến bệnh viện sớm sẽ làm tăng cơ hội áp dụng hiệu quả các cách điều trị bệnh viêm não nhật bản để hạn chế di chứng đến mức tối thiểu.

Triệu chứng trong những ngày đầu của bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em là không điển hình. Trẻ thường sốt cao trên 38 độ C, đau đầu nhiều ở những trẻ lớn, tăng cảm giác mệt mỏi và buồn nôn, nôn mửa. Những biểu hiện viêm não Nhật Bản ở trẻ này dễ làm các bậc phụ huynh nhầm lẫn với những đợt sốt siêu vi thông thường mà trẻ thường gặp phải. Nhiều trường hợp tự ý mua thuốc điều trị thay vì đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, vô tình bỏ qua giai đoạn cửa sổ vàng để điều trị bệnh viêm não nhật bản là 2 ngày đầu kể từ khi bệnh khởi phát. Dấu hiệu giúp gợi ý bệnh trong giai đoạn này là dù đã sử dụng thuốc hạ sốt, trẻ vẫn có các biểu hiện đau đầu, li bì, ngủ nhiều trong ngày. Khi triệu chứng sốt, đi cùng với li bì, đau đầu và nôn khan mà không có các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, bố mẹ cần nghĩ đến một tình trạng rối loạn hệ thần kinh trung ương và cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Sốt cao, co giật và đau đầu dữ dội là các biểu hiện trong giai đoạn muộn của bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em. Trong giai đoạn này, trẻ còn có thể gặp phải các cơn gồng hoặc ưỡn người, rối loạn hô hấp, đại tiểu tiện không tự chủ, thậm chí rơi vào hôn mê. Cho trẻ nhập viện khi đã xuất hiện những triệu chứng này làm tăng khả năng để lại nhiều di chứng viêm não Nhật Bản khá nặng nề. Trẻ mắc viêm não nhật bản có 50% mắc di chứng sau này và khoảng 20% - 80% các trường hợp tử vong.

3. Cách điều trị bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em

Bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em là bệnh do virus gây ra và hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Cách điều trị bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay là điều trị hỗ trợ, giảm nhẹ các triệu chứng và đảm bảo tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
  • Hạ sốt tích cực. Phối hợp các phương pháp hạ sốt bằng thuốc và hạ sốt vật lý cho trẻ.
  • Duy trì đường thở, đảm bảo hô hấp. Cung cấp đủ oxy hoặc đặt nội khí quản thở máy trong các trường hợp nặng.
  • Điều trị co giật bằng các thuốc cắt cơn và duy trì.
  • Điều trị biến chứng phù não.
  • Điều chỉnh các rối loạn điện giải đồ, cân bằng kiềm toan và đường máu.
  • Luôn cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, tạo năng lượng chống lại nhiễm trùng.
  • Phòng chống loét và bội nhiễm do nằm điều trị trong thời gian dài.

4. Phòng chống bệnh viêm não nhật bản

Tiêm phòng vắc xin
Tiêm vắc-xin viêm não nhật bản để phòng chống bệnh viêm não nhật bản

Phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em là việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Bệnh viêm não nhật bản có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp thụ động như diệt muỗi, tránh bị muỗi cắn và các biện pháp chủ động như chủng ngừa bằng vắc-xin viêm não Nhật Bản. Một số biện pháp được các tổ chức y tế khuyến cáo bao gồm:

  • Xây dựng các chuồng trại chăn nuôi gia súc và khu vực canh tác xa khu vực dân cư sinh sống. Các vũng nước đọng, kênh mương, rãnh cống quanh chuồng chăn nuôi và các ruộng lúa nước là môi trường sống và đẻ trứng lý tưởng của vật trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản - muỗi Culex.
  • Phun hóa chất diệt muỗi ở tất cả các hộ gia đình trong khu vực, nhất là ở những vùng dân cư đang có dịch lưu hành.
  • Dùng hóa chất diệt loăng quăng. Phương pháp này không nên dùng ở những vùng nước trong đang có nhiều sinh vật khác sinh sống vì ảnh hưởng lên đời sống của chúng.
  • Mặc các loại áo dài tay và quần dài khi phải đi đến những khu vực nghi ngờ có bệnh viêm não nhật bản lưu hành hoặc vùng sinh sống tự nhiên của muỗi Culex.
  • Hạn chế các hoạt động ngoài trời vào lúc chập choạng tối và ban đêm. Đây là khoảng thời gian muỗi cái bay đi hút máu.
  • Ngủ mắc màn, xây dựng các tấm lưới xung quanh nhà để hạn chế muỗi.
  • Sử dụng các loại dung dịch hoặc kem bôi chống muỗi, hương đuổi muỗi
  • Tiêm phòng vắc - xin viêm não nhật bản cho tất cả các trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn chưa có miễn dịch với bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan