Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào? Lịch tiêm cụ thể ra sao

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm rất cao bởi vì trong những năm đầu đời hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện. Trong đó, phế cầu là vi khuẩn gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt với những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu. Vi khuẩn phế cầu có thể gây bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não,... ở trẻ với rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ nên chủ động tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ để tạo miễn dịch chủ động giúp phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

1. Sơ lược về vi khuẩn phế cầu

Vi khuẩn phế cầu (phế cầu khuẩn) là loại vi khuẩn thuộc chi Streptococcus pneumoniae. Chúng cư trú trong mũi họng, sẽ gây bệnh khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu. Loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh khi bị nhiễm vào phổi, máu hay não. Đặc biệt, vì lây qua đường hô hấp nên vi khuẩn phế cầu có thể phát tán nhanh chóng trong cộng đồng.

Trẻ dưới 5 tuổi, đi học tại nhà trẻ, có hệ thống miễn dịch kém nếu chưa được tiêm phòng vắc-xin sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm phế cầu khuẩn. Loại vi khuẩn này là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não,.. Nếu như may mắn chữa khỏi bệnh, trẻ vẫn phải chịu đựng một số di chứng nguy hiểm, ví dụ như: điếc, mù, trí tuệ chậm phát triển. Nếu trẻ không được tiêm phòng đầy đủ hoặc không điều trị kịp thời thì sẽ có nguy cơ tử vong. Vì thế tiêm vắc xin phế cầu khuẩn khi trẻ đủ tuổi tiêm phòng là cách để chủ động phòng chống bệnh.

2. Vắc-xin phế cầu khuẩn là gì?

Vắc-xin phế cầu khuẩn là loại vắc-xin giúp chống lại vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Hiện, vắc-xin phế cầu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần - 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau tùy từng độ tuổi. Ở Việt Nam hiện có 2 loại vắc-xin phế cầu là:

  • Vắc-xin phế cầu Synflorix (PCV10): Phòng ngừa được 10 chủng phế cầu khuẩn khác nhau, chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần - 5 tuổi. Đây là loại vắc-xin có thêm tác dụng phòng ngừa viêm tai giữa và viêm phổi;
  • Vắc xin Prevenar 13 phòng các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn
Vacxin phế cầu có tác dụng gì?
Vắc-xin phế cầu khuẩn được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần - 5 tuổi

3. Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào sẽ đảm bảo an toàn? và lịch tiêm vắc-xin

Hiện có 2 loại vaccine phòng phế cầu: Synflorix và Prevenar 13

3.1 Synflorix

Synflorix là loại vắc-xin phế cầu được lựa chọn rộng rãi để tiêm chủng cho trẻ. Vắc-xin được áp dụng tiêm cho trẻ đủ 6 tuần đến 5 tuổi. Trẻ được tiêm ở vùng cơ delta cánh tay hoặc mặt trước - bên của đùi tùy từng độ tuổi. Phác đồ tiêm chuẩn cho trẻ là:

3.1.1 Trẻ 6 tuần - 6 tháng tuổi

  • Liều 1 có thể dùng bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi.
  • Liều thứ 2 cách liều thứ 1 tối thiểu 1 tháng.
  • Liều thứ 3 cách liều thứ 2 tối thiểu cũng 1 tháng.
  • Liều nhắc lại được chỉ định cách liều thứ 3 tối thiểu 6 tháng.

Trẻ sinh non (≥ 27 tuần tuổi)

Chủng ngừa Synflorix khi trẻ được 2 tháng tuổi, và sử dụng phác đồ cơ bản 3 + 1 ở trên.

3.1.2 Trẻ từ 7 - 11 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm phòng trước đó

Lịch tiêm cho trẻ như sau:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên;
  • Mũi 2: Cách mũi đầu tiên 1 tháng;
  • Mũi nhắc lại: Vào năm tuổi thứ 2, cách mũi 2 ít nhất 2 tháng.

3.1.3 Trẻ 1 - 3 tuổi nhưng chưa được tiêm phòng trước đó

Lịch tiêm cho trẻ như sau:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên;
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.

3.2 Vắc xin Prevenar 13

Vắc xin Prevenar 13 phòng các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu)... do phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae gây ra.

Đối tượng có thể sử dụng vắc xin:

  • Trẻ em, có thể sử dụng từ khi 6 tuần tuổi.
  • Người trưởng thành.
  • Người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); lao phổi, tim mạch, tiểu đường...
Tiêm phòng cho bé
Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi trẻ từ 6 tuần tuổi

Lịch tiêm phòng:

Trẻ em từ 6 tuần tuổi – 6 tháng tuổi:

Lịch tiêm 3 liều cơ bản:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.
  • Mũi nhắc lại: tiêm khi trẻ 11 – 15 tháng tuổi và cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng.

Lưu ý: Mũi tiêm đầu tiên của phác đồ tiêm chủng có thể bắt đầu từ 6 tuần tuổi.

Trẻ em từ 7 – 11 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó):

Lịch tiêm 2 liều cơ bản:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.
  • Mũi nhắc lại: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.

Lưu ý: Mũi tiêm nhắc lại cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 12 – 23 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó):

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 24 tháng tuổi – người lớn:

  • Tiêm 1 mũi duy nhất.

4. Tầm quan trọng của tiêm vắc-xin đúng lịch

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ngay cả trong thời điểm có dịch bệnh, phụ huynh vẫn nên đưa con đi tiêm vắc xin đúng lịch. Việc trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ hoặc khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm họng, viêm phổi...trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tiêm vaccine đúng thời điểm và đúng lịch là rất quan trọng và cần thiết để kịp thời phòng được bệnh đã tiêm và để không nhầm lẫn với bệnh khác, không gây lo lắng cho gia đình và cộng đồng. Nếu trong thời điểm này trẻ bị ho hay sốt các phụ huynh sẽ rất hoảng sợ không biết triệu chứng này do Covid-19 hay do bệnh khác vì một số triệu chứng của nhiễm Covid-19 giống như cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp khác

Trong vòng 5 năm đầu đời trẻ mới xây dựng được hệ miễn dịch hoàn thiện vì vậy tiêm chủng đầy đủ là một cách tăng cường sức đề kháng hiệu quả với trẻ. Cha mẹ cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng tuân thủ đúng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Bộ y tế như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra các phụ huynh luôn cập nhật thông tin đúng đủ về chủng Covid -19 này để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi Virus Corona.

Những khu vực không có dịch các mẹ vẫn có thể cho bé đi tiêm phòng theo lịch tiêm chủng phù hợp với lứa tuổi, nhưng tránh những nơi tụ tập đông người, nên đặt lịch hẹn trước tránh không phải chờ đợi và đến cơ sở y tế tin tưởng cơ sở vật chất đảm bảo.

>> Xem thêm: Có nên trì hoãn việc tiêm chủng trong đợt dịch Covid-19? được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

5. Lưu ý khi tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ

5.1 Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin phế cầu

Trẻ được tiêm vắc-xin phế cầu có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Đau, sưng đỏ tại vị trí tiêm;
  • Sốt;
  • Chán ăn;
  • Chai cứng tại vị trí tiêm.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp gồm: Quấy khóc bất thường, tiêu chảy, nôn ói, phát ban, chảy máu hoặc tụ máu tại vị trí tiêm, vết tiêm sưng đỏ, sốt cao trên 39°C,... Lúc này, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Trẻ sốt sau tiêm vắc-xin 5 trong 1
Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin phế cầu có thể gây sốt cao trên 39°C

5.2 Trường hợp cần cân nhắc khi tiêm vắc-xin phế cầu

Vắc-xin phế cầu cần được tiêm đúng độ tuổi với liều tiêm theo quy định. Tuy vậy, có trường hợp cần cân nhắc khi tiêm. Những trẻ sinh non dưới 28 tuần, bị nhiễm HIV, suy lách, suy giảm miễn dịch, rối loạn đông máu, giảm bạch cầu,... cần được bác sĩ tư vấn để lựa chọn giải pháp an toàn.

Chống chỉ định tiêm vắc-xin phế cầu cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc-xin, những người đang có sức khỏe không ổn định tại thời điểm tiêm phòng.

Tiêm vắc-xin phế cầu cần thực hiện đúng độ tuổi, đúng liều tiêm và lịch tiêm được khuyến cáo để mang lại khả năng bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Sau tiêm, cha mẹ cần theo dõi sát sức khỏe của bé để kịp thời xử trí nếu không may có các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

221.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan