Sự khác nhau giữa vắc-xin bại liệt dạng uống và tiêm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Polio (bại liệt) gây ra. Vi rút bại liệt gồm 3 týp 1, 2 và 3. Sau khi vào cơ thể vi rút sẽ xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây nên tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời.

Bệnh bại liệt lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa. Bệnh rất dễ lây. Hầu hết trẻ em sống cùng nhà hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh có thể bị nhiễm vi rút. Cách phòng bệnh bại liệt hiệu quả là tạo hệ miễn dịch chủ động bằng cách tiêm hoặc uống vắc xin bại liệt. Vắc xin bại liệt có hai dạng là vắc xin bại liệt dạng uống và dạng tiêm.

1. Phân biệt vắc xin bại liệt dạng uống và dạng tiêm

Hai loại vắc xin phòng bệnh bại liệt cụ thể là:

1.1 Vắc xin sống giảm động lực dạng uống (OPV)

Vắc xin sống giảm độc lực dạng uống (OPV): chứa vi rút bại liệt sống đã làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Miễn dịch này giúp cho cơ thể phòng vệ không cho vi rút xâm nhập vào cơ thể.

1.2 Vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV)

Vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) có chứa các virus bại liệt chết đã được xử lý có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh hiệu quả. Dạng vắc xin phòng bệnh bại liệt dạng tiêm có thể ở dạng phối hợp cùng một số loại vắc xin khác.

Hiện có một số loại vắc xin phòng bệnh bại liệt như: Vắc xin OPV chứa 3 tuýp kháng nguyên bại liệt (tOPV) 1,2,3 được triển khai dành cho trẻ ở độ tuổi 2,3,4 tháng. Vắc xin này khẳng định hiệu quả phòng ngừa bệnh cao.

Bên cạnh đó, vắc xin OPV chứa 2 tuýp kháng nguyên bại liệt (bOPV) 1, 3 được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thay thế cho loại vắc xin tOPV đã được triển khai trên hơn 150 quốc gia. Một loại vắc xin IPV có chứa 3 tuýp kháng nguyên bại liệt 1,2,3 được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng tại nhiều nước trong đó có Việt Nam bắt đầu từ năm 2018.

2. Nên sử dụng vắc xin bại liệt dạng tiêm hay uống?

vacxin 5 trong 1
Việc sử dụng vắc xin bại liệt dạng uống hay dạng tiêm đều có hiệu quả phòng bệnh như nhau

Việc sử dụng vắc xin bại liệt dạng uống hay dạng tiêm đều có hiệu quả phòng bệnh như nhau. Tuy nhiên, nếu trẻ được tiêm vắc xin có thành phần phòng ngừa bệnh bại liệt ở các mũi phối hợp, trẻ vừa được phòng bại liệt vừa có kháng thể bảo vệ trước nhiều bệnh căn bệnh nguy hiểm khác.

Việc lựa chọn vắc xin phòng bệnh bại liệt dạng uống hay dạng tiêm tùy thuộc vào điều kiện và sự lựa chọn của từng cha mẹ. Quan trọng là cần tiêm uống đúng đủ mũi và đúng lịch để được nâng cao tối đa hiệu quả phòng bệnh vắc xin.

Ngoài ra, vắc xin bại liệt cũng có trong thành phần các mũi tiêm chủng phối hợp như vắc xin 6in1 Infanrix Hexa, 6in1 Hexaxim ngừa được 6 bệnh bao gồm bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae túyp B (Hib) gây ra, vắc xin 5in1 Pentaxim ngừa 5 bệnh bao gồm: Bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B (Hib), vắc xin Tetraxim ngừa được 4 bệnh bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván.

3. Lịch tiêm phòng bại liệt

Hai loại vắc xin bại liệt dạng uống và tiêm chỉ khác nhau về thành phần kháng nguyên phòng bệnh. Lịch tiêm chủng mở rộng vắc xin bOPV, tOPV cụ thể:

  • Liều 1: Khi trẻ 2 tháng tuổi
  • Liều 2: Khi trẻ 3 tháng tuổi
  • Liều 3: Khi trẻ 4 tháng tuổi

Khi trẻ 5 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi IPV. Đối với tiêm phòng dịch vụ, các mũi tiêm có chứa thành phần bại liệt gồm:

  • Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6in1 Hexaxim (Pháp), vắc xin 5in1 Pentaxim (Pháp) tiêm 3 mũi chính từ 2, 3, 4 tháng tuổi. Mũi 4 tiêm nhắc lại khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi.
  • Vắc xin phòng 4 bệnh Tetraxim (Pháp) nên được bắt đầu từ tháng thứ 2. Hai mũi tiếp theo tiêm cách nhau khoảng 1 đến 2 tháng. Mũi nhắc lại được tiêm vào năm thứ 2.
Tiêm phòng viêm gan B cho bé
Khi trẻ 5 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi nhắc lại vắc-xin bại liệt

4. Chuyển vắc xin từ tOPV sang bOPV

Vắc xin OPV là vắc xin uống có chứa các thành phần virus bại liệt đã được làm suy yếu nên tỷ lệ nhỏ nguy cơ virus có khả năng biến đổi, lây bệnh ở cộng đồng. Tỷ lệ này rất thấp và hiếm nhưng đã có ghi nhận những trường hợp mắc bệnh bại liệt do virus có nguồn gốc từ vắc xin và thường gặp nhất là virus tuýp 2. Chính vì vậy việc thay thế vắc xin bại liệt 3 tuýp tOPV được chuyển đổi sau sử dụng vắc xin bại liệt 2 tuýp bOPV.

Nếu trẻ đang uống vắc xin tOPV có thể chuyển sang tiếp tục uống bOPV mà không phải uống lại từ đầu.

Vắc xin bOPV có chống chỉ định với trẻ em bị mẩn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin hoặc trẻ đã từng bị phản ứng nghiêm trọng khi sử dụng vắc xin bại liệt uống. Trẻ tiêm phòng vắc xin bại liệt cần được khám sàng lọc trước khi tiến hành. Trẻ sau khi sử dụng vắc xin dù dạng uống hay tiêm có các phản ứng phụ như sưng đau, sốt quấy khóc thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Đây là các dấu hiệu bình thường ở trẻ khi tiếp nhận vắc xin vào cơ thể. Tùy vào cơ địa mỗi trẻ mà các biểu hiện trên sẽ mất sau vài ngày. Cha mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ và chăm sóc trẻ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan