Người bị chó đã tiêm phòng dại cắn có cần tiêm vắc-xin?

Để phòng tránh lây nhiễm bệnh dại, dù cho có bị chó đã tiêm phòng dại cắn thì nạn nhân cũng cần được hướng dẫn cách dự phòng bệnh dại bằng cách xử lý vết thương đúng cách và tiêm vắc-xin dại theo đúng phác đồ.

1. Vai trò của vắc-xin phòng dại

Cùng với việc dự phòng dại trước và sau phơi nhiễm cho người dân, tiêm phòng dại cho chó là một trong những biện pháp giảm thiểu tỷ lệ mắc phải bệnh dại trong cộng đồng.

Dại là bệnh lý viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống, gây ra bởi virus dại. Tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể người thông qua các vết cào, cắn từ các con vật mắc bệnh dại, phổ biến nhất là chó. Thậm chí, người mắc bệnh dại có thể do bị chó liếm vào các vết thương hở hoặc nước bọt của chúng tiếp xúc vào các mô tiết chất nhầy như mắt, mũi, miệng. Bệnh dại là bệnh lý gây ám ảnh vì hiện nay không có biện pháp đặc hiệu chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Đưa ra một chẩn đoán mắc bệnh dại cho một người bị chó cắn đồng nghĩa với việc đưa ra một bản án tử hình, như một cái chết báo trước vì tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Phòng bệnh và điều trị dự phòng bệnh bằng vắc-xin phòng dại là biện pháp tốt nhất hiện có để làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại ở những người bị chó cắn. Tiêm phòng dại cho cả người và động vật là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, ở nước ta, áp dụng liều tiêm vắc-xin phòng dại cho chó còn chưa được thực hiện phổ biến. Những người dân có nuôi chó nên được tư vấn và giải thích về lợi ích của vắc-xin dại và khuyến khích đi tiêm phòng dại cho thú cưng của mình một cách đầy đủ. Tiêm phòng dại cho chó là biện pháp đơn giản nhưng có nhiều lợi ích cho việc dự phòng bệnh dại ở cả chó và người nếu không may bị chó cắn.

Người lớn có cần tiêm phòng lao không
Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh dại tốt nhất hiện nay

2. Người bị chó đã tiêm phòng dại cắn có cần tiêm vắc-xin

Một số người có quan điểm khi bị chó đã tiêm phòng dại cắn thì không có khả năng mắc bệnh dại. Đây là quan điểm sai lầm, có thể dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Vì thế, những người bị chó đã tiêm phòng dại cắn cần được xử trí tương tự và theo dõi tình trạng chó sau đó như những người bị chó chưa tiêm phòng hoặc không rõ lịch sử tiêm phòng.

Ngay sau khi bị chó đã tiêm phòng dại cắn, người bệnh cần xử lý vết thương sau khi bị chó dại cắn tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Rửa sạch vết thương bằng nước xà phòng trong ít nhất 15 phút là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu trong sơ cứu vết thương sau khi bị chó cắn. Ngoài ra, nước sạch, các dung dịch sát khuẩn thông thường như cồn i ốt, rượu cũng được dùng để làm sạch vết cắn, vết cào. Virus dại rất nhạy cảm và dễ bị bất hoạt bởi các dung dịch kể trên. Sơ cứu tốt vết thương khi bị chó cắn làm giảm tải lượng vi rút dại tại chỗ, từ đó giảm thiểu số lượng virus dại xâm nhập vào cơ thể nạn nhân.
  • Lấy hết dị vật có trong vết thương do động vật cắn.
  • Hạn chế làm dập nát các tổ chức phần mềm xung quanh vết thương và tránh làm lan rộng vết thương.
  • Tránh khâu kín vết thương khi không cần thiết. Trong trường hợp vết thương quá phức tạp, nên khâu mũi rời, ngắt quãng.
  • Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng uốn ván tùy từng trường hợp.
  • Những vết thương gần hệ thần kinh trung ương như vùng đầu mặt cổ, và các khu vực giàu các sợi thần kinh như cơ quan sinh dục ngoài là những trường hợp có nguy cơ rất cao, cần tuân thủ nghiêm ngặt các bước xử trí vết thương kể trên.
  • Theo dõi động vật tấn công bạn để phát hiện các dấu hiệu bất thường như trở nên điên cuồng, kích động, chảy nước dãi lòng thòng, liệt cơ hàm, không sủa được, chỉ gầm gừ.

Tóm lại, các bước xử trí ban đầu dành cho những người bị chó đã tiêm phòng dại cắn phải được thực hiện đầy đủ, hoàn toàn tương tự với những trường hợp khác.

3. Lợi ích của việc tiêm vắc-xin cho người bị chó đã tiêm phòng dại cắn

Cần khẳng định rằng, người bị chó đã tiêm phòng dại cắn vẫn cần được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bằng vắc-xin dại. Việc đánh giá tình trạng động vật tại lúc tấn công người và trong 10 ngày tiếp theo đó cần được thực hiện với cả động vật đã tiêm phòng dại hoặc chưa tiêm phòng dại. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có các nội dung điều trị dự phòng khác nhau:

  • Nếu động vật chỉ sờ hoặc liếm trên vùng da lành lặn: Không cần điều trị dự phòng. Việc tiêm vắc-xin dại có hoặc không kết hợp với huyết thanh kháng dại là không cần thiết.
  • Nếu động vật gây ra các vết cào, vết xước có chảy máu hoặc không, liếm trên niêm mạc hoặc các vùng da có vết thương từ trước, và động vật ở trong tình trạng bình thường trong suốt quá trình theo dõi, bao gồm tại thời điểm cắn và 10 ngày sau đó: Tiêm vắc-xin dại càng sớm càng tốt, tiêm đủ 2 mũi vào các ngày 0 và ngày 3, dừng tiêm sau ngày thứ 10. Ngày 0 được tính là ngày tiêm mũi vắc-xin đầu tiên.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin phòng dại. Khách hàng khi có nhu cầu có thể tới bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra nhằm có những chỉ định tốt nhất cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

192K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan