Những hiểu biết cơ bản về bệnh cúm và vắc-xin phòng cúm mùa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Mỗi năm, khoảng 10% dân số thế giới mắc cúm (khoảng 500 – 800 triệu người). Bệnh cúm là bệnh lành tính, nhưng có thể có những biến chứng nặng và nguy hiểm ở một số đối tượng; thậm chí, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Vì vậy, hiểu đúng về bệnh cúm và thực hành tiêm chủng vắc-xin phòng cúm là cách bảo vệ sức khoẻ tốt.

1. Bệnh cúm mùa

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp do virus cúm gây ra và lây lan trực tiếp từ người sang người. Bệnh cúm thường có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi....có thể kèm theo triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa lỏng). Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ em và người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai ....bệnh có thể diễn biến nặng hơn gây viêm phế quản, viêm phổi nặng, suy hô hấp, viêm não, suy đa phủ tạng...và có thể dẫn đến tử vong.

Tác nhân gây bệnh là virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae, được chia thành 3 týp A, B và C. Cúm A xuất hiện cả ở người và động vật, cúm B và C chỉ có ở người. Cúm A được phân týp dựa vào 2 kháng nguyên là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase) để chia thành các phân týp. Có 16 loại kháng nguyên H từ H1 đến H16 và có 9 loại kháng nguyên N từ N1 đến N9. Tổ hợp của kháng nguyên H và N đã tạo nên rất nhiều phân týp khác nhau của virus cúm A. Trong quá trình lưu hành của virus cúm A, 2 kháng nguyên này, nhất là kháng nguyên H, luôn luôn biến đổi. Những biến đổi nhỏ liên tục gây lệch cấu trúc kháng nguyên (antigenic drift) thường gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Những biến đổi nhỏ dần dần tích lại thành những biến đổi lớn, tạo nên phân týp kháng nguyên mới gọi là “thay đổi” kháng nguyên (antigenic shift). Đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm động vật và cúm người. Những phân týp kháng nguyên mới này sẽ gây đại dịch cúm trên toàn cầu (týp A: gây dịch hàng năm & đại dịch, týp B: gây dịch hàng năm, týp C: gây bệnh tản phát).

Nghi nghi mắc cúm H1N1
Khoảng 10% dân số thế giới mắc cúm mỗi năm

WHO ước tính hàng năm có khoảng 500 - 800 triệu ca mắc, trong đó khoảng 5 triệu ca bệnh cúm nặng và khoảng 250.000 – 500.000 ca tử vong. Các yếu tố thuận lợi lây nhiễm bệnh cúm là:

  • Thời tiết ẩm ướt hoặc lạnh.
  • Sống, làm việc trong môi trường kín, chật trội.
  • Đến những nơi đông đúc.
  • Công việc phải tiếp xúc nhiều
  • Gia tăng di chuyển giữa các quốc gia.

Các đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh cúm:

  • Người già (> 60 tuổi), đặc biệt sống tập thể.
  • Tất cả trẻ em & thiếu niên (6 tháng – 18 tuổi)
  • Phụ nữ có thai
  • Bệnh nhân có bệnh lý nền: Bệnh hô hấp mạn tính (Hen phế quản, COPD), Bệnh tim mạch, Bệnh chuyển hóa mạn tính như tiểu đường, Suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc bệnh (ví dụ nhiễm HIV), Bệnh suy thận mạn tính

2. Khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng cúm

2.1. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới

Nên tiêm vắc-xin phòng cúm cho các đối tượng:

  • Trẻ em
  • Người có bệnh mạn tính (hô hấp, tim mạch)
  • Người rối loạn chuyển hóa (bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn, lọc thận...)
  • Người cao tuổi

2.2. Khuyến cáo của CDC-ACIP, Ủy ban thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ:

Nên tiêm vắc-xin phòng cúm cho các đối tượng:

  • Trẻ em, phụ nữ mang thai
  • Người cao tuổi
  • Người có bệnh mạn tính (hô hấp, tim mạch, chuyển hóa)
  • Người chăm sóc, nhân viên y tế.

2.3. Khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam:

Quyết định 2078/QĐ-BYT ban hành ngày 23/6/2011 đã khuyến cáo:

  • Nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm.
  • Các nhóm nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng là:
  • Nhân viên y tế
  • Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi
  • Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...)
  • Người trên 65 tuổi.
Vacxin cúm dạng xịt
Vắc-xin cúm dạng xịt sống mũi

3. Những quan điểm về vắc-xin phòng cúm

3.1. Vắc-xin phòng cúm có thể gây bệnh cúm

Vắc-xin phòng cúm hoàn toàn không thể gây ra bệnh cúm. Vắc-xin được sản xuất từ kháng nguyên bề mặt hoặc kháng nguyên bề mặt kết hợp với kháng nguyên lõi của virus cúm nên không phải là virus cúm tự nhiên gây bệnh cúm mùa cho người. Một số trường hợp sau khi tiêm vắc-xin phòng cúm có triệu chứng giả cúm (hắt hơi, chảy nước mũi trong...), có thể tự khỏi sau 1-2 ngày nên mọi người nhầm tưởng tiêm vắc-xin phòng cúm gây nhiễm bệnh cúm.

3.2. Bất kỳ vắc-xin cúm nào cũng được khuyến cáo sử dụng

Đối với cúm mùa, từ năm 2019-2020, Uỷ ban Tư vấn thực hành miễn dịch khuyến nghị nên tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên với bất kỳ loại vắc-xin cúm nào được cấp phép phù hợp với độ tuổi và tình trạng của đối tượng tiêm. Có nhiều loại vắc-xin phòng cúm bao gồm vắc-xin cúm khử hoạt tính (IIV), vắc-xin cúm tái tổ hợp (RIV), hoặc vắc-xin cúm dạng xịt sống mũi (LAIV 4) nhưng điều quan trọng nhất là sử dụng vắc-xin hiện có và phù hợp cho tất cả trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và nên chủng ngừa cúm hàng năm.

Hiện tại, Việt Nam có vắc xin phòng cúm dạng tiêm chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi như vắc-xin Vaxigrip (do Sanofi của Pháp sản xuất), Influvac (do Abbot sản xuất tại Hà Lan), GC-Flu (Hàn Quốc sản xuất) . Trước đây còn có vắc-xin Fluarix (GSK –Bỉ sản xuất). Một số nước còn có vắc-xin phòng cúm dạng xịt, dạng uống...

3.3. Bị nhiễm cúm có tốt hơn tiêm vắc-xin cúm không?

Cúm là một bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người mắc một số bệnh mãn tính chẳng hạn như hen suyễn, bệnh tim hoặc bệnh tiểu đường hoặc những người suy giảm miễn dịch. Bất kỳ nhiễm trùng týp cúm nào cũng có thể có thể có nguy cơ biến chứng viêm phổi – suy hô hấp nghiêm trọng, nhập viện hoặc tử vong. Trên phụ nữ mang thai nhiễm cúm giai đoạn đầu của thai kì có thể gây biến chứng tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch cho thai nhi, thậm chí có thể xảy thai. Do đó, tiêm vắc-xin là lựa chọn an toàn (tác dụng phụ giả cúm sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc bệnh) để cơ thể có được sự bảo vệ miễn dịch.

3.4. Có cần tiêm vắc-xin hàng năm không?

Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) khuyến nghị nên tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ngay cả khi cơ thể đã được bảo vệ bởi vắc-xin được tiêm chủng từ mùa trước. Lý do này là do hệ thống miễn dịch của một người được bảo vệ bởi vắc-xin sẽ suy giảm theo thời gian và bản thân các týp cúm A,B có thể thay đổi hàng năm do sự thay đổi nhỏ kháng nguyên nên vắc-xin phòng cúm được gọi là vắc-xin phòng cúm mùa. Chúng ta cần phải tiêm vắc-xin hàng năm để có thể bảo vệ cơ thể tốt chống lại bệnh cúm.

3.5. Tại sao sau khi tiêm phòng cúm lại cảm thấy trong người không khoẻ?

Một số người có phản ứng nhẹ với tiêm phòng cúm. Các phản ứng phổ biến nhất từ mũi tiêm phòng cúm là đau nhức, đỏ hoặc sưng nơi tiêm thuốc, hắt hơi, chảy nước mũi trong; sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ cũng có thể xảy ra nhưng thường ít gặp. Nếu những phản ứng này xảy ra thường bắt đầu ngay sau tiêm và kéo dài từ 1-2 ngày. Trong những nghiên cứu ngẫu nhiên được chia làm hai nhóm: nhóm một là một số người tiêm phòng cúm, nhóm thứ hai chỉ tiêm nước muối. Thì tìm thấy sự khác biệt duy nhất về triệu chứng là đau nhức ở cánh tay và đỏ ở chỗ tiêm trong số những người được tiêm phòng cúm. Giữa hai nhóm không có sự khác biệt về đau nhức cơ thể, sốt, ho, sổ mũi hoặc đau họng.

Một số nước có vắc-xin phòng cúm dạng xịt có thể gặp tác dụng phụ của vắc-xin cúm dạng xịt mũi như sổ mũi, thở khò khè, nhức đầu, nôn mửa, đau cơ, sốt, đau họng và ho. Những tác dụng này thường xảy ra ngay sau khi dùng vắc-xin.

Tuy nhiên, các phản ứng phổ biến nhất mà người tiêm vắc-xin cúm thấy được thường tự khỏi, không cần điều trị và là ít nghiêm trọng hơn so với những người bị mắc bệnh cúm.

3.6. Những phản ứng nghiêm trọng của tiêm vắc-xin phòng cúm

Phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin phòng cúm là cực kì hiếm. Nếu chúng xảy ra, thường là trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiêm chủng. Mặc dù, nếu những phản ứng nghiêm trọng xảy ra như sốc phản vệ có thể đe dọa đến tính mạng nhưng vẫn có phương pháp điều trị hiệu quả nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

tiêm vắc-xin cúm
Một số người có phản ứng nhẹ với tiêm phòng cúm

3.7. Tiêm vắc-xin phòng cúm mùa và vẫn bị bệnh với các triệu chứng của cúm

Có một số lý do nào đó mà một người khi đã tiêm phòng cúm vẫn có các triệu chứng của cúm.

  • Lý do có thể do một số người có thể bị bệnh do các loại virus đường hô hấp khác ngoài cúm như Rhinovirus, Adenovirus..., có liên quan đến cảm lạnh thông thường, gây ra các triệu chứng tương tự như cúm (hắt hơi, chảy nước mũi, ho...). Bệnh cũng lây lan và gây bệnh trong mùa cúm nên dễ nhầm tưởng giữa cảm lạnh và cúm. Vắc-xin phòng cúm chỉ bảo vệ chống lại cúm chứ không phải các bệnh khác.
  • Lý do khác cho rằng có thể phơi nhiễm với virus gây bệnh cúm ngay sau khi tiêm vắc-xin cúm hoặc trong khoảng thời gian 2 tuần sau khi tiêm vắc-xin, khi mà cơ thể chưa có kháng thể để bảo vệ. Do đó, phơi nhiễm này có thể dẫn đến một người bị cúm trước khi được vắc-xin cúm bảo vệ.
  • Một số người có thể gặp các triệu chứng cúm mặc dù đã được tiêm vắc-xin là vì họ có thể đã tiếp xúc với týp virus cúm khác với các týp virus có trong thành phần vắc-xin. Vì vậy, khả năng của vắc-xin cúm để bảo vệ một người phụ thuộc phần lớn vào sự giống nhau hoặc so khớp giữa các loại virus được chọn để tạo ra vắc-xin, cũng như sự lây truyền và nguyên nhân gây bệnh.
  • Lời giải thích cuối cùng cho việc trải qua các triệu chứng cúm sau khi tiêm vắc-xin là khả năng sinh kháng thể bảo vệ của vắc-xin cúm có thể khác nhau về mức độ hoạt động ở các cơ thể khác nhau nên một số người được tiêm vắc-xin vẫn có thể bị bệnh.

3.8. Tiêm chủng hai lần có thể làm tăng khả năng miễn dịch không?

Ở các nghiên cứu không cho thấy lợi ích từ việc tiêm nhiều hơn một liều vắc-xin trong cùng một mùa cúm, ngay cả ở những người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu. Ngoại trừ ở trẻ em 6 tháng đến trước 9 tuổi, lần đầu tiên tiêm vắc-xin phòng cúm sẽ tiêm 2 mũi vắc-xin cách nhau tối thiểu 1 tháng, sau đó mới nhắc lại hàng năm.

4. Hiệu quả của vắc-xin phòng cúm

Hiệu quả của vắc-xin phòng cúm có thể khác nhau. Sự bảo vệ được cung cấp bởi vắc-xin tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người được tiêm vắc-xin và sự giống nhau hoặc khác nhau giữa các týp virus trong vắc-xin.

  • Vắc-xin phòng cúm ngăn ngừa hàng triệu bệnh nhân cúm và các bệnh mà bệnh cúm có liên quan đến sự thăm khám của bác sĩ hàng năm. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2017-2018, tiêm phòng cúm đã ngăn ngừa khoảng 6,2 triệu bệnh cúm; 3,2 triệu lượt khám bệnh liên quan đến cúm, 91.000 ca nhập viện liên quan đến cúm và 5.700 ca tử vong liên quan đến cúm.
  • Nghiên cứu về tiêm vắc-xin phòng cúm cho thấy ở trẻ em tiêm vắc-xin làm giảm 84.8% hội chứng cúm và 41% nhiễm khuẩn đường hô hấp; ở người già làm giảm 57% nguy cơ nhập viện, 67% nguy cơ tử vong; người khỏe mạnh cũng làm giảm 73.16% nguy cơ xảy ra bệnh cúm, 78% số ngày nghỉ việc và hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm cúm là 88-89%. Do vậy tiêm phòng cúm có thể làm giảm nguy cơ nhập viện liên quan đến cúm cho trẻ em, người lớn trong độ tuổi lao động và người cao tuổi.
  • Tiêm phòng cúm là một biện pháp phòng ngừa quan trọng cho những người mắc bệnh mãn tính. Tiêm phòng cúm có liên quan đến tỷ lệ thấp hơn của một số biến cố tim ở những người mắc bệnh tim, làm giảm tình trạng xấu đi và nhập viện vì bệnh phổi mãn tính liên quan đến cúm, chẳng hạn như ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hoặc tiêm phòng cúm cũng đã được chứng minh trong các nghiên cứu riêng biệt có liên quan đến việc giảm nhập viện ở những người có biểu hiện bệnh tiểu đường. Ở bệnh nhân tim mạch: tiêm vắc-xin phòng cúm làm giảm 67% nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát, 54% nguy cơ đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua; ở bệnh nhân hen và bệnh phổi mạn tính cũng giúp giảm 22-41% cơn hen kịch phát, 76% các đợt bệnh phổi cấp; ở bệnh nhân tiểu đường tiêm vắc-xin giúp giảm nguy cơ nhập viện do viêm phổi là 79% và giảm 25-57% tỉ lệ tử vong do mắc bệnh cúm.
  • Tiêm phòng cúm giúp bảo vệ phụ nữ trong và sau khi mang thai. Tiêm vắc-xin làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai và giúp phụ nữ mang thai có nguy cơ phải nhập viện vì cúm giảm trung bình khoảng 40%. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngoài việc giúp bảo vệ bà bầu, vắc-xin cúm được cung cấp khi mang thai giúp bảo vệ thai nhi khỏi dị tật và em bé giảm mắc bệnh cúm trong vài tháng sau khi sinh, khi bé chưa đủ tuổi để được tiêm phòng.
  • Tiêm phòng cúm đã được chứng minh trong một số nghiên cứu nhằm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người được tiêm vắc-xin nhưng vẫn bị bệnh. Nghiên cứu năm 2017 cho thấy tiêm vắc-xin phòng cúm giúp giảm tử vong, nhập viện tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU), thời gian nằm viện ICU và thời gian nằm viện. Nghiên cứu năm 2018 cho thấy trong số những người trưởng thành nhập viện vì cúm, bệnh nhân được tiêm vắc-xin có khả năng nhập viện ICU ít hơn 59% so với những người chưa được tiêm phòng. Trong số những người trưởng thành ở ICU bị cúm, số ngày điều trị trung bình của bệnh nhân được tiêm vắc-xin ít hơn 4 ngày so với những người không được tiêm phòng.
  • Tiêm vắc-xin cũng có thể bảo vệ những người xung quanh bao gồm cả những người dễ bị bệnh cúm nghiêm trọng hơn như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và những người mắc một số bệnh mãn tính.
Dấu hiệu nguy hiểm của cảm cúm
Nên tiêm vắc-xin phòng cúm nhắc lại mỗi năm

5. Thời điểm tiêm vắc-xin cúm

Việt Nam là nước có thể nhiễm virus cúm quanh năm, cả cúm Nam và Cúm Bắc bán cầu nên có thể tiêm vắc-xin vào bất cứ thời điểm nào và nhắc lại hàng năm. Tuy nhiên, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) khuyến nghị mọi người nên tiêm chủng ngừa cúm vào khoảng tháng 10. Dịch cúm theo mùa có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 10, hoạt động của cúm đạt cực đại từ tháng 12 đến tháng 2 và hoạt động có thể kéo dài đến cuối tháng 5. Vì phải mất khoảng hai tuần sau khi tiêm vắc-xin để kháng thể phát triển trong cơ thể bảo vệ chống lại nhiễm virus cúm, nên tiêm vắc-xin kịp thời để được bảo vệ trước khi virus cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Nếu chưa được tiêm phòng vào khoảng tháng 10, thì việc tiêm vắc-xin muộn hơn vẫn có thể được bảo vệ. Bệnh cúm là không thể dự đoán được và mùa bệnh cũng có thể thay đổi. Bệnh cúm theo mùa thường đạt đỉnh vào giữa tháng 12 và tháng 3 trong hầu hết các năm. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra muộn vào cuối tháng năm. Chính vì vậy, hãy tiêm vắc-xin phòng cúm để bảo vệ ngay khi độ tuổi, thời điểm có thể chỉ định tiêm vắc-xin (trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và tiêm nhắc hàng năm).

Trung tâm vắc-xin – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và chuỗi Bệnh viện, phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin phòng cúm. Những ưu điểm khi tiêm vắc-xin tại Vinmec bao gồm:

  • Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe.
  • Tư vấn về vắc-xin phòng bệnh, phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin.
  • 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
  • Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
  • Phòng tiêm chủng thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh.
  • Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng.
  • Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: CDC

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan